Suleco thành lập vào năm 1991, đến năm 2015 được cổ phần hóa. Suleco được đánh giá là công ty hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu lao động và cho thuê lại lao động.
Giai đoạn từ năm 2011 - 2013, hiệu quả kinh doanh của Công ty khá tích cực, với tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ từ 17,9 - 27,5%. 6 tháng đầu năm 2014, Suleco đạt lợi nhuận sau thuế 39 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước lên tới 75%. Công ty dự kiến lợi nhuận 3 năm sau cổ phần hóa ở mức 7 - 8 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ khoảng 7 - 8%, trả cổ tức 5 - 6%.
Tuy nhiên, thực tế diễn biến ngược lại, lợi nhuận Suleco sụt giảm mạnh, có năm lỗ nặng. Công ty không trả cổ tức do không có lợi nhuận, thua lỗ hoặc còn lỗ lũy kế. Suleco có vốn điều lệ 92 tỷ đồng; trong đó, cổ đông nhà nước nắm giữ 25%. Phần vốn này do Công ty Ðầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) làm đại diện.
Hiện cổ đông nhà nước chưa thoái vốn. Theo Báo cáo thường niên 2018, cổ đông lớn nhất của Công ty là CTCP Hoàn Lộc Việt (sở hữu 45,66%). Ngoài ra, Công ty còn 84 cổ đông cá nhân sở hữu hơn 29% vốn.
Trước khi diễn ra Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, vào tháng 5/2019, Suleco đã thông báo với cổ đông về việc Công ty hủy đăng ký giao dịch trên hệ thống UPCoM do không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng (số lượng cổ đông giảm xuống dưới 100).
Tại thời điểm tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên, Suleco có trên 130 cổ đông.
Tại Đại hội đồng cổ đông, khi cổ đông chất vấn về danh sách cổ đông tham dự Đại hội, đại diện Công ty thừa nhận, tại thời điểm tổ chức Đại hội, Công ty có trên 130 cổ đông và theo quy định, trong vòng 90 ngày kể từ ngày 13/6/2019, Công ty sẽ thực hiện nghĩa vụ đăng ký công ty đại chúng và trở lại sàn UPCoM.
Khá khó hiểu số lượng cổ đông của Suleco tăng lên nhanh chóng thêm khoảng 40 - 50 người trong vòng 1 - 2 tháng sau khi cổ phiếu ngừng giao dịch, khiến cho Suleco trở lại là công ty đại chúng.
Tuy nhiên, sau 3 tháng kể từ khi Đại hội, Công ty chưa có thông báo gì về việc đăng ký công ty đại chúng và trở lại thị trường UPCoM.
Một thành viên Hội đồng quản trị Suleco cho biết, Công ty không đăng ký công ty đại chúng, đăng ký giao dịch cổ phiếu trở lại là do không đáp ứng đủ điều kiện có trên 100 cổ đông cá nhân.
Vị này cho biết, đây là giao dịch của các cổ đông, Hội đồng quản trị chỉ nắm được thông tin về số lượng cổ đông. Như vậy, đã có cổ đông mua vào và nhiều cổ đông khác đã bán hết, không còn sở hữu cổ phần khiến cho lượng cổ đông giảm mạnh, không còn thuộc diện công ty đại chúng.
Cổ đông của Suleco cho biết, kể từ sau cổ phần hóa, kết quả kinh doanh của Suleco đi xuống khiến cổ đông thất vọng.
Thêm vào đó, với việc hủy đăng ký giao dịch trên UPCoM, thanh khoản của cổ phiếu sẽ kém hơn, tính công khai minh bạch giảm, các cổ đông nhỏ lẻ sẽ bị ảnh hưởng.
Ngay tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, cổ đông lớn HFIC cũng chất vấn lãnh đạo Công ty về nhiều vấn đề như việc sử dụng mặt bằng 635A Nguyễn Trãi (TP.HCM), Đại hội đồng cổ đông năm trước ghi nhận tất toán hợp đồng hợp tác với CTCP Môi trường công ích miền Nam, nhưng báo cáo tài chính lại ghi nhận tăng thêm 9,5 tỷ đồng.
Hay việc tất toán khoản đầu tư vào CTCP Ô tô Vĩnh Long chưa thực hiện, các khoản nộp về ngân sách HFIC đã có văn bản, nhưng Suleco vẫn không thực hiện. Ban lãnh đạo Công ty đã từ chối trả lời ngay tại Đại hội và hứa hẹn sẽ trả lời riêng cho cổ đông HFIC.
Đáng chú ý, một cổ đông của Suleco đã có văn bản kiến nghị tới cơ quan chức năng cho rằng, Suleco có nhiều khoản mục đáng nghi vấn như khoản đầu tư cổ phiếu CTCP Chứng khoán Phương Đông, cổ phiếu CTCP Bọc ống dầu khí, các khoản cho vay, góp vốn... ;
Khoản cho CTCP Môi trường công ích miền Nam vay 29,6 tỷ đồng với lãi suất 6%/năm mà không có tài sản đảm bảo; các khoản phải thu ngắn hạn với CTCP Môi trường công ích miền Nam 16,26 tỷ đồng...
Cổ đông này cho rằng, phần vốn nhà nước chiếm 25% vốn điều lệ Suleco, trong các khoản Công ty cho vay có 25% vốn nhà nước.
Việc cho vay và góp vốn của Suleco đã được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay chưa? Cổ đông này còn đề nghị các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm toán toàn bộ hoạt động của Suleco để làm rõ nguyên nhân hoạt động yếu kém của Suleco.
Được biết, Suleco đang quản lý và sử dụng một số khu “đất vàng” ở TP.HCM như lô đất 842 m2 tại 635A đường Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5 và lô đất 12.305 m2 tại 165 Đại lộ 3, phường Phước Bình, quận 9. Khi cổ phần hóa, các lô đất này không được tính vào giá trị doanh nghiệp.