Nhận tín hiệu lạc quan, giới đầu tư mạnh tay xuống tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall tiếp tục thăng hoa trong phiên giao dịch hôm thứ Tư (10/3) khi dữ liệu kinh tế mới nhất xoa dịu nỗi lo lạm phát.
Nhận tín hiệu lạc quan, giới đầu tư mạnh tay xuống tiền

Đầu ngày thứ Tư, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2021 của Mỹ tăng 0,4% so với tháng trước đó và thêm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trùng khớp với dự báo của các chuyên gia.

Trong đó, giá xăng tăng 6,4% chiếm hơn một nửa mức tăng của CPI. Nếu loại trừ giá lương thực và năng lượng đầy biến động, chỉ số CPI ghi nhận tăng 0,1%.

Số liệu lạm phát vẫn ở mức trầm lắng đã giúp xoa dịu lo ngại về nguy cơ lạm phát xoắn ốc khi nền kinh tế phục hồi nhanh và chi phí đi vay cao sẽ cao hơn, nỗi lo đẩy lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt trong vài tuần qua. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 2 điểm cơ bản trong phiên đêm qua, còn 1,52%.

Ttrong khi đó, tâm lý thị trường còn được thúc đẩy bởi gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD. Dự luật về gói viện trợ trên đã được Hạ viện Mỹ thông qua vào hôm thứ Tư, mang lại cho Tổng thống Joe Biden chiến thắng lớn đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình. Dự luật dự kiến sẽ được ông Biden đặt bút ký vào cuối tuần này.

Một số khoản thanh toán tiền mặt 1.400 USD sẽ sớm được gửi đến cho hầu hết người Mỹ và theo giới quan sát, có thể số tiền trên sẽ được đổ vào thị trường chứng khoán, tạo sóng cho GameStop hay các cổ phiếu khác được các nhà đầu tư nhỏ lẻ hoạt động trên các diễn đàn trực tuyến yêu thích.

Kết thúc phiên 10/3, chỉ số Dow Jones tăng 464,28 điểm (+1,46%), lên 32.297,02 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 23,370 điểm (+0,60%), lên 3.898,81 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 4,99 điểm (+0,04%), lên 13.068,83 điểm.

Chứng khoán châu Âu phủ sắc xanh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, đánh dấu chuỗi 3 phiên tăng điểm liên tiếp. Dẫn đầu leo dốc là nhóm cổ phiếu viễn thông và chăm sóc sức khoẻ.

Kết thúc phiên 10/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 4,74 điểm (-0,070%), xuống 6.725,60 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 102,31 điểm (+0,71%), lên 14.540,25 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 65,68 điểm (+1,11%), lên 5.990,55 điểm.

Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên hôm qua. Chứng khoán Nhật Bản ít thay đổi khi sự nâng đỡ từ phía nhóm cổ phiếu công nghệ đã bù đắp cho đợt bán tháo chốt sổ cuối năm tài chính của các quỹ đầu tư trong nước.

Chứng khoán Trung Quốc ít biến động sau phiên chạm mức thấp nhất trong 3 tháng vào hôm thứ Ba đối với nhóm bluechips.

Chứng khoán Hồng Kông tăng điểm nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ, chịu ảnh hưởng tích cực từ phiên đêm trước trên phố Wall.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm phiên thứ năm liên tiếp do những bất ổn xung quanh thị trường chứng khoán Trung Quốc khiến các nhà đầu tư lo sợ, ngay cả sau khi phiên phục hồi trên phố Wall đêm trước nâng đỡ tâm lý thị trường.

Kết thúc phiên 10/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 8,62 điểm (+0,03%), lên 29.036,56 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 1,55 điểm (-0,05%), xuống 3.357,74 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 134,29 điểm (+0,47%), lên 28.907,52 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 18,00 điểm (-0,60%), xuống 2.958,12 điểm.

Giá vàng biến động tiếp tục đà phục hồi trong phiên giao dịch ngày thứ tư nhờ lợi suất trái phiếu và đồng USD giảm.

Kết thúc phiên 10/3, giá vàng giao ngay tăng 10,50 USD (+0,61%), lên 1.726,90 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 4,90 USD (+0,29%), lên 1.721,80 USD/ounce.

Giá dầu quay lại đà tăng trong phiên giao dịch hôm thứ Tư nhờ những dự báo khả quan về phục hồi kinh tế toàn cầu, bên cạnh số liệu cho thấy tồn kho xăng của Mỹ giảm mạnh, song đà tăng phần nào bị hạn chế do tồn kho dầu thô tăng sau cơn bão tuyết tại Texas hồi tháng trước.

Cụ thể, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), Dự trữ xăng của Mỹ giảm 11,9 triệu thùng trong tuần trước và các sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, giảm 5,5 triệu thùng, mức giảm trên nhiều hơn so với kỳ vọng của giới phân tích.

Tuy nhiên, các kho dự trữ dầu thô đã tăng 13,8 triệu thùng trong tuần trước, vượt xa dự báo tăng 816.000 thùng.

Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD) dự báo, nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng bởi đại dịch sẽ phục hồi với mức tăng trưởng 5,6% trong năm nay và 4% trong năm tới. Trước đó, OECD từng đưa ra dự báo, nền kinh tế toàn cầu năm nay sẽ chỉ tăng trưởng 4,2%.

Kết thúc phiên 10/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,43 USD (+0,7%), lên 64,44 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,38 USD (+0,6%), lên 67,90 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục