Danh không chính…
Dù đã dọn vào ở nhiều năm, nhưng các cư dân của Dự án Star City (Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn chưa được cấp sổ hồng, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Vneco Hà Nội vẫn chưa tiến hành bàn giao nhà. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân.
Theo ông Vũ Văn Thanh, Trưởng Ban quản trị tòa nhà Star City, đến nay tòa chung cư này vẫn chưa được bàn giao hồ sơ hoàn công làm cơ sở để cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ cho cư dân.
“Mỗi căn hộ giá trị nhiều tỷ đồng nhưng không có sổ hồng nên không thể thế chấp ngân hàng, khó khăn khi giao dịch mua bán, gây mất giá, thiệt hại nhiều cho các hộ gia đình ở đây”, ông Thanh nói.
Không chỉ bị tố chây ỳ trong việc bàn giao căn hộ một cách chính thức, chủ đầu tư dự án này còn bị các cư dân tố vi phạm hàng loạt vấn đề như: không bàn giao đầy đủ quỹ bảo trì, chiếm dụng không gian chung, tự ý thay đổi công năng, không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy,…
Tương tự, tại Chung cư BMM (Hà Đông, Hà Nội), nhiều cư dân cho biết, dù đã dọn về ở được 4 năm, nhưng chủ đầu tư chưa bàn giao nhà một cách chính thức, do đó, hàng trăm hộ dân đang rơi vào cảnh “sống chui”.
Lý do được các hộ dân đưa ra là do chủ đầu tư xây vượt quá số tầng theo giấy phép được duyệt, cùng với sai phạm về phòng cháy, chữa cháy nên đã nhiều năm trôi qua, dự án này vẫn chưa thể bàn giao do chưa nhận được cái gật đầu của các cơ quan chức năng.
Sống trong cảnh pháp lý dự án thiếu trước hụt sau, những quyền lợi cơ bản của người dân cũng không được đảm bảo khi không gian chung bị chiếm dụng làm bãi gửi xe, tầng hầm không được bàn giao cho Ban quản trị quản lý, khai thác, chủ đầu tư thì khư khư ôm quỹ bảo trì…
…Ngôn không thuận
Sống chui và phải chịu nhiều thiệt thòi, quyền lợi không được đảm bảo. Đó là nguyên nhân dẫn đến nhiều thắc mắc, khiếu kiện đông người của cư dân các dự án nói trên.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, mới đây, cư dân Star City đã thực hiện một cuộc khiếu kiện quy mô lớn để đòi chủ đầu tư sớm hoàn thiện, bàn giao sổ hồng, quỹ bảo trì, hoàn thiện các hạng mục phòng cháy, chữa cháy…
CT6C, tòa nhà 32 tầng xây không phép
Tại Chung cư BMM cũng tương tự. Hơn 100 cư dân đại diện cho các hộ gia đình đã đồng loạt gửi đơn thư kếu cứu tới các cơ quan chức năng và báo chí. Trước sức ép của dư luận, mới đây, chủ đầu tư chung cư này đã phải dẹp bỏ xưởng may ở tầng 2 và Ủy ban Nhân dân phường Phúc La, quận Hà Đông cũng đã có buổi làm việc để lắng nghe các kiến nghị của cư dân nhằm tìm hướng giải quyết.
Chất lượng sống đi xuống
Một điểm nóng thu hút nhiều sự chú ý của dư luận trong thời gian qua là Chung cư CT6C, Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội. Cả một tòa chung cư cao 32 tầng đã được chủ đầu tư là Công ty cổ phần Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bemes xây mà không hề được cấp phép. Người dân cũng đã vào ở 6 năm, nhưng đến nay, hàng trăm hộ dân vẫn không được đảm bảo quyền lợi cơ bản nhất của một giao dịch mua bán thông thường, là cấp chứng nhận quyền sở hữu.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Lê Phong Hoan, Tổ trưởng Tổ dân phố 18, phường Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội cho biết: “Gia đình tôi dọn vào chung cư CT6C ở từ năm 2013. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn chưa được bàn giao nhà một cách chính thức. Như vậy, chúng tôi đang ở trái phép ngay trong chính căn hộ của mình. Khi đặt mua nhà, chúng tôi không hề được biết thông tin sai phạm về quy hoạch, chủ đầu tư và đơn vị bán hàng cũng giấu và không hề cho khách hàng biết, họ chỉ nói những điều hay ho, đẹp đẽ. Cả tòa C chưa có căn hộ nào lấy được sổ đỏ. Chúng tôi đã đưa ý kiến nhiều lần đến chủ đầu tư và các cơ quan chính quyền nhưng vẫn chưa được giải quyết. Phường, quận đều ủng hộ và thúc bách nhưng chủ đầu tư vẫn chây ỳ, không giải quyết”.
Chủ đầu tư cũng xây vượt phép từ 34 lên 38 căn liền kề
Còn chủ nhân căn hộ 2512 lại cho biết, trong hợp đồng khẳng định chủ đầu tư phải tạo điều kiện, hỗ trợ pháp lý để làm sổ hồng, nhưng họ không thực hiện. Không có sổ đỏ thì việc mua bán, chuyển nhượng sẽ rất khó khăn và mất giá. Cư dân đã bị lừa mua nhà xây không phép. Hiện giờ, con tôi phải đi học trái tuyến cũng là hệ lụy từ việc này mà ra.
“Thông thường, người dân chỉ cần sửa cái nhà vệ sinh cũng đã thấy thanh tra, kiểm tra các kiểu. Vậy mà khi chủ đầu tư xây cả một tòa nhà to tướng không có phép mà không bị phát hiện. Điều này lạ vô cùng”, cư dân này cho hay.
Khó chuyển nhượng
Một trong những hệ lụy lớn nhất của việc hàng trăm hộ dân bị lừa mua nhà xây không phép là không thể vay vốn ngân hàng hay thực hiện các hoạt động mua, bán.
Anh Nguyễn Huy Hiệp, căn hộ 2610, CT6C Kiến Hưng chia sẻ, khi không có sổ đỏ thì người dân không thể vay ngân hàng, mua bán, chuyển nhượng khó và tai tiếng khiến căn hộ bị mất giá nhiều. Với các chủ hộ là người ngoại tỉnh, nhà không có sổ đỏ thì ảnh hưởng lớn đến việc làm hộ khẩu, đến việc học hành của con cái.
“Tôi muốn bán nhà này vì đã mua chỗ khác nhưng nếu bán sẽ mất khoảng 300 triệu đồng so với giá mua, tức mất khoảng 1/6 giá trị tài sản vì rớt giá”, anh Hiệp nói
Mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường, nhưng hàng trăm cư dân CT6C đang rất lo lắng cho tương lai mái ấm của mình
Hiện tại, theo phản ánh của các cư dân, tất các thông tin về quỹ bảo trì, các khoản thu, chi người dân đều không được biết, chủ đầu tư không chịu bàn giao. Ngoài ra, mức thu phí dịch vụ tại đây cũng được cho là cao so với mặt bằng chung tại Hà Đông: Xe máy 80.000/xe/tháng. Ô tô 800.000 - 1.000.000 đồng/xe/tháng. Phí dịch vụ hiện đang thu 150.000 đồng/căn hộ/tháng.
Một cư dân khác cho hay: “Nhà tôi muốn chuyển đổi hoặc bán căn hộ thì rất khó vì không có giấy tờ. Hệ thống phòng cháy chữa cháy rất kém. Chuông báo cháy lúc có, lúc không nên mọi người không biết đâu mà lần. Chúng tôi phải tự trang bị cho mình kiến thức phòng cháy, chữa cháy và ứng phó đề phòng tình huống xấu xảy ra. Một bất cập nữa là với hệ thống phóng cháy chữa cháy mới được thi công thì hướng thoát khói ra lại ngược hướng gió chính, giả sử có cháy mà hút khói ra cũng bị thổi ngược lại, không hiệu quả”.
Lo ngại về pháp lý
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, nhiều cư dân chung cư CT6C cho rằng mình là nạn nhân của một vụ lừa đảo. Trong trường hợp xấu nhất là chung cư phải giải tỏa thì không biết quyền lợi sẽ ra sao? Còn nếu Nhà nước chấp thuận cho ở nhưng không thể làm được sổ hồng thì giá trị tài sản cũng bị rớt thê thảm.
Ông Hoan bày tỏ: “Nếu phải đập bỏ tòa nhà này, thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm bồi thường cho chúng tôi. Còn nếu Nhà nước đồng ý phạt và cho tồn tại, thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm chịu phạt để hoàn thiện thủ tục cho khách hàng”.
Còn theo ông Trương Mạnh Thắng, thành viên Ban quản trị tòa nhà: “Về mặt giấy tờ, văn bản của Nhà nước thì chúng tôi chẳng có gì cả. Từ hợp đồng, giấy từ, hóa đơn là tờ giấy đen trắng, không có căn cứ gì để chứng minh căn hộ là sở hữu của chúng tôi cả”.
Lo ngại của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Và câu hỏi đặt ra là với sai phạm một cách có hệ thống như vậy, ai sẽ là người chịu trách nhiệm, đơn vị nào sẽ đứng ra giải quyết và quyền lợi của người dân có được đảm bảo. Bởi nếu xử lý không khéo, đây sẽ là điển hình của câu chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com