Theo Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2016 vừa được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2016, trong quý I/2016, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 37,88 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2015; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 37,11 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung, Việt Nam đã xuất siêu khoảng 776 triệu USD trong quý I, bằng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
So với trạng thái nhập siêu duy trì trong cả năm 2015, con số trên là khá bất ngờ trong bối cảnh kinh tế đang có dấu hiệu chững lại khi tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2016 ước đạt 5,46%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước giảm 1,23%; khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 6,72%; dịch vụ ước tăng 6,13%. Mặc dù hai lĩnh vực là công nghiệp xây dựng và dịch vụ đề đạt mức tăng trưởng khá, nhưng trụ cột nông nghiệp suy giảm do phải đối diện với nhiều khó khăn tự nhiên, đặc biệt là hạn hán và xâm nhập mặn.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát, trong quý I nông nghiệp tăng trưởng âm, chủ yếu là do trồng trọt. Tuy nhiên, giá các loại nông sản như gạo, hồ tiêu, hạt điều, tôm... đang tăng lên giúp thị trường xuất khẩu diễn biến tốt. “Xuất khẩu nông nghiệp quý I tăng 3,1%, trong khi thời điểm này năm ngoái âm tới 10%, nhất là xuất khẩu gạo tăng mạnh so với cùng kỳ”, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay.
Thế nhưng, nếu nhìn vào số liệu của từng tháng trong quý I/2016, xu hướng xuất siêu đang có dấu hiệu suy giảm. Theo đó, xuất siêu tháng 1/2016 đạt 765 triệu USD, tháng 2 đạt 100 triệu USD. So sánh với con số của cả quý I cho thấy, cán cân thương mại tháng 3 đã quay trở lại trạng thái nhập siêu.
Theo lý giải của các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chính được lý giải cho tỷ lệ xuất siêu cao trong 2 tháng đầu năm là do thời gian nghỉ Tết kéo dài, kéo theo sự giảm tốc của hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Điều này thể hiện rõ hơn dựa trên chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 3, khi chỉ số này tăng tới 23,8% so với tháng trước và tăng 6,2% do với cùng kỳ năm trước. Như vậy, khả năng nhập siêu trong tháng 3 là khá rõ rệt khi chỉ số sản xuất công nghiệp tăng mạnh, kéo theo nhu cầu về nhập khẩu các loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, tốc độ tăng xuất khẩu thấp hơn so với cùng kỳ năm trước; đặc biệt là sự giảm sút nhập khẩu thiết bị máy móc, nguyên vật liệu,... sẽ tác động xấu đến hoạt động đầu tư và sản xuất trong nước.
“Nếu tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục khó khăn như hiện nay; sản lượng dầu thô chỉ khai thác khoảng 14,02 triệu tấn như kế hoạch đề ra; công nghiệp chế biến, chế tạo phấn đấu đạt 11% thì tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) cả năm chỉ đạt khoảng 5,45%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,7%”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn thách thức, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng, bên cạnh việc triển khai các biện pháp giảm tình trạng xâm nhập mặn hỗ trợ cho nông nghiệp, tháo gỡ khó khăn sản xuất công nghiệp... còn phải tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu.