Cổ phiếu “trà đá”
Nếu cổ phiếu từ UPCoM muốn chuyển giao dịch lên HNX hay HoSE, hoặc từ HNX lên HoSE luôn đi kèm những tiêu chuẩn, điều kiện nâng cao, khắt khe hơn, thì việc chuyển niêm yết từ HoSE, HNX sang giao dịch trên UPCoM được xem là “bước thụt lùi”, bởi chủ yếu thuộc diện hủy niêm yết bắt buộc. Năm 2019, không ít cổ phiếu của các doanh nghiệp thuộc diện hủy niêm yết bắt buộc và đang giao dịch trên UPCoM với giá thấp hơn cả một cốc trà đá.
Một cái tên để lại nhiều dấu ấn cho nhà đầu tư là VHG của Công ty cổ phần Đầu tư Cao su Quảng Nam. Trước đó, VHG niêm yết trên HoSE, nhưng bị hủy niêm yết bắt buộc do lỗ 3 năm liên tiếp, lỗ lũy kế đến hết năm 2018 lên đến 1.276 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là Công ty đang trong giai đoạn tái cấu trúc, thoái vốn tại những khoản đầu tư không hiệu quả, đồng thời trích lập dự phòng một số khoản đầu tư tài chính để đảm bảo an toàn tài chính.
Trước khi bị hủy niêm yết, VHG đã có 6 phiên tăng trần liên tiếp, giá chào sàn UPCoM là 1.300 đồng/cổ phiếu. Sau phiên tăng ấn tượng đầu tiên lên 1.600 đồng/cổ phiếu với hơn 1,3 triệu cổ phiếu khớp lệnh, VHG hiện chỉ giao dịch ở mức 600 - 700 đồng/cổ phiếu.
Cũng do doanh nghiệp thua lỗ 3 năm liên tiếp 2016-2018, 30 triệu cổ phiếu PVV của Công ty cổ phần Vinaconex 39 (tiền thân là Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Vinaconex - PVC) đã rời HNX để giao dịch trên UPCoM từ cuối tháng 5/2019. Hay một cổ phiếu khác cũng hủy niêm yết bắt buộc trong năm qua là DCS của Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Châu với lý do kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với Báo cáo tài chính năm 2018 của Công ty. Hai cổ phiếu này đều giao dịch ở mức 400-500 đồng/cổ phiếu.
Bên cạnh những cổ phiếu hủy niêm yết bắt buộc, không ít doanh nghiệp cũng đã hủy niêm yết tự nguyện trong năm 2019 để chuyển sang giao dịch trên UPCoM.
Đáng chú ý trong đó là mã CMT của Công ty cổ phần Công nghệ mạng và Truyền thông (Infonet). Tại thời điểm trước khi chuyển sàn, phía Công ty cho biết, việc hủy niêm yết tự nguyện là nhằm tập trung tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh và phát triển doanh nghiệp. Với giá chào sàn 8.300 đồng/cổ phiếu, CMT từng có thời điểm tăng lên 12.000 đồng và đang giao dịch quanh ngưỡng 9.000 đồng/cổ phiếu.
Chưa thoát khỏi tình trạng bết bát
Như đã nêu, không ít doanh nghiệp đưa ra lý do tái cấu trúc khi chuyển sàn, song không phải lúc nào kế hoạch tái cấu trúc cũng đem lại kết quả như ý. Như trường hợp của Infonet, sau khi hủy niêm yết, Công ty “lờ” luôn việc công bố báo cáo tài chính, dù những năm trước đó đều kinh doanh có lãi.
Hay như Cao su Quảng Nam, kết quả kinh doanh năm 2019 tiếp tục “lỗ bền vững”. Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019, Cao su Quảng Nam ghi nhận lỗ 125,2 tỷ đồng, nâng tổng lỗ cả năm lên trên 228 tỷ đồng, lỗ công ty mẹ ghi nhận 208 tỷ đồng.
Báo cáo này cũng có những số liệu khá bất hợp lý, khi lỗ lũy kế đến cuối năm 2018 là 1.276,6 tỷ đồng, nhưng tại cột năm 2019 lại ghi nhận lỗ lũy kế đến cuối kỳ trước (tức cuối năm 2018) là 1.160 tỷ đồng. Lũy kế đến hết năm 2019, Công ty ghi nhận lỗ lũy kế 1.368 tỷ đồng, xấp xỉ vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, vay nợ của Cao su Quảng Nam đã giảm đáng kể, từ mức 202 tỷ đồng (cuối năm 2018) xuống còn 30 tỷ đồng (cuối năm 2019).
Cũng sắp âm vốn điều lệ là tình trạng của Vinaconex 39. Với lỗ cả năm 2019 là 33,4 tỷ đồng, lỗ của công ty mẹ 32,6 tỷ đồng, lỗ lũy kế của Vinaconex 39 đến cuối 2019 là 283,6 tỷ đồng, trong khi vốn góp chủ sở hữu là 300 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ của Vinaconex 39 lên tới 960 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn, chiếm 93% nợ và bằng 80% tổng nguồn vốn. Trong khi đó, cơ cấu tài sản ngắn hạn chỉ chiếm 64%, dẫn tới rủi ro lớn về khả năng thanh toán.
Xét về thanh khoản, những cổ phiếu “trà đá” đang giao dịch trên UPCoM thi thoảng vẫn có những phiên khớp lệnh lên tới vài trăm ngàn đơn vị. Tuy nhiên, việc đưa những doanh nghiệp có sức khỏe tài chính yếu kém khó có khả năng cải thiện, thậm chí ngấp nghé dừng hoạt động, giải thể… lên sàn UPCoM chẳng khác gì chất thêm “rác” vào sàn này.
Hủy niêm yết tự nguyện, doanh nghiệp tự đánh mất kênh huy động vốn quan trọng
Về bản chất, trừ khi bị hủy niêm yết bắt buộc vì vi phạm quy định, còn trường hợp tự nguyện rút niêm yết là quyền của doanh nghiệp và sự nhất trí của các cổ đông. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng, do đó việc hủy niêm yết tự nguyện đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đã tự đánh mất kênh huy động vốn của mình. Bên cạnh đó là những ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp bởi sự lo ngại của nhà đầu tư, đối tác về việc thiếu minh bạch thông tin sau hủy niêm yết.