Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, thời gian qua, chúng ta đã đón 200.000 người gồm chuyên gia và người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, chủ yếu là học sinh – sinh viên ở các nước có dịch rất cao về.
Chúng ta đã kiểm soát rất tốt các biện pháp với phương châm sống chung với dịch an toàn. Tất cả cơ sở y tế, bệnh viện công lập, phòng khám tư nhân, nhà dưỡng lão; tất cả trường học, cơ sở giáo dục, cơ sở lưu trú, nhà máy, công xưởng đều phải thực hiện công tác an toàn dịch.
Vì còn liên quan đến câu hỏi dịch Covid-19 kéo dài đến bao giờ? Ai cũng biết 1 vắc xin bình thường cũng phải mất 5-10 năm mới để xem xét có tác dụng phòng bệnh không, có tác dụng phụ không.
"Hiện nay, thế giới đang cấp tập sản xuất vắc xin, với trên 150 ứng viên. Việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin gồm các bước là thử nghiệm tiền lâm sàng, lâm sàng. Diễn giải nôm na cho nhân dân hiểu là đầu tiên sử dụng trong phòng thí nghiệm, thử nghiệm với động vật nhỏ, cấp thấp như chuột, sau đó thử nghiệm ở động vật linh trưởng rồi mới thử nghiệm trên người", Phó Thủ tướng cho biết.
Theo Phó Thủ tướng, ở Việt Nam có 4 đơn vị nghiên cứu vắc xin, cuối năm nay sẽ thử nghiệm vòng 1 trên người. Nhanh nhất đến cuối năm 2021, đầu năm 2022 chúng ta mới sản xuất được.
Còn việc mua vắc xin cũng rất khó khăn, vì đây là vấn đề nóng trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và liên minh vắc xin toàn cầu đã thành lập chương trình gồm 92 quốc gia tham gia, trong đó có Việt Nam với tham vọng cung cấp vắc xin giá rẻ, khoảng 2 USD/liều, 4 USD/1 người. Song chưa có công ty sản xuất nào cam kết bán vắc xin cho liên minh này. Việt Nam cũng tham gia liên minh này để có thể mua trực tiếp. Việt Nam đang làm việc với các đối tác như Nga, Trung Quốc...
"Việc mua vắc xin sớm không dễ. Chính phủ các nước nếu muốn mua trực tiếp từ các công ty phải đặt cọc trước, rủi ro cao. Biện pháp căn cơ nhất là phải phòng dịch, sống chung an toàn với dịch. Chúng ta không thể chủ quan vì ngày hôm nay trên thế giới vẫn có nửa triệu ca nhiễm mới", Phó Thủ tướng cho biết.