Nhu cầu tiêu dùng tại nhiều thị trường lớn cùng các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm đã kéo kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta sụt giảm mạnh trong 6 tháng 2023.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,6 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 12,1%; nhập khẩu giảm 18,2%
6 tháng 023 có 28 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 84,4% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 38,1%).
Bộ Công thương lý giải: "Kim ngạch nhập khẩu trong 6 tháng 2023 giảm 18,2% so với cùng kỳ do những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu, nhu cầu thế giới giảm nên nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất để xuất khẩu giảm".
Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu giảm 13% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 9,4 tỷ USD. Trong đó, những mặt hàng giảm mạnh gồm: linh kiện phụ tùng ô tô dưới 9 chỗ (giảm 27,1%), xe máy và linh kiện (giảm 13,8%), hàng điện gia dụng và linh kiện (giảm 22,2%), đá quý, kim loại quý và sản phẩm giảm 27,8%...
Do các mặt hàng xuất khẩu hơn chục tỷ USD như điện thoại, máy tính, máy móc thiết bị-phụ tùng, hàng dệt may, giày dép...đều sụt giảm 2 con số đã dẫn đến sự suy giảm nhập khẩu các mặt hàng chủ lực này.
Cụ thể, 6 tháng qua, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 38,27 tỷ USD, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 12,3%, đạt 19,7 tỷ USD; vải các loại giảm 19,2%, đạt 6,4 tỷ USD; thép các loại giảm 32,3%; xăng dầu các loại giảm 18,4%; cao su các loại giảm 41,2%; bông các loại giảm 21,5%; hóa chất giảm 24,2%; phân bón giảm 28,1%......
Đặc biệt là kim ngạch nhập khẩu điện thoại và linh kiện các loại tiếp tục giảm mạnh khi chỉ đạt 3,45 tỷ USD, giảm 66,5%.
Do những khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu nên kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo 6 tháng của Bộ Công thương chỉ ra, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam đã sụt giảm gần 19%, với kim ngạch ước đạt 50,09 tỷ USD; tiếp theo là Hàn Quốc, ước đạt 24,2 tỷ USD, giảm 25,6%; thị trường ASEAN ước đạt 20,3 tỷ USD, giảm 16,9%; Nhật Bản đạt 9,8 tỷ USD, giảm 18,7%; EU đạt 7,06 tỷ USD, giảm 10,7%; Hoa Kỳ đạt 7 tỷ USD, giảm 7,3%.
Xuất khẩu hàng hóa dù giảm 12,1% nhưng nhập khẩu giảm tới 18,2%, thành thử, cán cân thương mại hàng hóa vẫn ở trạng thái xuất siêu cao 12,25 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu chỉ 1,16 tỷ USD.
6 tháng qua, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,81 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 22,06 tỷ USD.
Nhận định hoạt động thương mại nửa cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn do kinh tế, chính trị, an ninh toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào còn tiếp diễn, Bộ Công thương sẽ bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực để kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất.
Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tạo các đơn hàng mới để tiêu thụ sản phẩm đầu ra, thúc đẩy sản xuất cho các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, nhất là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để tăng tốc xuất khẩu.