Theo số liệu Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 31/10, Nhật Bản đã chi số tiền kỷ lục là 6.350 tỷ yen (43 tỷ USD) cho các biện pháp can thiệp thị trường tiền tệ trong tháng 10, trong nỗ lực chặn đà mất giá của đồng nội tệ.
Mức chi nhiều nhất trước đó là 2.840 tỷ yen (19,09 tỷ USD) vào tháng 9, với các khoản chi chủ yếu vào ngày 22/9, khi Nhật Bản triển khai nghiệp vụ bán USD để mua lại đồng yen lần đầu tiên kể từ năm 1998. Kể từ thời điểm đó, nhà chức trách Nhật Bản đã không công khai thêm bất kỳ biện pháp can thiệp nào.
Bộ Tài chính cũng không tiết lộ cụ thể mức chi hằng ngày trong giai đoạn từ ngày 29/9 đến ngày 27/10 vừa qua, khiến thị trường không ngừng đồn đoán liệu nhà chức trách có thực sự triển khai các biện pháp can thiệp hay không.
Sau khi đồng yen giảm còn 152 yen đổi 1 USD, các nguồn thạo tin khẳng định Nhật Bản đã can thiệp vào ngày 21/10, dù có nhiều ý kiến cho rằng biện pháp này sẽ không giúp ích nhiều cho việc đảo ngược xu hướng rộng hơn hiện nay.
Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Nhật Bản nhiều khả năng đã can thiệp lần nữa vào ngày 24/10 khi đồng yen tăng giá so với đồng USD chỉ trong vài phút.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki đã cảnh báo sẽ có bước đi cần thiết để chống lại xu hướng biến động quá mức trên thị trường. Nguyên nhân chính khiến đồng yen mất giá là do sự chênh lệch giữa lãi suất của Nhật Bản và Mỹ, khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản loại trừ việc tăng lãi suất trong tương lai gần, trong khi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tuần này.
Xu hướng bán tháo mạnh đồng yen trong những tuần qua, với một phần nguyên nhân là từ các nhà đầu cơ, đã tạm dừng trong bối cảnh có nhiều đồn đoán rằng FED sẽ giảm tốc việc siết chặt chính sách tiền tệ. Trong ngày 31/10, tỷ giá đồng yen đã được giao dịch quanh mức 148 yen/USD. Bộ trưởng Suzuki khẳng định nhà chức trách đang theo dõi chặt chẽ biến động của tỷ giá đồng yen.
Tính đến cuối tháng 9, dự trữ ngoại hối của Nhật Bản là 1.240 tỷ USD, bao gồm trái phiếu nước ngoài, tiền gửi, vàng và một số loại tài sản khác. Chính phủ Nhật Bản đã triển khai các biện pháp can thiệp thông qua việc sử dụng khoản tiền này để bán USD và mua yen.
Việc đồng yen suy yếu đã giúp tăng lợi nhuận cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề "đau đầu" cho quốc gia vốn khan hiếm tài nguyên này, khi giá nhập khẩu năng lượng, nguyên liệu, thực phẩm và các mặt hàng khác trở nên đắt đỏ.