Nhật Bản đối mặt với thảm họa nợ công

Thăm đất nước mặt trời mọc, người ta không thể phát hiện bất cứ dấu hiệu nào cho thấy nơi đây sắp rơi vào khủng hoảng. Lợi tức trái phiếu chính phủ vẫn ở mức thấp, thu nhập bình quân đầu người lại cao chót vót.
Người Nhật có xu hướng giảm tiết kiệm. Ảnh: EPA Người Nhật có xu hướng giảm tiết kiệm. Ảnh: EPA

Nhưng thực tế, các chính trị gia, các nhà lập pháp Nhật Bản đang tranh cãi gay gắt và âm thầm tìm ra giải pháp thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công.

 

Trong nhiều năm liền giới quan sát từng đưa ra nhiều cảnh báo đáng lo ngại về sự tăng trưởng trì trệ và nợ công chồng chất của Nhật - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trước thời điểm kinh tế toàn cầu trượt vào suy thoái giai đoạn năm 2008 - 2009, suốt 2 thập niên Nhật phải lặn ngụp trong giảm phát. Nhưng bóng ma thiểu phát đã bị che lấp bởi hình ảnh một nền kinh tế tăng trưởng ổn định, mức sống người dân khá cao, lợi suất trái phiếu chính phủ thấp cho thấy rủi ro vỡ nợ công thấp.

 

Cơn bạo bệnh của Nhật chỉ thực sự bộc phát khi kinh tế toàn cầu chìm sâu vào cuộc khủng hoảng tài chính. Tỷ lệ nợ công trên GDP có thể lên đến 200% trong năm tới. GDP theo ước tính của tài khóa 2010 là 475 nghìn tỷ yen, nhưng nợ công có thể lên tới 950 nghìn tỷ yen. Như vậy mỗi người dân Nhật Bản gánh khoản nợ 7,5 triệu yen.

 

Nếu không thể huy động thêm tiền từ phát hành trái phiếu, ngay năm sau, Nhật Bản có thể rơi vào tình trạng phá sản.

 

Ba nhân tố có thể châm ngòi khủng hoảng nợ công tại Nhật là trái phiếu chính phủ, giảm phát và xuất khẩu tăng trưởng ì ạch cả khi kinh tế toàn cầu phục hồi.

 

Việc phát hành trái phiếu chính phủ tại Nhật cho tới nay chủ yếu hướng tới người mua là dân chúng trong nước, nhưng người dân càng ngày càng có xu hướng giảm tiết kiệm. Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ngay cả khi tỷ lệ tiết kiệm duy trì như mức hiện nay, thì nợ công vẫn tiếp tục tăng và tới năm 2015 có thể vượt xa tổng tài sản của các hộ gia đình. Khi đó, Nhật sẽ phải huy động vốn từ nước ngoài với chi phí cao hơn. Thậm chí Goldman Sachs cho biết một số nhà đầu tư nước ngoài đã lên kế hoạch sẵn sàng khi khủng hoảng nợ công Nhật Bản xảy ra.

 

Trong thời kỳ kinh tế “bong bóng” những năm 1986 – 1990, cũng như nhiều đơn vị nắm số lượng lớn trái phiếu chính phủ, Ngân hàng Bưu điện Nhật (JPB) đã có mức thặng dư tài chính khổng lồ. Khi nền kinh tế “bong bóng” tạo đỉnh vào đầu những năm 90, Nhật Bản bắt đầu trượt dài vào khủng hoảng trong nhiều năm sau đó. Kinh tế tăng trưởng ì ạch, nhiều người nắm giữ trái phiếu, đất đai, cổ phiếu lâm vào cảnh khốn đốn khi mà lợi suất thu về thấp hơn nhiều so với lúc đỉnh điểm bong bóng.

 

Để bảo vệ thị trường trái phiếu, kể từ 1995, Nhật đã để cho đồng yen tăng giá nhằm khuyến khích người dân quay trở lại mua trái phiếu chính phủ. Nhưng điều này buộc Nhật phải chấp nhận hệ quả là sự đình trệ trong tăng trưởng xuất khẩu, do hàng hóa Nhật trở nên kém cạnh tranh hơn so với các nước khác, đặc biệt là Mỹ. Mục tiêu bình ổn thị trường trái phiếu có thể là một trong những lý do lý giải thích tại sao chính quyền Nhật tỏ ra kém tập trung đấu tranh chống giảm phát nền kinh tế. Họ lo sợ hậu quả ngoài ý muốn lên thị trường trái phiếu nếu như giá tiêu dùng tăng cao.

 

Cuối năm 2008, người Nhật nắm giữ tới 94% trái phiếu chính phủ Nhật. Hơn một nửa tài sản tài chính trị giá 1.400 nghìn tỷ yen của đất nước Phù Tang được tích trữ dưới dạng tiền mặt và gửi ngân hàng (tỷ lệ này ở Mỹ chỉ là 14%). Trong đó, phần lớn được đem đầu tư vào trái phiếu chính phủ thông qua hệ thống ngân hàng.

 

Thiểu phát là vấn đề thứ hai cần giải quyết cấp bách tại Nhật hiện nay. Tình trạng giá cả hàng hóa sụt giảm giúp Nhật bán trái phiếu với mệnh giá cao hơn, nhưng lại gây ra giảm phát và đẩy tỷ lệ nợ công trên GDP tăng cao. Chỉ số giá tiêu dùng tại Nhật được hầu hết các chuyên gia kinh tế tin rằng còn tiếp tục giảm hơn nữa trong vòng 5 năm tới.

