Hội trường lớn trên tầng 2 tòa nhà Sở GDCK TP. HCM là một căn phòng rộng, trang trọng và tĩnh lặng. Từ hành lang căn phòng này nhìn xuống là khu vực dành cho các đại diện tại sàn, trực giao dịch hàng ngày của khối công ty chứng khoán. Tôi vẫn nhớ năm đầu tiên bước chân lên tầng 2 của Sở, không gian đối diện với Hội trường là dày đặc máy tính, ở đó tất cả các nhân viên nhập lệnh đều tập trung cao độ vào các màn hình và gõ lệnh chính xác như những cỗ máy công nghiệp. Vài năm sau đó, cảnh tượng người người ngồi gõ lệnh cứ thưa dần, thưa dần, đến năm 2012 thì tôi chỉ nhìn thấy một vài người ở đó, không biết họ là nhân viên CTCK hay nhân viên trực hệ thống của Sở. Tất cả đã được thay thế bằng hệ thống công nghệ giao dịch tự động, với hình ảnh nổi bật là một bảng điện tử rất lớn được đặt phía gần cuối căn phòng.
Có rất nhiều sự thay đổi ở HOSE nhờ nỗ lực đổi mới công nghệ, nhưng Hội trường tầng 2, nơi chúng tôi cùng ngồi lại chấm BCTN cả 5 năm qua lại hầu như chẳng có sự thay đổi đáng kể nào. Vẫn một lẵng hoa hồng luôn tươi mới khoe sắc rực rỡ đặt giữa phòng làm việc, bao quanh là một chiếc bàn lớn, với nhiều chiếc ghế bọc da xếp ngăn ngắn, mà người ngồi trên đó có thể tựa lưng để thư giãn, nếu quá căng thẳng. Một điểm không đổi nữa là cách làm việc của Hội đồng chúng tôi, vẫn với 6 con người, được chia làm 2 nhóm chính để rà soát tất cả BCTN của các DN vào vòng chung khảo, cùng nhau thảo luận, phản biện và cho điểm từng phần của báo cáo. 5 năm nay, vòng chấm chung khảo luôn “ngốn” mất trọn vẹn 2 ngày làm việc, dù Hội đồng có cả bộ máy hỗ trợ là các cán bộ chủ chốt Phòng Quản lý niêm yết HOSE, Phòng Quản lý niêm yết HNX và một số anh chị bên Dragon Capital, bên Báo Đầu tư Chứng khoán. Thực tế, để đọc hết từng trang báo cáo và cho điểm vài chục BTCN mỗi năm là một công việc thách thức với chúng tôi. Chuyện ngồi làm việc quá giờ, làm đến tối mịt, năm nào cũng diễn ra, thậm chí, năm 2012, bộ máy hỗ trợ Hội đồng đã phải làm việc đến gần 10h đêm mới tạm gọi là xong việc.
Có nhiều sự thay đổi ở HOSE nhờ nỗ lực đổi mới công nghệ, nhưng Hội trường tầng 2, nơi chúng tôi cùng ngồi lại chấm BCTN cả 5 năm qua lại hầu như chẳng có sự thay đổi đáng kể nào
Niềm hạnh phúc và háo hức nhất mỗi khi chúng tôi cùng tập trung ở HOSE chấm BTCN là được chiêm ngưỡng sự trung thực và sáng tạo của các DN qua ấn phẩm BCTN. Sau những cái bắt tay thật chặt và vài lời hỏi thăm nhau, các thành viên Hội đồng thường ngồi ngay vào bàn làm việc. Đầu tiên, Chủ tịch Hội đồng (năm 2012 là chị Phan Thị Tường Tâm, Tổng giám đốc HOSE, trước đó là anh Lê Nhị Năng, nguyên Phó tổng HOSE) sẽ phân vai chấm và quy định nguyên tắc chấm cho toàn Hội đồng. Như thường lệ, năm 2012, nhóm chấm điểm về thông tin tài chính, thông tin quản trị, thông tin về ngành, phân tích rủi ro… được giao cho “nhóm của thầy Thơ”. Nhóm còn lại có chị Tường Tâm, chị Hoàng Lan (Phó tổng giám đốc HNX) và tôi cùng chấm điểm phần thông tin tổng thể trong báo cáo (mục tiêu, chiến lược phát triển, khả năng truyền tải thông tin, điểm ấn tượng và mức độ sáng tạo của báo cáo…). Các nhóm sẽ tự thỏa thuận nguyên tắc chấm, nhưng thường thì mỗi báo cáo sẽ đều được cả 3 người (trong nhóm) cùng chấm, nếu mức điểm tương đối đều nhau thì không có vấn đề gì phải bàn, còn nếu điểm số có sự lệch lớn (trên 5 điểm), các thành viên sẽ công khai quan điểm, cùng phản biện, rồi cùng chấm lại để đảm bảo sự công bằng cho tất cả các báo cáo.
Người khó tính nhất trong Hội đồng có lẽ là thầy Thơ. Ông hiếm khi có một lời khen nào cho DN và thường phát hiện ra những sự cố rất… buồn cười (năm nay, phát hiện ấn tượng nhất của thầy là có một số DN làm phân tích rủi ro giống hệt nhau). Trước sự "khó tính" của thầy Thơ, đôi lúc tôi phải kêu gọi các thành viên Hội đồng hãy lấy Thông tư 09/2010/TT-BTC làm chuẩn, nếu DN đáp ứng tốt các chuẩn mực làm BCTN tại đây thì cần được ghi nhận số điểm trên 50%. Thường thì chúng tôi hay có tranh luận về mức điểm chấm cho cùng một báo cáo và mỗi khi như vậy, tiếng nói của Chủ tịch Hội đồng sẽ có giá trị quyết định cuối cùng.
Người cùng nhóm thầy thơ và cũng… khó tính không kém là chị Nguyễn Thị Hương Nga. Không biết có phải vì tính chất nghề nghiệp của chị hay không (chị đứng đầu khối quản lý rủi ro của Ngân hàng ANZ Việt Nam) mà chị “rất nhạy” phát hiện những lỗ hổng, điểm lệch lạc, sơ sài, hay máy móc trong phần thông tin tài chính và thuyết minh thông tin tài chính trong các bản báo cáo. Trong con mắt của chị Nga thì trừ một số DN thực sự chăm chút cho BCTN, đa số còn lại làm BCTN mang tính hình thức và đối phó. Theo chị Nga, nhiệm vụ của Cuộc bình chọn BCTN là cần làm sao để DN hiểu rằng, xây dựng một BCTN tốt là xây dựng hình ảnh cho chính DN, xây dựng niềm tin nơi cổ đông lớn và nhà đầu tư tiềm năng. Nếu so với chuẩn quốc tế, BCTN của DN Việt còn khoảng cách rộng, bởi hầu như các báo cáo của chúng ta vẫn thiếu nhiều nội dung cơ bản như phân tích ngành, phân tích rủi ro, không đưa ra các công cụ phòng ngừa và các khả năng ứng phó của DN…
Năm nay, Hội đồng có vị Chủ tịch mới, nên không khí chấm giải cũng mới mẻ hơn. Ngồi ngay cạnh Chủ tịch Hội đồng, tôi thấy chị chấm rất kỹ phần ý tưởng trang bìa các báo cáo. Theo chị, trang bìa phải thể hiện được thông điệp chính của DN và thông điệp đó cần thống nhất từ trang đầu đến trang cuối. Trong các BCTN chấm chung khảo năm nay, Chủ tịch đặc biệt ấn tượng với trang bìa của SSI, khi mà DN này chọn cách thể hiện mình ở tư thế đứng vững trong chuỗi quân cờ domino cả phía trước và phía sau cùng nghiêng ngả. Một số BCTN khác có thiết kế trang bìa cũng được đánh giá là xuất sắc như ACB, DHG, Vietcombank, PVD, Bảo Việt, HSC, TTF… Các DN này, nếu không có trong Top 10, thường là do bị điểm trừ phần chấm điểm thông tin tài chính, quản trị của “nhóm thầy Thơ”.
