Niềm tin của các nhà sản xuất lớn ở Nhật Bản giảm, suy thoái đang ập đến khi đồng Yên ngày một suy yếu, làm tăng những thách thức kinh tế mà Thủ tướng Shinzo Abe phải đối mặt sau chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện ngày 14/12 vừa qua.
Chỉ số khảo sát niềm tin về sản xuất - kinh doanh ở Nhật (chỉ số Tankan) hiện tụt xuống 12, sau khi tăng lên 13 vào tháng 9. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho biết, chỉ số này thấp hơn so với ước tính trung bình của 13 nhà kinh tế trong một cuộc khảo sát của Bloomberg. Chỉ số này dự báo sẽ giảm xuống 9 vào tháng 3 năm sau.
“Các công ty vẫn rất thận trọng”, ông Kiichi Murashima, nhà kinh tế tại Citigroup Inc cho biết. “Tôi cho rằng, nguồn vốn đầu tư sẽ được thực hiện theo kế hoạch, nhưng các công ty không hy vọng nền kinh tế sẽ quay đầu tăng trưởng mạnh. Thực hiện chính sách thúc đẩy tăng trưởng sẽ là một nhiệm vụ quan trọng của ông Abe”.
Các nhà sản xuất lớn lập kế hoạch của họ dựa trên giả định giá trị đồng Yên sẽ ở mức trung bình 103,36 Yên/USD. Tuy nhiên, hiện tại, giá trị đồng Yên đang ở mức thấp, 118,21 Yên đổi được 1 USD, sau khi rơi xuống mức thấp nhất trong 7 năm là 121,85 Yên/USD vào ngày 8/12.
Đồng Yên yếu có xu hướng giúp các nhà sản xuất nâng cao khả năng cạnh tranh của họ ở nước ngoài và tăng giá trị lợi nhuận khi đồng tiền quay trở lại Nhật. Mặc dù vậy, nó làm tăng chi phi cho các nhà nhập khẩu cũng như tạo sức ép lên các hộ gia đình và các công ty trong nước.
Từ tháng 4/2014, Nhật Bản nâng thuế tiêu thụ từ 5% lên 8% và dự định tăng lên 10% vào tháng 10 nhằm cải thiện tình hình tài chính và giảm mức nợ công đã lên tới hơn 200% GDP. Động thái này khiến sức tiêu thụ hàng hóa giảm mạnh, đẩy nền kinh tế vào tình trạng co cụm trong hai quý liền. Tháng trước, ông Abe quyết định lùi thời điểm tăng thuế tiêu dùng lên 10% đến tháng 4/2017, dù điều này có thể khiến các tổ chức quốc tế hạ mức xếp hạng nợ của Nhật Bản.
Cuộc khảo sát niềm tin sản xuất - kinh doanh vừa rồi cũng nhấn mạnh hoàn cảnh kinh tế khó khăn của các công ty nhỏ. Dự báo các điều kiện kinh doanh đều xấu đi, với chỉ số rơi xuống 0 trong tháng 12 và dự kiến -4 vào tháng 3/2015.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) mới đây tuyên bố thực hiện kế hoạch nới lỏng tiền tệ kỷ lục, nhằm hỗ trợ ông Abe chấm dứt suy thoái và kích thích nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Theo đó, Ngân hàng Trung ương sẽ bơm 80.000 tỷ Yên (khoảng 687 tỷ USD) vào nền kinh tế mỗi năm, tăng mạnh so với mức 50.000 tỷ Yên đưa ra từ một năm rưỡi trước đó. Gói kích thích kinh tế kỷ lục được công bố ngày 31/11 vừa qua đã thúc đẩy TTCK Nhật Bản tăng cao nhất trong vòng 7 năm.
Chính phủ của ông Abe cũng đang xem xét một khoản ngân sách khoảng 3.000 tỷ Yên để hỗ trợ nền kinh tế.
Đồng Yên đã yếu đi 28% kể từ khi ông Abe nhậm chức Thủ tướng vào tháng 12/2012 và chỉ số Topix trên TTCK đã tăng lên khoảng 65%.
“Niềm tin các công ty sẽ tăng dần trở lại” Yoshiki Shinke, nhà kinh tế học tại Viện nghiên cứu Dai- ichi nói. “Hiện tại, các công ty đang cân nhắc về vấn đề đồng Yên yếu và nền kinh tế đình trệ”.
Ông Sadayuki Sakakibara, Chủ tịch Liên đoàn Các doanh nghiệp Nhật Bản đã lên tiếng vào ngày 8/12: “Quan trọng là để cung cấp các lợi ích của tăng trưởng kinh tế cho mọi cấp độ của người Nhật bằng cách đảm bảo một xu hướng hồi phục. Chúng tôi sẽ bắt tay vào việc tạo ra một cục diện kinh tế thông qua việc tăng việc làm và nâng cao mức lương dựa trên lợi nhuận được tăng lên”.
Theo ước tính của Bloomberg, thu nhập ròng của 195 công ty niêm yết lớn nhất Nhật Bản sẽ đạt mức kỷ lục 17.500 tỷ Yên trong năm nay. Riêng Tập đoàn Toyota Motor Corp, tháng trước đã nâng dự báo lợi nhuận của mình lên 2.000 tỷ Yên.