“TTCK sẽ thêm 2 dòng vốn”
Ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI)
Năm 2010 vẫn còn những thách thức không nhỏ đối với các nhà đầu tư chứng khoán. Những dự báo về kinh tế vĩ mô cho thấy, khả năng tín dụng sẽ tăng trưởng chậm, chính sách tiền tệ khó dự đoán,
cổ phần hóa chậm và chậm trễ trong việc ban hành các văn bản pháp quy (như cho phép nhà đầu tư bán T+, giao dịch ký quỹ và vay mượn chứng khoán…). Tuy nhiên, triển vọng 2010 vẫn có nhiều điểm sáng. Quy mô niêm yết của thị trường sẽ tăng thêm với sự tham gia của các tổng công ty lớn và những ngành nghề kinh doanh hấp dẫn thuộc lĩnh vực: viễn thông, ngân hàng, rượu bia như Vinaphone, MobiFone, Habeco, Sabeco và các ngân hàng thương mại quốc doanh lớn. Dự báo, số lượng nhà đầu tư sẽ vượt qua con số 1 triệu và sự tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết trên 20%. Thêm vào đó, đầu tư BĐS sẽ trở nên kém hấp dẫn do suy giảm nguồn vốn tín dụng và thực thi luật thuế bất động sản kết hợp với sự hạn chế của phát triển sàn vàng sẽ là cơ hội cho TTCK nhận về dòng vốn từ 2 kênh đầu tư này.
“Cơ hội cho các nhà đầu tư cẩn trọng”
Ông Nguyễn Hồ Nam, Tổng giám đốc CTCK Sacombank (SBS)
Tôi cho rằng, nền kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK Việt Nam đã trải qua một năm 2009 khó khăn nhưng có thể nói là thắng lợi.
Theo tôi, năm 2010, nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục phục hồi mạnh và có tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam. TTCK sẽ là thành phần kinh tế chịu tác động trực tiếp và nhanh nhất đối với các biến động vĩ mô của nền kinh tế. Thành quả năm 2009 sẽ tiếp tục được duy trì và tác động tích cực lên TTCK nếu các vấn đề vĩ mô được quản lý và vận hành một cách hiệu quả và linh hoạt.
Đối với các CTCK ở Việt Nam, năm 2009 có thể nói là một năm “trưởng thành trong khó khăn”, tạo ra một tiền đề tốt để đạt những bước tiến xa hơn trong năm 2010, các nhà đầu tư cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư vẫn còn mới mẻ này. Sự phát triển của TTCK không chỉ nằm ở các chỉ số chứng khoán mà còn nằm ở quy mô, chất lượng phát triển và sự hỗ trợ đối với nền kinh tế. TTCK luôn là cơ hội cho các nhà đầu tư cẩn trọng, là thành tố then chốt của thị trường vốn Việt Nam trong tương lai và là bà đỡ cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Chiến lược hoạt động của SBS cũng được xây dựng trên tầm nhìn này.
“Năm 2010, TTCK Việt Nam sẽ mang đậm dấu ấn của sự chuyển động kinh tế vĩ mô”
Ông Nguyễn Điệp Tùng, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán FPT (FPTS)
Năm 2010, chúng tôi cho rằng diễn biến TTCK Việt Nam sẽ mang đậm dấu ấn của sự chuyển động kinh tế vĩ mô. Năm 2010, lợi nhuận các DN nói chung và DN niêm yết nói riêng sẽ không còn các đột biến do nguyên vật liệu, hàng tồn kho giá rẻ hay hoàn nhập dự phòng tài chính.
Trong khi đó, kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn còn những khó khăn trong quá trình hồi phục, do vậy, lợi nhuận đột biến sẽ không còn là dấu ấn đặc biệt trong quá trình tăng trưởng của TTCK. Kỳ vọng của NĐT sẽ tiếp tục là yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường, song lợi thế của một thị trường bị định giá thấp như trong năm 2009 không còn, nên các giai đoạn tăng trưởng trong năm 2010 sẽ chậm nhưng thực chất hơn. Vai trò của đòn bẩy tài chính và các phương thức giao dịch ưu đãi (không chính thức) sẽ giảm đáng kể dưới sự thắt chặt quản lý và kiểm soát của UBCK. Tôi cho rằng, TTCK Việt Nam tiếp tục phục hồi và tăng trưởng trong năm 2010. Đặc biệt, tại thời điểm cuối năm 2010, được đánh giá là kinh tế toàn cầu sẽ hoàn toàn thoát khỏi khủng hoảng, TTCK Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để kiến tạo một xu thế tăng trưởng mạnh.
