Nhiệt độ toàn cầu có thể sẽ vượt qua cột mốc quan trọng trong 5 năm tới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Tư (5/6), Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã cảnh báo, trong vòng 5 năm tới, thế giới có thể sẽ vượt qua ngưỡng nóng quan trọng 1,5 độ C, điều này củng cố nhu cầu cấp thiết phải cắt giảm phát thải khí nhà kính làm nóng hành tinh.
Nhiệt độ toàn cầu có thể sẽ vượt qua cột mốc quan trọng trong 5 năm tới

WMO cho biết, hiện có 80% khả năng nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ vượt quá 1,5 độ C (2,7 ​​độ F) và trên mức tiền công nghiệp trong ít nhất một năm từ 2024 - 2028. Dự đoán này đã đánh dấu sự thay đổi rõ rệt so với năm 2015 khi WMO xem xét khả năng nhiệt độ tạm thời vượt quá 1,5 độ C gần như bằng 0.

Giới hạn 1,5 độ C là mục tiêu đầy tham vọng của Thỏa thuận Paris mang tính bước ngoặt năm 2015. Các nhà khoa học cho rằng việc vượt quá ngưỡng nhiệt độ này trong thời gian dài sẽ dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng thường xuyên và thảm khốc.

Ngay cả ở mức độ nóng lên toàn cầu hiện nay, biến đổi khí hậu đã có những tác động tàn khốc. Chúng bao gồm các đợt nắng nóng kỷ lục, lượng mưa cực lớn và hạn hán, mực nước biển dâng cao và hiện tượng nóng lên của đại dương cũng như sự sụt giảm đáng kể của các tảng băng và băng biển.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết trong một bài phát biểu hôm thứ Tư (5/6) rằng: “Chúng ta đang chơi trò roulette kiểu Nga với hành tinh của chúng ta. Chúng ta cần một lối thoát khỏi đường cao tốc dẫn đến địa ngục khí hậu. Và sự thật là chúng ta có quyền kiểm soát bánh xe”.

Nhiệt độ cực cao được thúc đẩy bởi cuộc khủng hoảng khí hậu, nguyên nhân chủ yếu là do việc đốt nhiên liệu hóa thạch.

WMO cho biết, trong báo cáo nhiệt độ trung bình toàn cầu mỗi năm từ 2024 đến 2028 dự kiến ​​sẽ cao hơn từ 1,1 độ C đến 1,9 độ C so với mức cơ bản từ năm 1850 đến năm 1900.

Trong đó, có khoảng 50% khả năng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong toàn bộ thời gian 5 năm từ năm 2024 - 2028 sẽ vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, tăng từ khả năng 32% so với báo cáo năm ngoái đánh giá giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2027.

Đặc biệt, ít nhất một trong những năm tính đến năm 2028 có thể sẽ lập kỷ lục nhiệt độ mới, kỷ lục này sẽ đánh bại năm 2023 là năm nóng nhất được ghi nhận.

Phó Tổng thư ký WMO, Ko Barrett cho biết: “Đằng sau những số liệu thống kê này là một thực tế ảm đạm rằng chúng ta đang đi chệch hướng để đạt được các mục tiêu đặt ra trong Thỏa thuận Paris.

Chúng ta phải khẩn trương làm nhiều hơn nữa để cắt giảm lượng khí thải nhà kính, nếu không chúng ta sẽ phải trả một cái giá ngày càng nặng nề về chi phí kinh tế hàng nghìn tỷ đô la, hàng triệu sinh mạng bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt hơn và thiệt hại nghiêm trọng đối với môi trường và đa dạng sinh học”.

Nhiệt độ toàn cầu đã vượt ngưỡng 1,5 độ C trong cả năm lần đầu tiên được ghi nhận từ tháng 2/2023 đến tháng 1/2024, mặc dù các nhà khoa học nhấn mạnh rằng việc vi phạm giới hạn ngưỡng hàng tháng và hàng năm không có nghĩa là thế giới không tuân thủ mục tiêu dài hạn của Thỏa thuận Paris.

WMO cho biết tổ chức này đang "đánh tiếng cảnh báo" rằng thế giới có thể tạm thời vượt quá mức 1,5 độ C với tần suất ngày càng tăng.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục