Nhiệm vụ cốt lõi của các nhà băng là nâng cao năng lực quản trị rủi ro

(ĐTCK) Ghi nhận của ĐTCK về quan điểm của lãnh đạo một số NHTM đối với những thách thức cũng như giải pháp phát triển của ngành ngân hàng hiện nay.

Ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch HĐQT Sacombank

Trong năm 2013, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng được các tổ chức quốc tế dự báo sẽ tăng trưởng cao hơn so với năm 2012. Trong bối cảnh như vậy, Sacombank kiên trì định hướng “trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại, đa năng hàng đầu khu vực”, trong đó, chú trọng vào yếu tố hiệu quả và bền vững.

Các mấu chốt trong chiến lược phát triển giai đoạn tới là gia tăng năng suất lao động, chú trọng công tác quản trị chi phí hiệu quả và cải tiến phương thức quản lý - quy trình tác nghiệp, tối đa hóa giá trị lợi ích trên từng đơn vị khách hàng, song song với việc nâng cao công tác quản trị, điều hành để đảm bảo hoạt động an toàn và hiệu quả hơn. Sacombank đã đưa ra định hướng hoạt động: “Tăng trưởng bền vững - Hiệu quả hợp lý”. Theo đó, Sacombank tập trung tăng trưởng tín dụng thận trọng, phù hợp với định hướng của ngành; từng bước nâng cao tỷ trọng thu nhập ngoài lãi để tạo cơ cấu thu nhập bền vững; đầu tư mở rộng mạng lưới giao dịch có trọng điểm và tăng cường đầu tư chiều sâu; cải tiến tổ chức bộ máy tinh gọn theo hướng tăng nhân sự cho hoạt động bán hàng.

Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank

Có thể nói, thị trường năm 2013 là khúc quanh, tính sàng lọc mạnh mẽ hơn. Phía trước là những thách thức lớn đối với hoạt động của ngành ngân hàng như: nợ xấu, bất động sản đóng băng, DN khó khăn, đầu ra cho dòng tiền khó… Những ngân hàng mạnh vượt qua được khúc quanh đó thì đến khi nền kinh tế phục hồi sẽ tăng trưởng tốt hơn. DongA Bank coi năm 2013 là năm bản lề để có những bước đi mang tính quyết liệt, dồn sức cho quá trình đổi mới, chuẩn bị cho một thời kỳ tăng trưởng tiếp theo. Trong đó, ưu tiên cân đối về sức khỏe và con số tài chính.

Chủ trương hoạt động của DongA Bank trong năm nay là đặt yếu tố an toàn và ổn định lên hàng đầu. Đồng thời, Ngân hàng sẽ tăng cường hỗ trợ DN, vì hoạt động DN có an toàn, Ngân hàng mới an toàn. Một trong những nhiệm vụ lớn nhất trong năm nay đối với DongA Bank là tái cấu trúc hoạt động của Ngân hàng theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả. DongA Bank cũng đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng, để nâng cao năng lực tài chính.

Điểm nổi bật trong chiến lược hoạt động năm 2013 là DongA Bank tập trung vào mảng ngân hàng bán lẻ. Hiện Ngân hàng đang có tới gần 6 triệu khách hàng cá nhân.

 

Bà Nguyễn Minh Thu, Tổng giám đốc OceanBank

Thời gian qua, các chính sách của Nhà nước nhằm ổn định kinh tế vĩ mô đã phát huy tác dụng, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn còn thấp, thị trường bất động sản, chứng khoán và các DN vẫn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn. Các ngân hàng TMCP một mặt phải đối diện với những thách thức của nền kinh tế, nợ xấu gia tăng, một mặt phải đứng trước áp lực giành thị phần và tạo lợi nhuận trong thời gian ngắn.

OceanBank cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng đây cũng là cơ hội cho Ngân hàng củng cố nội lực để sẵn sàng bứt phá. Dự án đổi mới mà OceanBank triển khai thực hiện trong thời gian qua là một minh chứng cho nỗ lực tự thân của Ngân hàng để phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội, nối dài các chặng đường phát triển, để thương hiệu OceanBank tiếp tục lan tỏa. OceanBank xác định mục tiêu lâu dài là an toàn trong mọi hoạt động, chuyên nghiệp trong quản trị, tập trung vào khách hàng bằng những chính sách, sản phẩm dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao, đơn giản và tiện ích nhất.