“TTCK sẽ tăng trưởng tích cực vào nửa đầu quý I”
Ông Trần Quốc Triệu, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS)
TTCK Việt Nam đã khép lại một năm tăng trưởng ấn tượng. Về phía SHS chúng tôi có cái nhìn lạc quan về thị trường, do được cộng hưởng từ nhiều yếu tố như: việc kết hối giúp căng thẳng ngoại tệ của hệ thống ngân hàng giảm thiểu, tỷ giá có xu hướng dao động ổn định hơn, và giảm thiểu áp lực lạm phát. Bên cạnh đó, cùng với thông tin GDP cả năm đạt 5,32%, vượt dự báo và việc lãi suất cơ bản được duy trì ở mức 8%, nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn về sự ổn định trong điều hành chính sách tiền tệ.
Với việc sức cầu khá ổn định, đặc biệt trong bối cảnh nguồn tiền vào thị trường hiện nay hầu hết là tiền tự có, tương quan cung cầu toàn thị trường trong thời gian hiện nay khá tích cực. Chúng tôi cho rằng, áp lực lạm phát hiện nay không hoàn toàn đáng ngại. Việc CPI tăng trong tháng 12 vừa qua chỉ mang yếu tố mùa vụ, chu kỳ hơn là vấn đề mang tính dài hạn, do vậy, vội vàng thắt chặt thêm chính sách tiền tệ là không cần thiết. TTCK nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực vào nửa đầu quý I.
“Thị trường sẽ không tăng quá nóng”
Ông Nguyễn Hồng Quân, Quyền Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán An Bình (ABS)
Ngắn gọn có thể nói rằng, năm 2009 là năm có nhiều trải nghiệm quý báu nhất với tất cả các thành viên trên TTCK. Năm 2009, thế giới và Việt Nam đã trải qua giai đoạn phục hồi kinh tế sau khủng hoảng, cũng là giai đoạn có nhiều biến động nhất. Đây là bước đệm quan trọng để thị trường có bước phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2010.
TTCK luôn biến động nên sẽ có những điều bất ngờ sẽ xảy ra trong năm 2010. Tuy nhiên, khi kinh tế ổn định trở lại, cộng với tâm lý của nhà đầu tư được củng cố sẽ giúp thị trường tăng trưởng. Bằng nhiều biện pháp bảo vệ nhà đầu tư như: kiểm soát chất lượng hàng hóa, tăng tính minh bạch của các báo cáo tài chính... sẽ góp phần tăng tính thanh khoản. Song, sự cân nhắc về hiệu quả đầu tư chứng khoán với các kênh đầu tư tài chính khác trong điều kiện lãi suất cao có thể kéo dài đến hết năm 2010 cũng sẽ là yếu tố giúp thị trường không tăng trưởng quá nóng.
“Thị trường cần sự hỗ trợ và quyết tâm đổi mới từ cơ quan quản lý”
Ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC)
Theo tôi tình hình thị trường chứng khoán từ sau Tết Dương Lịch đến trước Tết Âm Lịch vẫn lình xình, giá chứng khoán vẫn giao động với biên độ không lớn. Thị trường vẫn đang bị ảnh hưởng bởi các yếu tố vĩ mô, cụ thể là chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, thị trường đã có sự phục hồi khá sau khi các chỉ số kinh tế vĩ mô được công bố.
Năm 2010, thị trường chỉ tốt lên khi kết hợp được nhiều yếu tố cộng hưởng. Nếu kinh tế vĩ mô sớm ổn định đặc biệt là lạm phát nằm trong tầm khống chế của Chính phủ, chính sách tiền tệ của NHNN nhất quán, TTCK sẽ sớm ổn định và bứt phá dù khó kỳ vọng mạnh mẽ như năm qua. Tôi kỳ vọng vào sự cải thiện thanh khoản trên thị trường khi nhiều công cụ mới như giao dịch ký quỹ, rút ngắn quy trình thanh toán T+4... được chính thức cho phép các CTCK thực hiện. Năm 2010, thị trường đứng trước nhiều cơ hội phát triển theo cả chiều rộng (số lượng các DN niêm yết, chất lượng cổ phiếu, mức vốn hóa…) và chiều sâu (các công cụ giao dịch…) nhưng cần thêm sự hỗ trợ và quyết tâm đổi mới từ cơ quan quản lý.