Chính phủ đã chính thức đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về việc bảo lãnh vay nước ngoài cho Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bố trí đủ phần vốn chủ sở hữu để thực hiện Dự án theo đúng cam kết ban đầu đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ là 15% tổng mức đầu tư Dự án; trên cơ sở đó, đồng ý cấp bảo lãnh cho Dự án.
Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng, thì EVN phải có các biện pháp phòng ngừa và xử lý khắc phục rủi ro về biến động tỷ giá, biến động lãi suất vay, có phương án đền bù đắp thiếu hụt nguồn trả nợ cho những năm đầu của dự án.
EVN cũng sẽ phải chịu trách nhiệm thế chấp toàn bộ tài sản hình thành từ vốn vay được Chính phủ bảo lãnh theo đúng các quy định hiện hành về bảo lãnh chính phủ.
Đồng thời, EVN cũng phải cung cấp bổ sung cho Bộ Tài chính Quyết định phê duyệt đầu tư dự án xây dựng công trình Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Giấy chứng nhận đầu tư (sửa đổi chủ đầu tư từ Genco 3 sang EVN) và quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh Bình Thuận.
Dựa trên các hồ sơ này, Bộ Tài chính sử dụng phương án tài chính tại Đề án vay vốn đã được Bộ Công thương phê duyệt để xem xét cấp bảo lãnh theo quy định.
Mức phí bảo lãnh được xác định là 0,25%/năm, tính trên dư nợ của khoản vay được bảo lãnh.
Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 được khởi công xây dựng vào đầu tháng 3/2013. Dự án đặt trong khu vực Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (tỉnh Bình Thuận).
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 có quy mô công suất 1.200 MW, gồm 2 tổ máy 600 MW. Trong khi đó, toàn bộ Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân bao gồm 4 nhà máy nhiệt điện với tổng quy mô công suất lên đến 5.600 MW.
Đây là trung tâm nhiệt điện than lớn nhất cả nước, khi xây dựng xong sẽ đáp ứng điện năng trực tiếp cho khu vực Nam Trung Bộ và các tỉnh thành phía Nam.
Tổng mức đầu tư của Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 là hơn 36.000 tỷ đồng, trong đó 85% là vốn vay tín dụng của Ngân hàng KEXIM, KSURE (Hàn Quốc) và Ngân hàng JBIC (Nhật Bản), 15% còn lại là vốn đối ứng của chủ đầu tư (EVN).