Ông Tay Han Chong, Tổng giám đốc MeKong Bank

Trong bối cảnh thị trường hiện nay, để phát triển ổn định và bền vững, các NHTM cần có sự thay đổi cả về cách nghĩ cũng như hành động. Trong đó, năng lực quản lý rủi ro là yếu tố cốt lõi để phân biệt giữa các tín dụng tốt, xấu và rất xấu. Bên cạnh đó, đã đến lúc, chúng ta cần phải nhìn xa hơn quy mô và số lượng các chi nhánh của một ngân hàng để có cái nhìn toàn diện hơn về mức độ tốt và vững mạnh của ngân hàng.

Trong năm nay, các ngân hàng cần phải theo dõi chặt chẽ sức khỏe tài chính của các khách hàng, cả DN và cá nhân. Nền kinh tế trong nước cũng như thế giới tiếp tục phải đối mặt với khó khăn, rủi ro tiềm tàng sẽ tiếp tục tăng. Mặt khác, việc lãi suất đang giảm dần sẽ làm cho cái giá của rủi ro thêm tăng. Vì vậy, tất cả các ngân hàng cần phải hoạch định cho mình những bước đi thật cẩn thận để cân bằng giữa sự tăng trưởng và rủi ro. Ngân hàng nào luôn giữ “sức khỏe” tốt thông qua các chiến lược đúng đắn, nội lực ổn định thì sẽ mau chóng vượt qua “cơn cảm cúm” của nền kinh tế hiện nay.  

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thấy có nhiều cơ hội để phát triển một cách cân bằng trong tình hình kinh tế hiện nay. MeKong Bank đã quán triệt về mục tiêu tăng trưởng kinh doanh với quản lý tốt rủi ro tín dụng. Những năm gần đây, chúng tôi đã thực hiện điều này một cách mạnh mẽ và rốt ráo hơn bao giờ hết. Ngoài ra, MeKong Bank cũng tận dụng nguồn lực từ FFH, cổ đông chiến lược nắm giữ 20% cổ phần Ngân hàng kể từ cuối năm 2010.

 

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB

Hoạt động của ngành ngân hàng trong năm nay vẫn đứng trước nhiều khó khăn và thách thức, do nền kinh tế thế giới và trong nước vẫn trong tình trạng suy thoái khi hoạt động tín dụng đang có nhiều rào cản. Trong đó, nợ xấu là vấn đề lớn nhất của các ngân hàng hiện nay. “Miếng bánh” tín dụng của ngân hàng đang bị thu hẹp và việc thu hút được khách hàng tốt vay vốn là rất khó. Yếu tố quyết định lợi nhuận của ngân hàng năm nay là phải kiểm soát được chất lượng tín dụng, hạn chế rủi ro và kiểm soát được nợ xấu. Tuy nhiên, do điều kiện kinh kế có khó khăn, hàng hóa khó tiêu thụ khiến nợ xấu khó kiểm soát.

Đối với OCB, mục đích của Ngân hàng trong năm nay là tập trung tái định vị thương hiệu, tăng trưởng tín dụng một cách thận trọng, đi đôi với việc đẩy mạnh huy động vốn trên thị trường một. Các chỉ tiêu tài chính OCB đặt ra cho năm nay gồm: tổng tài sản đạt 28.756 tỷ đồng; huy động vốn đạt 24.045 tỷ đồng, trong đó huy động từ thị trường 1 đạt 19.245 tỷ đồng; dư nợ cho vay 9% và tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%. Còn lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 320 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này được đưa ra trên cơ sở đã tính đến việc trích lập dự phòng.

 

Với thông điệp lãi suất sẽ theo hướng giảm đã tạo điều điều kiện tốt cho các DN cũng như ngân hàng hoạch định kế hoạch kinh doanh của mình. Vấn đề hiện nay là các ngân hàng phải tiết giảm chi phí tối đa, nâng cao hiệu quả hoạt động để có được lãi suất cho vay thấp nhất, cạnh tranh nhất mà vẫn đảm bảo được tỷ lệ lợi nhuận hợp lý. Bởi cái khó nhất trong phát triển tín dụng hiện nay chính là sự khó hấp thụ vốn từ các DN và từ thị trường. Hiện ngân hàng từng bước tháo gỡ khó khăn cho DN cả về giảm lãi suất cho vay và đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ khác như tạo các cơ chế bán chéo sản phẩm, cho vay bên mua hàng, cho vay dựa trên cơ sở đảm bảo của nguồn thu, phương án kinh doanh... 

Tuy nhiên, nợ xấu vẫn là rào cản lớn trong hoạt động tín dụng. Đồng thời, nếu áp dụng các quy định mới tại Thông tư 02, theo tôi, sẽ có những khó khăn và ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của ngân hàng. Nhưng để đảm bảo được việc quản trị rủi ro thì đó cũng là điều cần thiết mà hiện nay các nước trên thế giới đã áp  dụng.