Vị giám khảo già nhất và thú vị nhất là anh Đặng Văn Thanh. Anh trong “nhóm thầy Thơ”, chấm điểm BCTN bằng con mắt của một chuyên gia đầu ngành kế toán, kiểm toán. Thỉnh thoảng, bằng vài câu chuyện nhỏ về nghề và đời, anh đã khiến chúng tôi cười hết cỡ như phá vỡ không khí căng thẳng của các phiên làm việc. Tiếc là năm nay, anh chỉ chấm BCTN được trong ngày đầu tiên, đến ngày thứ hai, anh phải đi Philippines tham dự một cuộc họp về kiểm toán toàn khu vực. Vì phải đi vào ngày hôm sau, nên anh đã ngồi làm việc đến gần 12h đêm để chấm không sót BCTN của DN nào.
Đại diện Sở GDCK Hà Nội trong Hội đồng cả 3 năm nay là chị Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó tổng giám đốc. Năm nào cũng vậy, chị mang đến Hội đồng một quan điểm chấm nhất quán, đó là đặt mình ở vị trí của nhà đầu tư để chấm điểm BCTN của các DN. Đọc BCTN của các DN, nhà đầu tư có nắm rõ tình hình hiện tại của DN không, có nhìn thấy con đường và tương lai của DN sẽ ra sao hay không? Nếu có, DN đó thường được chị Lan chấm điểm cao và ngược lại.
Sát cánh cùng Hội đồng là các anh chị trong khối hỗ trợ, những người vừa giúp đỡ, vừa phản biện Hội đồng nếu chưa thấy thuyết phục về điểm số cho các báo cáo. Các lãnh đạo trẻ thuộc bộ phận quản lý niêm yết như chị Trần Anh Đào, chị Trầm Hương (HOSE), chị Hồ Phương Tú (HNX)… là những thành viên tích cực nhất. Mỗi khi Hội đồng phải cân nhắc chọn báo cáo này hay báo cáo khác, các chị được tham vấn ý kiến đầu tiên, bởi các chị là những người thấu hiểu DN nhất, sát sao với DN nhất trong các nghĩa vụ thông tin cả năm ròng.
Một nhân sự nữa đã âm thầm theo sát Cuộc bình chọn suốt 5 năm qua là anh Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Phát triển kinh doanh Dragon Capital, người mà tôi rất ấn tượng vì sự thân thiện và sắc sảo. Lúc gần kết thúc chấm chung khảo, khi các thành viên sắp được thư giãn, thì anh đặt câu hỏi: xin Hội đồng cho biết, BCTN của các ngân hàng năm nay có đưa thông tin và phân tích về tình trạng nợ xấu hay không? Câu hỏi của anh khiến cả Hội đồng chững lại giây lát, trước khi “nhóm thầy Thơ” chính thức có câu trả lời là: không. Một điểm khuyết chưa được lấp đầy trong BCTN của các DN!
Thêm một mùa BCTN nữa đi qua và chúng tôi lại được chiêm ngưỡng, được chấm điểm sự sáng tạo của các DN. Trân trọng nỗ lực của các DN, chúng tôi cũng không khỏi xúc động khi nhận ra đây đó, những góp ý của Hội đồng qua từng năm, từng năm đã được nhiều DN tiếp thu, hoàn thiện. Và tôi hiểu rằng, nỗ lực hoàn thiện BCTN của các DN không phải hướng đến giải thưởng của Cuộc bình chọn, mà là hướng đến cổ đông, đến nhà đầu tư bằng một tinh thần kinh doanh minh bạch, tuân thủ luật pháp và có trách nhiệm với cộng đồng.