Thiệt “kép”
Trước hết, với 31,218 tỷ USD, “đoàn tàu xuất khẩu” của chúng ta trong 8 tháng qua đã đạt tốc độ tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2006, vượt khá xa tốc độ tăng dự kiến cả năm là 17,4%, mở ra triển vọng hoàn thành vượt mức kế hoạch xuất khẩu 46,756 tỷ USD trong năm nay. Bởi lẽ, “tập quán” của chúng ta lâu nay là “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm tăng tốc”, trong khi chúng ta chỉ còn phải hoàn tất xấp xỉ 1/3 mục tiêu xuất khẩu trong 1/3 chặng đường còn lại của năm nay.
Số liệu thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu của 8 mặt hàng chủ yếu gồm dầu thô, gạo, cà phê, cao su, than đá, nhân điều, hạt tiêu và chè chỉ đạt 9,757 tỷ USD, tăng vỏn vẹn 310 triệu USD và 3,28% so với cùng kỳ năm 2006. Hơn thế, nếu quy về giá năm 2006, thì 9,757 tỷ USD này “co lại” chỉ còn 9,282 tỷ USD, tức là giảm 165 triệu USD và 1,75% so với cùng kỳ năm 2006. Điều này có nghĩa là, tuy có mặt hàng tăng giá, có mặt hàng giảm giá, nhưng giá bình quân của 8 mặt hàng trên trong 8 tháng qua đã giảm và để tăng được 310 triệu USD và 3,28%, chúng ta đã phải tăng khối lượng xuất khẩu 475 triệu USD và 5,12% so với cùng kỳ năm 2006.
Những điều nói trên cũng có nghĩa là, trong điều kiện xuất khẩu một loạt mặt hàng xuất khẩu truyền thống hầu như “giậm chân tại chỗ” như vậy, để đạt được tốc độ tăng xuất khẩu chung 19,3% trong 8 tháng qua, xuất khẩu tất cả các mặt hàng còn lại đã phải tăng “nhảy vọt” 28,41%. Đây rõ ràng là tốc độ tăng “ngang ngửa” với nhập khẩu trong 8 tháng qua.
Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của nền kinh tế vốn đã tăng mạnh, lại bị giá hàng nhập khẩu “sốt nóng” khuếch đại lên quá lớn. Trước hết, các số liệu thống kê 8 tháng qua cho thấy, với 37,632 tỷ USD, nhập khẩu đã tăng tới 29,9%, và như vậy, chúng ta đã hoàn thành 72% kế hoạch năm, cho nên chắc chắn sẽ hoàn thành sớm kế hoạch nhập khẩu cả năm là 52,3 tỷ USD.
Nếu xem xét một cách chi tiết hơn, có thể thấy, tác nhân “sốt nóng” giá cả thế giới giữ vai trò cực kỳ quan trọng khiến nhập khẩu gia tăng mạnh trong 8 tháng qua. Đó là, tuy trên thực tế, tổng kim ngạch nhập khẩu 12 mặt hàng chủ yếu có số liệu thống kê về khối lượng và giá trị đạt 7,886 tỷ USD, tăng 2,046 tỷ USD và 35,03%, nhưng nếu quy về giá cùng kỳ năm 2006 thì chỉ là 6,839 tỷ USD, tức là chỉ tăng 999 triệu USD và 17,1% so với cùng kỳ năm 2006. Điều này có nghĩa là, trong tổng kim ngạch nhập khẩu thực tế 7,886 tỷ USD của 12 mặt hàng trên trong 8 tháng qua, chỉ có 999 triệu USD và 17,1% là do tăng khối lượng nhập khẩu, còn lại 1,407 tỷ USD và 17,93% là do giá thế giới tăng.
Chính do tình trạng thiệt “kép” như vậy trong thương mại quốc tế, cho nên chúng ta đã lâm vào tình trạng nhập siêu tăng bùng nổ hiện nay. Cụ thể, với kế hoạch xuất nhập khẩu trong năm nay như nói trên, nhập siêu cả năm sẽ là 5,544 tỷ USD, bằng 11,85% kim ngạch xuất khẩu. Thế nhưng, do nhập khẩu tăng vọt (một phần rất quan trọng do giá thế giới sốt nóng), trong khi giá xuất khẩu một loạt mặt hàng lại giảm nhẹ, dẫn đến tốc độ tăng xuất khẩu nói chung vẫn còn khá khiêm tốn, cho nên nhập siêu 8 tháng qua đã tăng vọt lên 6,414 tỷ USD, vượt kế hoạch nhập siêu cả năm 15,69% và tỷ lệ nhập siêu hiện cũng đã đại nhảy vọt lên 20,55%.