Theo tôi, trong năm 2013 sẽ đan xen hai xu hướng gồm phát triển và quản trị theo hướng bền vững, hiệu quả. Về cơ bản, các ngân hàng luôn kỳ vọng lợi nhuận năm 2013 sẽ tốt hơn so với năm 2012. Nhưng trước bối cảnh thị trường khó khăn và để có thể tăng trưởng bền vững, Ngân hàng sẽ đặt mục tiêu quản trị rủi ro lên hàng đầu, phát triển bền vững và an toàn,  thay vì lợi nhuận cao.

 

Ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên ANZ (Việt Nam)

Trong một thời gian dài, một số ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng với bất cứ giá nào, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu tăng lên đáng báo động và giờ đây, họ đang phải đặt trọng tâm vào quản lý rủi ro và tăng thanh khoản.

Ở giác độ cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước đã làm rất tốt việc điều hành hệ thống. Điều quan trọng là mỗi ngân hàng phải tự chịu trách nhiệm và rà soát lại bảng cân đối kế toán và đảm bảo đủ thanh khoản và phải tìm các biện pháp khác nhau để đáp ứng được nhu cầu tín dụng của khách hàng.

Ở một góc độ nào đó, điều kiện khó khăn chính là cơ hội để ngân hàng xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với khách hàng khi họ không nhận được sự hỗ trợ từ các ngân hàng khác (vì đang phải tập trung giải quyết các vấn đề nội tại).

Chúng tôi cho các DN trong nước vay nhiều hơn để giúp họ đảm bảo tăng trưởng ngay cả trong điều kiện môi trường có nhiều thử thách. Dù là ngân hàng trong nước hay ngân hàng nước ngoài thì nhiệm vụ quan trọng nhất là phải thành công thông qua việc có chiến lược rõ ràng, luôn hỗ trợ nhu cầu của khách hàng, tuân thủ với các quy định và tạo lợi nhuận trên vốn đầu tư.

 

Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank

Cá nhân tôi cho rằng, năm 2013 vẫn là năm có nhiều thách thức lớn với hệ thống ngân hàng nội địa Việt Nam .

Thứ nhất, sau một thời gian phát triển khá nóng, định hướng chung của Chính phủ và NHNN là cần tái cấu trúc và làm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng. Điều này về lâu dài tốt cho nền kinh tế, nhưng trước mắt có thể khiến hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng nội địa giảm sút. Chẳng hạn, các mảng kinh doanh tạo ra lợi nhuận lớn cho ngân hàng như kinh doanh vàng đã bị thu hẹp. Bên cạnh đó, nhằm giúp hệ thống phát triển lành mạnh, các ngân hàng được yêu cầu trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, khiến tỷ suất lợi nhuận biên giảm sút.

Thứ hai, các ngân hàng nội địa hiện nay đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ của các ngân hàng ngoại. Chẳng hạn, hiện có ngân hàng ngoại đang chào các DN Việt Nam vay USD, VND với lãi suất thấp hơn các ngân hàng nội địa. Đa phần các ngân hàng Việt Nam cho vay với mức lãi suất cao hơn và doanh thu từ hoạt động tín dụng chiếm tỷ trọng rất lớn nên sự cạnh tranh này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động.

Thứ ba, kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới nên hệ thống tài chính Việt Nam cũng biến động và phụ thuộc vào tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Các diễn biến bên ngoài phức tạp, khó tiên liệu và nhận diện mức độ rủi ro đầy đủ.

 

Ông Nguyễn Tiến Đông, Phó tổng giám đốc Agribank

Bước sang năm 2013, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước vẫn còn nhiều bất ổn, sản xuất - kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn, sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, tồn kho một số lĩnh vực còn cao. Xuất khẩu hàng hóa nông sản gặp khó khăn do kinh tế thế giới tiếp tục suy thoái. Nhiều khách hàng thu hẹp sản xuất hoặc có nguy cơ phá sản, khiến đầu ra cho sản phẩm tín dụng của ngành ngân hàng, trong đó có Agribank rất khó khăn.

Trước tình hình ấy, Agribank quán triệt thực hiện chủ trương, chính sách của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN và các bộ, ngành về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; ưu tiên vốn cho khu vực “tam nông” (nông nghiệp - nông thôn - nông dân). Bên cạnh đó, Ngân hàng triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, giải phóng hàng tồn kho, phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh. Ngoài ra, Ngân hàng phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, đặc biệt là việc bán chéo các sản phẩm dịch vụ, nhằm tăng khả năng thu từ hoạt động dịch vụ.

Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank

Thùy Vinh - Hồng Dung thực hiện
Thùy Vinh - Hồng Dung thực hiện

Tin cùng chuyên mục