Đó là thông điệp chung được đại diện 2 cơ quan Chính phủ chuyển tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Hội thảo “Xúc tiến đầu tư, mở rộng kinh doanh với thị trường Nhật Bản” do Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản Jetro phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 5/7 tại Hà Nội.
Khẳng định điểm nhấn nổi bật của sự kiện này, lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, đây là lần đầu tiên sự kiện xúc tiến đầu tư có quy mô lớn của nước phát triển, có nền kinh tế hàng đầu thế giới như Nhật Bản tổ chức để thu hút đầu tư từ Việt Nam vốn là nước đang phát triển. Sự kiện này cho thấy Nhật Bản đánh giá cao và hết sức quan tâm tới sự phát triển ấn tượng của Việt Nam trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, đồng thời tạo sự phấn khích đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong đầu tư ra nước ngoài.
Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) đến nay, Việt Nam có 35 dự án đầu tư tại Nhật Bản, tổng vốn đầu tư đạt 6,6 triệu USD. Nhật Bản đứng vị trí 45/68 quốc gia, vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là thông tin-truyền thông, khoa học và công nghệ; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô; du lịch; dịch vụ lưu trú, nhà hàng; cơ sở chế biến, chế tạo.
Theo đánh giá của FIA, số lượng dự án đầu tư chưa nhiều, quy mô đầu tư còn nhỏ, nhưng các dự án hoạt động đem lại hiệu quả khá tốt, nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất phần mềm… đem lại giá trị gia tăng cao và góp phần nâng cao năng lực cho các kỹ sư, cử nhân công nghệ thông tin của Việt Nam.
"Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu đầu tư sang Nhật Bản lĩnh vực công nghệ thông tin do lĩnh vực này Việt Nam có thế mạnh và Nhật Bản đang có nhu cầu rất lớn. Vốn đầu tư cho công nghệ thông tin ít nhưng mang lại hiệu quả, giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, còn giúp doanh nghiệp và kỹ sư tiếp cận, học hỏi công nghệ, kỹ thuật hiện đại của Nhật Bản” Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng nhận định.
Ông Hoàng cũng cho biết trong chuyến thăm Nhật Bản vừa qua của Thủ tướng Chính phủ, hơn 40 doanh nghiệp Việt Nam đã có những cuộc làm việc và tiếp xúc với hoàng loạt các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề của Nhật Bản và đạt nhiều hiệu quả thiết thực, đặc biệt là trên lĩnh vực công nghệ thông tin.
“Cũng tại các cuộc tiếp xúc này, doanh nghiệp Nhật Bản cho biết có nhu cầu đẩy mạnh hợp tác, chuyển giao công nghệ và đào tạo cho Việt Nam. Hai bên đặc biệt quan tâm việc doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đầu tư sang Nhật Bản, thông qua việc tận dụng nhu cầu hợp tác của doanh nghiệp Nhật Bản để doanh nghiệp Việt Nam học được công nghệ, sản xuất sản phẩm xuất khẩu về Việt Nam và sang các nước khác”, ông Hoàng chia sẻ.
Ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, Việt Nam và Nhật Bản đã ký hiệp định khuyến khích đầu tư và tránh đánh thuế 2 lần cùng nhiều Hiệp định hợp tác thúc đẩy đầu tư, thương mại giữa hai bên, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và thuận lợi cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp hai nước. Đặc biệt, hiệp định khuyến khích đầu tư và tránh đánh thuế 2 lần được coi là cơ chế hỗ trợ, bảo trợ hiệu quả cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp hai nước.
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam không ngừng được hoàn thiện theo hướng giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam, nhờ đó đã nâng cao hiệu quả và thúc đẩy tích cực hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong thời gian qua.
"Nhật Bản sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào thị trường Nhật thông qua hỗ trợ tiếp cận thị trường, ban đầu sẽ hỗ trợ 2 tháng tiền thuê mặt bằng mở văn phòng đại diện, tiếp đó, sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ khác từ tư vấn, hỗ trợ về pháp lý, tới tìm hiểu thị trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực..."
- Ông Shigeki Maeda - Phó chủ tịch Jetro khẳng định Nhật Bản
Theo ông Chung, Chính phủ sẽ tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên và khuyến khích đầu tư ra các ngành nghề, các lĩnh vực đầu tư có điều kiện cũng có quy định rõ ràng, trừ những lĩnh vực mà luật pháp cấm đầu tư, còn lại phần lớn ngành nghề, doanh nghiệp Việt Nam đều được đầu tư ra nước ngoài với chính sách và chủ trương cởi mở của Chính phủ. Đây sẽ là những điều kiện thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư sang Nhật Bản trong thời gian tới đây.
Về các lĩnh vực đầu tư có tiềm năng sang Nhật Bản, ông Chung cho biết, đó là các lĩnh vực khoa học, công nghệ thông tin, đặc biệt là sản xuất phầm mềm công nghệ thông tin; đào tạo nguồn nhân lực dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm công nghiệp, dân dụng xuất khẩu về Việt Nam. Bên cạnh đó, các lĩnh vực du lịch, dịch vụ nhà hàng ẩm thực Việt Nam tại Nhật Bản; hợp tác sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao cũng là những lĩnh vực được nhiều đối tác Nhật Bản mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam.
Ông ông Shigeki Maeda - Phó chủ tịch Jetro khẳng định Nhật Bản mong muốn thu hút được các dự án chất lượng cao từ các doanh nghiệp Việt Nam. “Nhật Bản rất hoan nghênh và sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào thị trường Nhật thông qua hỗ trợ tiếp cận thị trường. Ban đầu sẽ hỗ trợ 2 tháng tiền thuê mặt bằng mở văn phòng đại diện, tiếp đó, sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ khác từ tư vấn, hỗ trợ về pháp lý, tới tìm hiểu thị trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...”, ông Meada nhấn mạnh.
Cũng theo ông Meada, hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào thị trường Nhật Bản tuy chưa nhiều nhưng đa dạng về ngành nghề từ dịch vụ du lịch, lưu trú, công nghệ thông tin, thông tin truyền thông và khoa học công nghệ. Tiêu biểu trong số đó là FPT, Tinh Vân đã đầu tư thành công trên đất Nhật, đem lại hiệu quả tích cực trong hợp tác đầu tư, mở rộng thị trường của doanh nghiệp Việt tại Nhật Bản. “Chúng tôi ủng hộ những dự án công nghệ cao, đem lại cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản sẽ ngày một tăng, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đem lại giá trị gia tăng cao. Chúng tôi cam kết hỗ trợ nhà đầu tư Việt Nam đầu tư thành công tại Nhật Bản”, ông Meada khẳng định.
Đại diện Jetro cũng kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Nhật Bản nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin. Theo Jetro, chương trình đào tạo 10.000 kỹ sư phần mềm cho Châu Á mà Nhật Bản đang triển khai là cơ hội lớn cho doanh nghiệp và kỹ sư Việt Nam tham gia. Năm 2013, Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản được thành lập, giúp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đã, đang hoạt động và có ý định đầu tư vào Nhật Bản. Doanh nghiệp Việt Nam thành công ở lĩnh vực công nghệ thông tin ở Nhật Bản sẽ đầu tư vào nhiều thị trường tiềm năng khác trên thế giới như Anh, Mỹ và các nước phát triển…
“Chính phủ Nhật Bản cố gắng thay đổi, cải cách tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Nhật Bản. Jetro có trung tâm tư vấn thị trường, hỗ trợ thủ tục hành chính như đăng ký thuế, bảo hiểm…cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Nhật Bản”, đại diện Jetro cho biết.