 

Mặc dù nhận thấy rủi ro giảm phát kinh tế kéo dài sẽ làm tổn hại tới tăng trưởng kinh tế và chi tiêu, nhưng giới chức Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) không cho rằng nguyên do nằm ở chính sách tiền tệ, thay vào đó đổ lỗi cho năng suất sản xuất thấp, kéo mức lương tại Nhật thấp và đặt áp lực lên nhu cầu chi tiêu hàng hóa và dịch vụ, đồng thời làm tăng nợ công.

 

Trước đây, Nhật từng mắc bẫy thanh khoản khi tăng gấp đôi lượng cung tiền nhằm cứu nền kinh tế thoát khỏi tình trạng suy thoái do bong bóng bất động sản vỡ đầu thập niên 1990. Đây có thể là bài học kinh nghiệm đáng nhớ mà Nhật biện minh cho quan điểm giảm phát không phải do vấn đề tiền tệ. Thực tế là do sai lầm của BoJ với chủ trương nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách giảm lãi suất nhiều lần và cuối cùng thực hiện “chính sách lãi suất zero”, đã khiến người dân Nhật chuộng nắm giữ tiền mặt nhiều hơn là đầu tư vào trái phiếu hay chứng khoán. Hệ quả là ngân hàng thiếu tiền mặt và không thể cho vay đối với tư nhân, làm cho hoạt động đầu tư tư nhân của Nhật trì trệ trong nhiều năm. Đây chính là nguyên nhân mấu chốt đã kìm hãm tăng trưởng kinh tế Nhật Bản và khiến chính sách tiền tệ trở nên bất lực.

 

Động thái tăng cung các khoản vay khẩn cấp với thời hạn 3 tháng bằng cách bơm 10 nghìn tỷ yen vào hệ thống ngân hàng trong tháng 3 vừa qua, có thể sẽ để lại bài học mang ý nghĩa khác cho BoJ trong nỗ lực hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và kích thích hồi phục nền kinh tế.

 

Lý do cuối cùng buộc chặt Nhật vào vũng lầy khủng hoảng là tăng trưởng sau suy thoái vẫn trì trệ, ngay cả khi kinh tế toàn cầu phục hồi. Sự cải thiện trong nhu cầu nước ngoài vẫn không đủ để Nhật lấy lại mức tăng trưởng xuất khẩu ổn định như trước đây.

 

Trong tương quan so sánh hoạt động sản xuất giữa Nhật và Trung Quốc, có thể ví Trung Quốc như một phân xưởng sản xuất miệt mài của thế giới, còn Nhật Bản chỉ là một phòng thí nghiệm hiện đại mới toanh và là sân sau của phân xưởng sản xuất Trung Quốc.

 

Kể từ khi Trung Quốc leo lên vị thế quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới vào năm ngoái và sau đó dẫn đầu phục hồi kinh tế toàn cầu, nhu cầu hàng hóa từ Nhật tới Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ.

 

Không phải là camera kỹ thuật số hay các thiết bị công nghệ cao, xuất khẩu của Nhật vào Trung Quốc tăng đáng kể với hàng loạt các sản phẩm như chất dẻo (tăng 150% trong hai tháng đầu năm), hàng hóa làm từ khoáng sản phi kim (tăng 113%), máy xây dựng (tăng 152%), máy dệt (tăng 171%), các bộ phận xe (tăng 144%) và dụng cụ khoa học (tăng 133%).

 

Ngân hàng JPMorgan tính toán mức tăng trưởng xuất khẩu của Nhật trong suốt 9 tháng qua đạt 3,1%, chủ yếu nhờ vào sự gia tăng nhu cầu từ Mỹ và châu Âu. Mới đây JPMorgan đã cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP quý một của Nhật từ 1,8% lên 3,5%. Tuy nhiên, JPMorgan nhấn mạnh sự cải thiện này chưa đủ khi mà suốt 12 tháng trước đó GDP của Nhật ở mức âm.

 

Nếu như chính phủ Nhật không tìm được biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế hiệu quả, thì nguồn thu ngân sách từ thuế sẽ không đủ để bù đắp thâm hụt nợ công. Báo cáo ngân sách 2010 được cập nhật bổ sung vào ngày 1/4 cho thấy nợ công lần đầu tiên đã lên tới con số 44 nghìn tỷ yen (468 tỷ USD) và cũng là lần đầu tiên vượt nguồn thu từ thuế (37 nghìn tỷ yen).

 

Bối cảnh giảm phát kéo dài, kinh tế trì trệ và tỷ lệ nợ công trên GDP cao có thể khiến Nhật rơi vào “vết xe đổ” của Hy Lạp và rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công không lối thoát. Điểm khác biệt tích cực duy nhất hiện nay mà giới chức chính phủ Nhật có thể vin vào là lợi tức trái phiếu Nhật chỉ chạm mức cao nhất là 1,4%, trong khi đó Hy Lạp đã tiến cận ngưỡng 8%, cho thấy Nhật vẫn có thể đảo ngược tình thế để tránh nguy cơ vỡ nợ.


(The Economist, AFP)

Tin cùng chuyên mục