Có lẽ, bởi vì lý do này mà thời gian để hoàn thiện dự thảo cũng dài như tầm quan trọng và sự công phu của văn bản pháp luật này. Thế nên, dù có cố gắng để ban hành thì thời gian áp dụng cũng chỉ còn khoảng 1 năm, bởi lẽ Luật Các tổ chức tín dụng đang được xây dựng lại và dự kiến sẽ được ban hành vào năm 2008.
Nằm trong chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã đăng ký năm 2006, qua nhiều lần tổ chức lấy ý kiến trong nội bộ ngành cũng như các bộ, ngành liên quan, dự thảo này đã tiến thêm một bước là lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành. Nhưng trong cuộc tọa đàm lấy ý kiến vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Ngân hàng tổ chức, dự thảo vẫn nhận được những ý kiến chưa thật hài lòng.
Theo ông Trương Thanh Đức, Trưởng ban thư ký HĐQT Ngân hàng Hàng hải, do những hạn chế còn tồn tại trong các văn bản pháp luật hiện hành quy định về quản trị hoạt động của ngân hàng, nên cho dù thời gian áp dụng của Nghị định sau khi ban hành không nhiều nhưng vẫn cần phải có nghị định này.
Trong lúc chờ sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng thì Nghị định sẽ là một giải pháp tạm thời cần thiết. “Nghị định buộc phải đóng vai trò của một Luật Doanh nghiệp thứ hai để áp dụng trong lĩnh vực ngân hàng”, ông Đức nói.
Mặc dù đồng tình với sự cần thiết phải ban hành Nghị định, nhưng ông Đức cũng chỉ ra nhiều điểm còn tồn tại trong dự thảo Nghị định và đề nghị phải xem xét lại. Cụ thể, việc NHNN vẫn tiếp tục đưa vào dự thảo yêu cầu vừa “chấp thuận” vừa “chuẩn y” đối với chức danh chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc và các thành viên ban kiểm soát là trái luật.
Theo ông Đức, với quy định này thì các ngân hàng thương mại sẽ phải làm hai bước: sau khi được NHNN chấp thuận lần 1 các ngân hàng mới được bầu, bổ nhiệm các chức danh trên; và sau khi được NHNN chấp thuận lần 2 (chuẩn y) mới được đăng ký với cơ quan quan nhà nước có thẩm quyền. Với yêu cầu này, ĐHCĐ đã bị hạn chế quyền theo luật định, tức là chỉ được bầu người đã được NHNN chấp thuận, còn HĐQT cũng chỉ được bổ nhiệm tổng giám đốc đối với những người được NHNN chấp thuận.
Có một kịch bản khác xảy ra, đó là những người được bầu thường ngay lập tức bắt tay vào công việc của mình, nhưng theo đúng quy định thì họ phải chờ thêm một bước nữa là phải được chuẩn y mới được đăng ký chức danh chính thức của mình. Trong thời gian đó, nếu xảy ra vấn đề gì thì trách nhiệm sẽ như thế nào? Hoặc sau một thời gian đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong ngân hàng (sau khi được bầu) mà không được NHNN chuẩn y thì làm thế nào? “Đây là quy định tạo giấy phép con trái luật”, ông Đức nói.
Còn theo ông Trương Đình Song, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, trong dự thảo có quy định mức nắm giữ cổ phần tối đa của các cổ đông, nhưng lại kèm theo một điều là vẫn cho phép nắm giữ vượt tỷ lệ sở hữu khi được “Thống đốc NHNN phê duyệt trên cơ sở lợi ích quốc gia”. Theo ông Song, không nên có quy định này bởi nó sẽ tạo tiền lệ “xin - cho”, gây phiền hà và mất công bằng giữa các cổ đông.
Ngoài một số vấn đề trên, cũng có những quy định được cho là không cần thiết, chẳng hạn các quyết định thông thường của ĐHCĐ “được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận” là không hợp lý bởi theo các quy định hiện tại, tỷ lệ chấp thuận thường chỉ là quá bán (trên 50%).
Ngoài ra, hàng loạt vấn đề đòi hỏi phải có sự phê chuẩn của ĐHCĐ như phương án góp vốn, mua cổ phần… Đây là điều không cần thiết bởi những quyết định này cần phải thực hiện nhanh chóng, thường do HĐQT quyết định, chứ không cần phải chờ tới ĐHCĐ.
Qua nhiều lần góp ý, những ý kiến trái chiều với Ban soạn thảo đã ít đi, nhưng có lẽ với tầm quan trọng của một “Luật Doanh nghiệp thứ hai” cho một ngành kinh tế quan trọng là ngân hàng nên những góp ý vẫn còn tiếp tục.