AGF: Tồn kho giảm mạnh nhưng doanh thu cũng giảm
Với diễn biến thị trường thuận lợi, hầu hết cổ phiếu thủy sản tăng giá từ đầu năm đến nay, nhưng với cổ phiếu AGF của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang, giá giảm 53,6%, từ 9.500 đồng/cổ phiếu xuống 4.400 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến này phản ánh kết quả kinh doanh suy giảm trong quý II niên độ tài chính 2017 - 2018, tức quý II/2018, khi doanh thu đạt 302 tỷ đồng, giảm hơn 38% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, tài sản ngắn hạn tại thời điểm 31/3/2018 của AGF giảm gần 30%, còn 1.191 tỷ đồng, trong đó ghi nhận từ việc giảm khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho. Tuy nhiên, dự phòng phải thu khó đòi của AGF không đổi so với cùng kỳ.
Cùng với đó, tồn kho giảm hơn 57% so với cùng kỳ, nhưng doanh thu không tăng. Kết quả, quý I/2018, AGF lỗ 71 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 3,3 tỷ đồng, qua đó nâng số lỗ lũy kế của AGF lên 168 tỷ đồng.
Những khó khăn đã được Hội đồng quản trị AGF tiên liệu khi năm 2018, Công ty dự kiến đạt doanh thu 1.800 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận 0 đồng. Kế hoạch này đưa ra trong bối cảnh ngành hàng cá tra gặp nhiều thuận lợi khi giá cá nguyên liệu tăng, nhưng giá bán tại nhiều thị trường tăng và tình hình xuất khẩu khả quan.
Tuy nhiên, tại AGF, điều này không phản ánh vào hiệu quả kinh doanh của Công ty. Một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ tự chủ nguyên liệu ở mức thấp, dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu cho nhà máy, hoặc chấp nhận mua nguyên liệu bên ngoài với giá cao dẫn khiến sản xuất không hiệu quả. Theo đó, trong năm 2018, AGF có kế hoạch đóng cửa 2 nhà máy đông lạnh nhằm tiết giảm tối đa chi phí.
Giá dầu tăng, PXT, PXS không có việc
Trong lĩnh vực dầu khí, giá dầu tăng nhìn chung mang lại hiệu ứng tích cực cho các cổ phiếu trong ngành, nhất là các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực hạ nguồn bao gồm chế biến và phân phối xăng dầu, với triển vọng “ăn nên, làm ra”. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động ở phân khúc trung và thượng nguồn lại gặp khó khăn, khiến giá cổ phiếu giảm mạnh.
Chẳng hạn, giá cổ phiếu PXT của Công ty cổ phần Xây lắp Đường ống Bể chứa Dầu khí (PXT) hiện là 2.300 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 45% so với đầu năm 2018. Hay cổ phiếu PXS của Công ty cổ phần Kết cấu kim loại và Lắp máy Dầu khí rơi từ mệnh giá tại thời điểm đầu năm xuống 5.800 đồng/cổ phiếu khi kết thúc phiên giao dịch 11/6.
Điểm dễ nhận thấy của nhóm doanh nghiệp này là doanh thu, lợi nhuận phụ thuộc vào các dự án, công trình của công ty mẹ. Theo đó PXS, PXT đều là công ty con của Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí (PVC). Dự án của công ty mẹ gặp khó khăn sẽ kéo theo sự khó khăn của công ty con. Ngoài ra, các khoản phải thu từ khách hàng đa phần là các khoản nợ khó đòi khiến doanh nghiệp phải tăng trích lập dự phòng.
HAH: Kinh doanh tốt nhưng giá cổ phiếu vẫn giảm
Ngành cảng biển, logistics được đánh giá có nhiều triển vọng trong năm 2018, Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) có kết quả kinh doanh quý I khả quan, nhưng giá cổ phiếu của doanh nghiệp này hiện thấp hơn 22% so với đầu năm.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2018, HAH đạt doanh thu 257 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 35,7 tỷ đồng, lần lượt tăng 99% và 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hoạt động kinh doanh của công ty mẹ tăng 24,7% về doanh thu và 12% về lợi nhuận sau thuế.
Vậy điều gì khiến giá cổ phiếu HAH giảm? Hiện nay, HAH đang khai thác cảng và các dịch vụ vận tải tại 2 khu vực trọng điểm của hệ thống cảng của Việt Nam là Hải Phòng và Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Tại Hải Phòng, HAH có 2 cảng với công suất trung bình, trong đó 1 cảng nằm ở khu vực thượng nguồn cầu Bạch Đằng và 1 nằm ở đoạn cuối hạ nguồn. Vị trí địa lý này được cho là không mang lại nhiều lợi thế về mặt thu hút khách hàng cho HAH so với một số đối thủ trong khu vực sở hữu vị trí cảng “đắc địa”.
Mặt khác, một số đối thủ có lợi thế ở khu vực hạ nguồn đã và đang đầu tư mở rộng năng lực khai thác cảng khiến cạnh tranh ở khu vực này ngày càng khốc liệt.
Dù kết quả kinh doanh quý I/2018 khả quan nhưng lãnh đạo HAH khá thận trọng với tình hình kinh doanh trong năm 2018. Trong lĩnh vực bốc xếp, HAH cho biết, giá cước bốc xếp có xu hướng giảm và lĩnh vực vận tải cũng đối mặt với thực tế khó khăn khi giá dầu tăng mạnh, khiến chi phí nguyên liệu tăng.
Để duy trì công việc và tạo nguồn thu, HAH sẽ chuyển hướng tập trung vào các dịch vụ phụ trợ để hoàn thiện chuỗi dịch vụ cung cấp từ vận tải, khai thác cảng cho đến các dịch vụ hậu cần như thu gom, phân phối và thông quan.
Theo đó, HAH có kế hoạch huy động hơn 237 tỷ đồng để đầu tư kho bãi container tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ thông qua chào bán 16,9 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 14.000 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán cho thấy, đầu tư cổ phiếu theo “sóng” ngành là một chiến lược đầu tư phổ biến, nhưng thực tế, không phải ngành có sóng thì cổ phiếu cũng có sóng. Điều quan trọng là nhà đầu tư phải xem xét những yếu tố cơ bản và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Đó cũng là lý do hầu hết khuyến nghị từ các công ty chứng khoán tập trung vào những cổ phiếu đầu ngành thuộc các lĩnh vực có triển vọng, nhằm giảm thiểu rủi ro cho khoản đầu tư.