Hội chứng “sợ nhập siêu”
Trước hết, phải khẳng định rằng, tình trạng nhập siêu nói trên không có gì là mới mẻ đối với nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận là, các dự báo luôn ở trong tình trạng “theo đuôi” thực tế. Nếu nhìn lại lịch sử 21 năm đổi mới, có thể dễ dàng nhận thấy rằng, duy nhất có năm 1992 là năm “huy hoàng”, với xuất siêu vỏn vẹn 40 triệu USD và tỷ lệ xuất siêu chỉ đạt 1,55%, còn lại 20 năm đều ở trong tình trạng “thâm thủng” cán cân thương mại quốc tế. Trong đó, nếu như trong 3 năm đầu đổi mới, chúng ta hầu như ở trong trạng thái “xuất 1, nhập 3” do xuất khẩu vẫn còn quá nhỏ, lại được viện trợ rất lớn, còn 3 năm tiếp theo, nhập siêu liên tục giảm mạnh, vừa do xuất khẩu được đẩy mạnh, vừa do viện trợ bị cắt giảm, thì sau sự sụp đổ của Liên Xô cũ và các nước xã hội chủ nghĩa, nhập siêu trải qua 2 chu kỳ dao động “hình sin” với 2 mức đỉnh là -53,58% năm 1996 và -25,05% năm 2003, còn 2 mức đáy là -0,71% năm 1999 và -12,72% năm 2006. Còn hiện tại, rất có thể, tỷ lệ nhập siêu đã cao ngất ngưởng trên ngưỡng 20% cũng chỉ là một dấu hiệu bắt đầu của một làn sóng nhập siêu mới. Việc năm nay là năm đầu tiên chúng ta gia nhập “ngôi nhà chung WTO” tạo nguồn động lực khiến nguồn vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vào, khởi đầu cho làn sóng đầu tư nước ngoài thứ hai. Thực tế nhập siêu tăng phi mã và đạt đỉnh vào năm 1996 có phần rất quan trọng là do làn sóng đầu tư nước ngoài thứ nhất trong những năm đầu thập kỷ trước đã cho thấy rất rõ điều đó.
Trong khi đó, các mục tiêu kiềm chế nhập siêu của chúng ta đề ra luôn thấp hơn rất nhiều. Chỉ xét giai đoạn từ 2001 trở lại đây, trong khi mục tiêu chiến lược đề ra cho xuất khẩu năm 2005 là 28,355 tỷ USD và thực tế cũng đã đạt 32,442 tỷ USD, vượt 14,41%; còn mục tiêu nhập khẩu là 29,165 tỷ USD, nhưng thực tế đại nhảy vọt lên 36,978 tỷ USD, vượt tới 26,79%. Chính vì vậy, trong khi mục tiêu nhập siêu đề ra chỉ là 810 triệu USD, nhưng thực tế đã “nở nồi” tới 4,648 tỷ USD, cao gấp 5,74 lần.
Cũng chính vì thực tế nhập khẩu và nhập siêu đã vượt quá xa các mục tiêu chiến lược như vậy, cho nên trong kế hoạch 5 năm hiện nay, thay vì phải đạt mục tiêu cân bằng cán cân thương mại hàng hoá vào năm 2009, tốc độ tăng nhập khẩu đã được đẩy lên cao hơn để kéo dãn thời điểm này sang năm 2010 và mục tiêu nhập siêu năm 2006 được kiềm chế ở mức 3,556 tỷ USD, nhưng thực tế vẫn đạt 5,065 tỷ USD, vượt 42,43%. Còn trong năm 2007 này, trong khi mục tiêu nhập siêu cần được kiềm chế ở mức 3,188 tỷ USD, nhưng chỉ trong 8 tháng đã đạt 6,414 tỷ USD, tức là cao gấp hơn hai lần, còn so với kế hoạch năm nay cũng đã vượt 15,69%. Theo đà này, rất có thể, mục tiêu chiến lược chuyển từ nhập siêu rất lớn hiện nay sang xuất siêu vào cuối thập kỷ này sẽ trở nên rất xa vời.
Nói tóm lại, tuy những thành tựu trong việc thực hiện đường lối đẩy mạnh xuất khẩu là cực kỳ to lớn và chắc chắn chúng ta sẽ còn đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa trong những năm tới, nhưng cùng với việc đẩy mạnh xuất khẩu, do những yếu kém của nền kinh tế không thể khắc phục trong ngày một ngày hai, cho nên nhập khẩu cũng tăng rất mạnh. Do vậy, nhập siêu vẫn là “bài toán” bức xúc cần tìm lời giải thỏa đáng.