Về đến nhà, nghe tiếng gọi mẹ bi ba bi bô chưa tròn tiếng của cu cậu nhà mà mệt mỏi bay đi đâu hết. Rồi mọi ngày vẫn như vậy diễn ra, ăn uống, dọn dẹp, chăm con ngủ... và cuối cùng là tôi trở lại chiếc bàn làm việc. Màn đêm, thời điểm thích hợp để con người ta đối diện với chính bản thân, để suy nghĩ về cuộc sống, về tương lai.
Là một cô gái nhạy cảm, sống nội tâm, tôi có thói quen viết nhật ký. Nếu nói là sở thích cũng không đúng, mà viết nhật ký chính là cách mà tôi lưu giữ những khoảnh khắc, những câu chuyện đã qua, những cảm xúc ở hiện tại và cũng là cách để tôi chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, để tự an ủi, động viên bản thân cố gắng nhiều hơn.
Cuốn sổ nhật ký đã gắn bó với tôi từ những ngày đầu làm sinh viên, trang bìa còn in lời bài hát “Cây đàn sinh viên”.
Mới tốt nghiệp đó thôi mà giờ tôi đã có gia đình nhỏ riêng.
Lật giở từng trang, mỗi trang là một cảm xúc riêng biệt. Một cơ duyên nào đó mà cuộc đời lại dẫn tôi đến với ngành tài chính, ngân hàng, để rồi cái đích mà tôi đến bây giờ là một cô giao dịch viên của Ngân hàng VPBank. Cũng từ đó, tôi đã thấm dần được sự vất vả của nghề.
Hàng ngày, tôi phải tiếp đón tới vài chục khách hàng bắt đầu bằng một nụ cười thật tươi, mặc dù có lúc trong lòng đầy bão tố. Mỗi người mỗi vẻ, mỗi người một cá tính, nhưng nụ cười và sự hài lòng của khách hàng cũng đủ để tôi ấm lòng cả ngày.
Bảy tháng làm việc tại VPBank không thể nói là đã rất chín chắn, nhưng cũng có thể nói là chín chắn hơn xưa rất nhiều. Công việc của một “lính” mới đúng thật là rất vất vả. Hàng ngày phải kê khai tiền nong cho khách, chính xác đến từng đồng, cuối ngày phải kiểm kể chính xác mới có thể an tâm ra về…
Chưa kể khi nhiều khách đến giao dịch, việc đi vệ sinh cá nhân cũng khó. Nhưng người ta nói “trong cái rủi có cái may”, quả không sai.
Mệt thì mệt thật nhưng những thứ tôi học được từ công việc cũng rất xứng đáng. Từ một người sống nội tâm, tôi đã hoạt ngôn hơn, tự tin hơn về bản thân mình, biết cách quan tâm mọi người hơn và các mối quan hệ cũng được mở rộng hơn.
Không chỉ vậy, tôi cũng có khá nhiều kỷ niệm về những khách hàng đến đây. Khách dễ tính cũng có, mà khách khó tính cũng không ít.
Gặp người khó tính thì cũng chỉ biết nuốt cơn bực tức vào bụng và thần thái thì vẫn phải thật tốt. Nghề giao dịch viên đã dạy tôi biết cách tiết chế xúc cảm và biết suy nghĩ hơn.
Ngày đó, một bác nông dân đến để gửi tiền qua thẻ cho con học ở xa. Nhìn từng tờ tiền được bác gói ghém cẩn thận trong một chiếc túi sờn mà không thể không thấy quặn lòng. Nhớ hồi xưa, bố mẹ tôi cũng đã phải chắt chiu từng ngày đi chợ để nuôi tôi ăn học cho bằng bạn bằng bè...
Một công việc không hề khô khan, “bạc” như nhiều người và chính tôi ngày trước từng nghĩ. Ðúng là nhiều tiềm ẩn rủi ro, lời ra tiếng vào, đầy vất vả, chông gai..., nhưng đó cũng là nơi đã tôi luyện, giúp tôi có thêm nhiều kỹ năng sống, thêm bản lĩnh và cho tôi nhiều cảm xúc.
Ðiều quan trọng hơn là mỗi ngày, tôi được làm công việc mình yêu với cái tâm trong sáng, không vụ lợi, được mở rộng mối quan hệ; được lắng nghe, chia sẻ tâm tư, hy vọng họ gửi gắm vào những quyển sổ tiết kiệm tích lũy cho tương lai; được nhìn thấy niềm vui, hạnh phúc của khách hàng khi nhận những khoản tiền vay, là bao khao khát mở rộng cơ hội đầu tư, phát triển kinh doanh với mong muốn một tương lai tốt đẹp hơn...
Nhìn những ánh mắt hy vọng của bác nông dân, sự vui sướng của những người lập nghiệp, tôi thầm cảm ơn các cô, các bác, các anh chị và các em là khách hàng của VPBank.
Chính khách hàng đã mang lại cho tôi những bài học quý giá, những kỹ năng sống để tôi vững tin bước vào đời, thêm yêu và trân quý cuộc sống này.
Tôi cũng muốn chia sẻ tới mọi người, nhân viên ngân hàng chúng tôi vẫn luôn là những người tình cảm, luôn có đâu đó cái tâm sáng để cống hiến, để phục vụ, giúp đỡ khách hàng - người có nhu cầu.