Nhận trợ lực mới, giới đầu tư lạc quan gom hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall giao dịch tích cực trong phiên thứ Sáu cuối tuần (25/6), được hỗ trợ bởi dữ liệu kinh tế lạc quan cũng như dư âm từ thỏa thuận sơ sở hạ tầng, kết thúc một tuần đầy biến động.
Nhận trợ lực mới, giới đầu tư lạc quan gom hàng

Đầu ngày thứ Sáu, Bộ Thương mại Mỹ báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi của Mỹ, bao gồm biến động giá năng lượng và thực phẩm, tăng 3,4% trong năm tháng 5, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1992. Trong khi đó, chỉ số giá PCE tổng thể tăng 3,9%, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 8/2008. Đáng chú ý, giá năng lượng vọt lên tới 27,4% trong bối cảnh giá dầu hồi phục, còn giá lương thực tăng nhẹ 0,4%.

Chỉ số giá PCE vốn là thước đo lạm phát được Cụ Dự trữ Liên bang (Fed) ưa thích. Đây được coi là thước đo lạm phát rộng hơn so với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Bộ Lao động do phản ánh những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng ở phạm vi rộng hơn. Theo các chuyên gia phân tích, các kết quả mới nhất của PCE ủng hộ quan điểm của Fed rằng lạm phát chỉ là “tạm thời”.

Mặt khác, cổ phiếu ngân hàng dậy sóng trong phiên sau khi Fed thông báo kết quả bài kiểm tra sức chịu đựng hàng năm cho thấy các định chế tài chính lớn của Mỹ đủ vốn để chống chọi với cuộc một suy thoái toàn cầu nghiêm trọng.

Do đó, các ngân hàng sẽ có thể tiếp tục chi trả tỷ lệ cổ tức và mua lại nhiều cổ phiếu quỹ hơn. Các hoạt động này từng bị Fed tạm dừng trong thời gian Covid-19 bùng phát. Wells Fargo tăng 2,6%, Bank of America tăng 1,9%, Morgan Stanley tăng 1,5% và JPMorgan Chase tăng 1%.

Về dữ liệu kinh tế khác, chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ tháng 6 tăng lên mức 85,5 vào tháng 6, giảm so với ước tính nhanh hồi giữa tháng là 86,4 nhưng cao hơn mức 82,9 của tháng 5, Đại học Michigan cho biết.

Kết thúc phiên 25/6, chỉ số Dow Jones tăng 237,069 điểm (+0,95%), lên 34.433,84 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 14,21 điểm (+0,33%), lên 4.280,70 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 9,32 điểm (-0,06%), xuống 14.360,39 điểm.

Kết thúc tuần, Dow Jones tăng 3,44%, S&P 500 tăng 2,74%, Nasdaq Composite giảm 2,35%.

Chứng khoán châu Âu duy trì đà tăng trong phiên thứ Sáu với dẫn dắt của nhóm cổ phiếu tài chính và vật liệu, kết thúc một tuần giao dịch khá tích cực.

Với việc Fed đưa ra các thông điệp khác nhau trong tuần này về độ nóng của lạm phát, dữ liệu PCE mới nhất của Mỹ giúp thị trường giảm bớt lo lắng Fed đột ngột cắt giảm các biện pháp kích thích.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 24/6 cũng nhắc lại rằng còn quá sớm để điều chỉnh chính sách tiền tệ ở châu Âu, trong khi Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng đã đưa ra thông điệp ôn hòa ngay cả khi họ thừa nhận lạm phát sẽ vượt mục tiêu 2%.

Kết thúc phiên 25/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 26,10 điểm (+0,37%), lên 7.136,07 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 18,74 điểm (+0,12%), lên 15.589,23. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 8,28 điểm (-0,12%), xuống 6.622,87 điểm.

Kết thúc tuần, FTSE 100 tăng 1,69%, DAX tăng 1,04%, CAC 40 tăng 0,82%.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục được thúc đẩy nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ và chu kỳ.

Chứng khoán Trung Quốc tăng khá mạnh nhờ nhóm cổ phiếu tài chính. Chứng khoán Hồng Kông theo chân thị trường Đại lục tăng mạnh, được thúc đẩy nhờ cổ phiếu công nghệ và vật liệu.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, đón nhận ảnh hưởng tích cực từ phố Wall và thỏa thuận cơ sở hạ tầng của Mỹ.

Kết thúc phiên 25/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 190,95 điểm (+0,66%), lên 29.066,18 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 40,91 điểm (+1,15%), lên 3.607,56 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 405,76 điểm (+1,40%), lên 29.288,22 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 16,74 điểm (+0,51%), lên 3.302,84 điểm.

Trong tuần, Nikkei 225 tăng 0,35%, Shanghai Composite tăng 2,34%, Hang Seng tăng 1,69%, KOSPI tăng 1,07%.

Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Sáu tăng nhẹ nhờ đồng USD yếu đi. Nhưng nhìn chung lực cầu vẫn còn rất thấp, do những ảnh hưởng từ những thông điệp cho thấy khả năng sớm tăng lãi suất trở lại sớm hơn dự kiến của Fed.

Kết thúc phiên 25/6, giá vàng giao tăng 7,00 USD (+0,39%), lên 1.774,50 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 1,10 USD (+0,06%), lên 1.777,80 USD/ounce. Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 17,7 USD/ounce, tương đương +1%.

Trong khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco với 13 chuyên gia trên phố Wall, có 7 người dự báo vàng sẽ tăng giá, 3 người cho rằng giá vàng giảm và có 3 dự báo giá vàng sẽ đi ngang.

Đối với khảo sát trực tuyến với 839 người tham gia, 54% tin rằng giá vàng sẽ tăng, 24% cho rằng giá vàng giảm và 22% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.

Giá dầu tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2018 vào thứ Sáu, đánh dấu tuần thứ năm liên tiếp tăng giá do kỳ vọng tăng trưởng nhu cầu sẽ vượt cung. Mọi con mắt đang đổ dồn vào OPEC+. Tổ chức này sẽ nhóm họp vào ngày 1/7 để thảo luận về việc nới lỏng thoả thuận cắt giảm sản lượng từ tháng 8.

Các yếu tố chính mà OPEC+ sẽ phải xem xét là sự tăng trưởng nhu cầu mạnh mẽ ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, được hỗ trợ bởi việc triển khai vắc-xin và các nền kinh tế mở cửa trở lại.

Viễn cảnh các lệnh trừng phạt đối với Iran được dỡ bỏ đã mờ nhạt khi một quan chức Mỹ cho biết, vẫn còn những khác biệt nghiêm trọng trong loạt vấn đề về việc Tehran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Kết thúc phiên 25/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,75 USD (+0,1%), lên 74,05 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,62 USD (+0,8%), lên 76,18 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,205.61 0.0 0.0% 762 tỷ
HNX 227.41 -0.45 -0.2% 29 tỷ
UPCOM 88.37 0.0 0.0% 0 tỷ