Nhanh chóng đưa vốn vào nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhanh chóng đưa vốn vào nền kinh tế là giải pháp quan trọng để “thúc” tăng trưởng.
Ngay từ đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã nhanh chóng thực hiện giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công Ngay từ đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã nhanh chóng thực hiện giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Tăng “lực” cho nền kinh tế

Quốc hội chính thức cho phép sử dụng 63.725 tỷ đồng dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho một số bộ, ngành, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, để thực hiện một số dự án đầu tư công, trong đó có Dự án cấp điện lưới ra Côn Đảo.

Sẽ còn mất thời gian để chuẩn bị thủ tục đầu tư cho các dự án, song việc Quốc hội quyết chi hơn 63.725 tỷ đồng nói trên có thể nói sẽ góp phần quan trọng tăng “lực” cho nền kinh tế. Tùy thuộc vào tiến độ chuẩn bị dự án, nguồn lực này sẽ được bổ sung cho ngân sách đầu tư công trong những năm còn lại của Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021-2025, đặc biệt là cho năm 2024 - vốn có nguồn lực hạn hẹp hơn năm ngoái.

Thêm vốn, nền kinh tế sẽ có thêm xung lực. Khi thảo luận về tờ trình của Chính phủ về nội dung này tại Kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV mới đây, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ, nhất là với khoản chi cho Dự án cấp điện lưới ra Côn Đảo.

Nhắc tới chuyện kinh tế - xã hội đảo Cô Tô đã “bừng sáng” kể từ bước ngoặt năm 2013, khi Quảng Ninh thực hiện kéo điện lưới ra đảo, ông Tô Ái Vang bày tỏ quan điểm rằng, đưa điện lưới ra Côn Đảo là cơ hội để tạo bước đột phá thực sự cho huyện Côn Đảo.

Đấy cũng chính là lý do mà những năm gần đây, đầu tư công luôn được coi và một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, không chỉ trong ngắn hạn, mà còn cả trong việc tạo dựng nền tảng phát triển trong trung và dài hạn.

Năm 2023, ước tính, giải ngân vốn đầu tư công đạt 95% kế hoạch. Năm 2024, mục tiêu tương tự đã được đặt ra. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong năm 2024.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung thúc đẩy nhanh hơn, mạnh mẽ hơn giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024; kiên quyết loại bỏ tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả. Đồng thời, đẩy nhanh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói và cho biết, không chỉ thúc đẩy giải ngân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ nỗ lực để tiếp tục đưa vốn đầu tư công thành vốn mồi để thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế.

Để vốn đầu tư công có thể giải ngân từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, căn cứ dự toán được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ ngay đầu tháng 12/2023 đã giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 với tổng số tiền trên 677.349 tỷ đồng, bằng 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023. Vốn đã được giao, giờ là thời điểm các bộ, ngành, địa phương phải bắt tay vào việc, vừa tranh thủ phân bổ chi tiết, vừa đẩy nhanh tiến độ đưa vốn vào nền kinh tế.

Đưa nhanh vốn vào “guồng”

Dường như đã vào guồng, lại được Chính phủ “thúc” quyết liệt, ngay từ đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã nhanh chóng bắt tay vào thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Trong những năm qua, đặc biệt là trong năm 2023, nhờ giải ngân đầu tư công tích cực, Việt Nam đã khởi công và hoàn thành nhiều công trình, Dự án hạ tầng cơ sở quan trọng của đất nước, trong đó có việc đưa gần 700 km đường bộ cao tốc vào sử dụng, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu có 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025.

“Đầu tư công được xác định là động lực quan trọng nhất trong 3 động lực tăng trưởng của TP.HCM trong năm 2024”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã nói như vậy trong Hội nghị triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 của TP.HCM mới đây.

Hôm Chính phủ tổ chức Hội nghị với các địa phương (ngày 5/1/2024), ông Phan Văn Mãi cũng nhấn mạnh điều này. Chủ tịch của “đầu tàu” kinh tế lớn nhất của cả nước cho biết, TP.HCM phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân 10-12% ngay trong quý I/2024.

Năm 2024, TP.HCM được giao hơn 79.263 tỷ đồng vốn đầu tư công, tăng gần 15% so với năm 2023. Điều này càng đặt ra áp lực lớn hơn với TP.HCM trong việc đưa nhanh dòng vốn vào “guồng”. “Để hoàn thành tốt nhất chỉ tiêu được giao và tránh tình trạng phải chạy nước rút vào những tháng cuối năm, các sở, ngành, các chủ đầu tư phải rà soát, lên kế hoạch giải ngân cho dự án trong cả năm, phối hợp, gỡ vướng cho giải phóng mặt bằng…”, lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo.

Không chỉ TP.HCM, nhiều địa phương khác cũng đang nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm. Đồng Nai là một ví dụ. Ngay đầu năm, tỉnh này đã ban hành chỉ thị về việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024, đồng thời yêu cầu các sở, ngành, địa phương coi việc giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Hàng loạt giải pháp quan trọng đã được địa phương này đưa ra, trong đó có việc không bố trí dự án khi chưa có 75% mặt bằng sạch, không để tái diễn tình trạng mặt bằng “níu” tiến độ giải ngân.

Trong khi đó, Quảng Trị quyết tâm đến hết năm, giải ngân 100% kế hoạch năm 2024, cũng như 100% kế hoạch năm 2023 được phép kéo dài. “Lộ trình” giải ngân cụ thể đã được tỉnh này vạch rõ. Chẳng hạn, với dự án khởi công mới, đến hết ngày 30/6, khởi công trên 30% kế hoạch và đến hết ngày 30/9, giải ngân trên 60% kế hoạch…

Nếu tất cả cùng nỗ lực, giải ngân vốn đầu tư công sẽ tích cực hơn. Trong các giải pháp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, việc chuẩn bị thật tốt dự án để tránh tình trạng “vốn chờ dự án” đã được nhấn mạnh. Cùng với đó, ưu tiên phân bổ vốn cho các dự án, công trình quan trọng quốc gia; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; tháo gỡ khó khăn về thể chế, chính sách…

“Tuy nguồn lực đầu tư công năm 2023 thấp hơn năm ngoái, nhưng nếu chúng ta quan tâm thúc đẩy giải ngân từ sớm, từ xa, đạt kết quả cao, thì sẽ tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Không chỉ trong ngắn hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2026-2030, tiếp tục ưu tiên nguồn lực để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 5.000 km đường cao tốc; phát triển hạ tầng đường sắt (đặc biệt là triển khai Dự án Đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam), cũng như hệ thống cảng biển, các tuyến kết nối để hoàn thiện mạng lưới vận tải đa phương thức, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục