Nhập siêu tăng từng ngày

Đến giữa tháng 4/2017, nhập siêu đã lên tới 2,56 tỷ USD, bằng 4,9% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nhập siêu tăng từng ngày là điều cần phải lưu tâm.     
Nhập siêu tăng từng ngày

Nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị tăng

Theo số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tính đến hết ngày 15/4/2017, thâm hụt thương mại của Việt Nam đã lên tới 2,56 tỷ USD, bằng 4,9% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, chỉ riêng nửa đầu tháng 4/2017, mức nhập siêu là 501 triệu USD.

Có thể thấy rất rõ, nhập siêu đang tăng lên từng ngày. Kết quả này trái ngược hoàn toàn với cán cân thương mại của cùng kỳ năm trước. Khi đó, Việt Nam thặng dư thương mại lên tới 1,48 tỷ USD.

Nhập khẩu các loại nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị tăng là lý do chính khiến nhập siêu tăng cao trong những tháng đầu năm. Nếu như cùng kỳ năm ngoái, cả nước chỉ nhập khẩu hơn 7,2 tỷ USD các loại máy móc, thiết bị, thì năm nay, con số là trên 9,64 tỷ USD. Tương tự, con số với nhập khẩu các loại máy tính, linh kiện là 7,4/8,9 tỷ USD; vải các loại là 2,65/2,84 tỷ USD…

Cùng với việc nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất tăng nhanh, thì trong những tháng đầu năm, Việt Nam cũng đã nhập khẩu quá lớn các loại rau quả và ô tô

Vào cuối tháng 3/2017, khi nhập siêu được công bố ở mức trên 1,9 tỷ USD khiến dư luận lo ngại, thì viện dẫn cơ cấu hàng nhập khẩu của Việt Nam, cả Bộ Công thương lẫn các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, nhập siêu chưa đáng lo, bởi Việt Nam vẫn đang nhập khẩu chủ yếu các mặt hàng phục vụ sản xuất - kinh doanh và đầu tư. Ở một nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu nhập khẩu như Việt Nam, thì xuất siêu chưa hẳn là đáng mừng, mà nhập siêu chưa hẳn đáng lo. Nếu nhập khẩu nhiều là để phục vụ sản xuất thì là điều đáng mừng.

Tuy vậy, thêm 15 ngày nữa, nhập siêu tiếp tục gia tăng với tốc độ khá nhanh, bình quân khoảng 500 triệu USD/15 ngày, 1 tỷ USD/tháng lại là một dấu hiệu cần theo dõi. Chính các chuyên gia của Bộ Công thương cũng cho rằng, cần phải theo dõi diễn biến của nhập siêu trong năm nay để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Thực tế là, như Báo Đầu tư đã đề cập, cùng với việc nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất tăng nhanh, thì trong những tháng đầu năm, Việt Nam cũng đã nhập khẩu quá lớn các loại rau quả và ô tô. Ví như ô tô, trong quý đầu năm, con số đã tăng lên chóng mặt, lên tới 26.500 chiếc ô tô nguyên chiếc các loại, tăng 34,4% về số lượng.

Trong đó, lượng nhập khẩu ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống là 16.310 chiếc, tăng 136% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, lượng ô tô nhập khẩu có xuất xứ từ các quốc gia ASEAN trong 3 tháng đầu năm 2017 là 14.460 chiếc, tăng 67,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong số này, ô tô nhập khẩu từ Thái Lan là 10.050 chiếc, tăng 28,8% và từ Indonesia là 4.400 chiếc, tăng mạnh so với con số 833 chiếc của cùng kỳ.

Ngoài ra, trong 3 tháng qua, Việt Nam cũng nhập khẩu gần 4.800 xe ô tô từ thị trường Ấn Độ, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ. Một khi nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng này tiếp tục tăng nhanh trong những tháng cuối năm, sẽ ảnh hưởng lớn tới nhập siêu của cả nước.

Cảnh báo hệ lụy

Có thể tạm chấp nhận quan điểm cho rằng, nhập siêu chưa đáng lo, bởi nguyên nhân chủ yếu ở nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. Dù là vậy, thì những hệ lụy cho câu chuyện nhập siêu lớn vẫn là điều được các chuyên gia kinh tế cảnh báo.

Đầu tiên, đó là chuyện nhập siêu bằng gần 5% kim ngạch xuất khẩu, có nghĩa là đã vượt mục tiêu kiểm soát nhập siêu ở mức 3,5% của Chính phủ trong năm 2017. Nhập siêu tăng cao sẽ “đe dọa” đến cân đối vĩ mô của Việt Nam, tới cán cân thanh toán quốc tế.

Thêm vào đó, theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, nhập siêu lớn sẽ gây sức ép lên tỷ giá, trong bối cảnh áp lực tỷ giá cũng đang là một vấn đề lớn đối với kinh tế Việt Nam, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất USD và dự kiến sẽ tiếp tục tăng thêm 2 lần nữa trong năm nay.

“Áp lực tỷ giá hiện khá lớn, khi giá USD dự báo còn tăng nữa trong thời gian tới. Cộng thêm các động thái từ phía Trung Quốc là giảm dự trữ ngoại hối để can thiệp tỷ giá nhân dân tệ (NDT), cũng sẽ gây áp lực lên tỷ giá của Việt Nam”, ông Lực nói.

Trong khi đó, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho rằng, trong năm 2017, việc Fed tăng lãi suất có thể chưa gây áp lực đối với tỷ giá, do hiện nay chênh lệch lãi suất huy động VND và USD vẫn nghiêng về việc nắm giữ USD. Tuy nhiên, do cán cân thương mại đảo chiều, nên cung ngoại tệ năm nay sẽ kém thuận lợi hơn năm 2016 và điều này sẽ tác động tới biến động tỷ giá.

“Về dài hạn, cũng cần lưu ý biến động của NDT. Việc mất giá mạnh của NDT sẽ tác động lớn đến kinh tế Việt Nam do thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đang có xu hướng tăng”, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cảnh báo.

Chỉ trong 3 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu tới 12,68 tỷ USD từ thị trường Trung Quốc, tăng 19,6% so với cùng kỳnăm trước.

Và cũng không hẳn chỉ liên quan tới tỷ giá, tới cân bằng vĩ mô của Việt Nam, việc nhập khẩu ô tô hay rau củ quả tiếp tục tăng mạnh trong thời gian qua, theo các chuyên gia, còn là nguy cơ đối các ngành sản xuất trong nước. Đây là điều rất đáng lo ngại.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục