Nhen nhóm sóng nâng hạng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuần qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Sở giao dịch chứng khoán đã có cuộc họp bàn triển khai nhiều đầu việc liên quan đến đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn để có thể được nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi.
Nhen nhóm sóng nâng hạng

Kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 khi hệ thống KRX và cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) được triển khai trong thời gian tới sẽ là tiền đề giúp thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được FTSE đưa vào danh sách nâng hạng.

Khi đó, Việt Nam có thể thu hút lượng lớn dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán và hưởng lợi nhiều nhất là các cổ phiếu dự kiến sẽ được đưa vào các bộ chỉ số FTSE Emerging Markets, FTSE All-World, FTSE Global All-Cap.

Một thành viên tham gia cuộc họp cho biết, chưa có kết luận nào được đưa ra, nhưng tinh thần mà các thành viên đều cảm nhận được là sự sâu sát và tích cực của lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với công việc nâng hạng.

Khi các đầu việc được đưa ra để triển khai, kỳ vọng sẽ có sự vào cuộc và đồng hành của các bộ, ngành khác, chẳng hạn ở tiêu chí tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài là Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Các đánh giá của cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài sau hội thảo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại Hồng Kông (Trung Quốc) mới đây cũng cho thấy công việc nâng hạng đang có diễn biến tích cực.

Trong báo cáo mới công bố, ông Miko Huang, Giám đốc Quản lý chỉ số thuộc Tổ chức xếp hạng thị trường FTSE Russell đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam là điểm sáng tại khu vực châu Á nhờ sự hồi phục mạnh trong thời kỳ hậu dịch Covid-19. Sự hợp tác của sàn chứng khoán Việt Nam với FTSE Rusell cũng như sàn giao dịch Singapore sẽ giúp Việt Nam có hệ sinh thái toàn diện, giúp nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận cổ phiếu cũng như kiểm soát các rủi ro liên quan.

Thực tế, Việt Nam đang thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư toàn cầu khi tăng trưởng lợi nhuận lũy kế 10 năm của các cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam đạt 107,8%, cao hơn so với các thị trường mới nổi khác trong khu vực cũng như trên thế giới.

Đồng thời, thị trường Việt Nam có mối tương quan thấp với các thị trường khác, từ đó giúp Việt Nam trở thành địa điểm hấp dẫn để đa dạng hóa đầu tư.

Các sóng tăng trên thị trường chứng khoán.

Các sóng tăng trên thị trường chứng khoán.

Từ đầu năm 2023 đến nay, chỉ số FTSE Vietnam 30 Index (bao gồm 30 công ty lớn nhất niêm yết trên HOSE) tăng 12% (tính bằng USD). Con số này khả quan hơn nhiều so với chỉ số FTSE châu Á - Thái Bình Dương (tăng 3,3%), FTSE Emerging (tăng 3,9%), FTSE China A (giảm 3,5%) và FTSE ASEAN Extended (giảm 1,1%). Trong đó, cổ phiếu ngành tài chính và công nghiệp đóng góp nhiều nhất vào đà tăng của chỉ số.

Hệ số P/E 12 tháng trung bình của chỉ số FTSE Vietnam 30 Index ở mức 15 lần, tương đối hấp dẫn với các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư dài hạn đang tìm kiếm những doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận cao.

Theo FTSE Russell, Việt Nam đang đẩy nhanh việc đưa hệ thống giao dịch KRX vào hoạt động nhằm tạo điều kiện cho việc triển khai các sản phẩm, giải pháp mới và đảm bảo thị trường vận hành thông suốt, liên tục, hiệu quả. Hệ thống dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2023 sau 6 tháng chạy thử. Không chỉ vậy, việc rút ngắn thời gian thanh toán đang giúp nâng cao hiệu quả đầu tư cũng nâng cao tính thanh khoản và từng bước đưa thị trường chứng khoán Việt Nam tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế.

Các công ty chứng khoán lớn dự báo, Việt Nam sẽ được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp sớm nhất là vào kỳ đánh giá tháng 3/2025 và chính thức lọt vào rổ chỉ số các thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE vào kỳ đánh giá tháng 9/2025, do quá trình xây dựng và triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm đối với thị trường cơ sở cần nhiều thời gian để hoàn thiện và chính thức đi vào hoạt động.

Dòng vốn ngoại chảy vào thị trường Việt Nam sau khi được nâng hạng bao gồm dòng vốn chủ động và dòng vốn thụ động. Dựa trên giá trị tổng tài sản ngày 11/7/2023 của một số quỹ ETF sử dụng các chỉ số trên làm tham chiếu, Công ty Chứng khoán VPBank ước tính, khi được nâng hạng, giá trị dòng vốn thụ động chảy vào thị trường Việt Nam đạt khoảng 297,4 triệu USD. Còn Công ty Chứng khoán BSC nhận định, nếu đạt các tiêu chí của FTSE, tổng dòng vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt 3 - 4 tỷ USD.

Thanh Vũ

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục