Nhận thức hạn chế, đầu tư yếu, y tế dự phòng thiếu cả người lẫn tiền

0:00 / 0:00
0:00
Quốc hội thảo luận kết quả giám sát tối cao về nguồn lực phòng chống dịch Covid-19 và y tế dự phòng.
Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội, Phó trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo kết quả giám sát. Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội, Phó trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo kết quả giám sát.

Một số địa phương có tỷ lệ chi cho y tế dự phòng chưa đạt 30% trên tổng chi ngân sách nhà nước cho y tế theo Nghị quyết số 18/2008/QH12 của Quốc hội.

Tiếp tục Kỳ họp thứ năm, sáng 29/5 Quốc hội dành cả ngày cho giám sát tối cao về nguồn lực phòng chống dịch Covid-19 và y tế dự phòng.

Trước khi thảo luận, Quốc hội nghe Đoàn giám sát của Quốc hội báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Báo cáo giám sát đầy đủ gửi đến các vị đại biểu Quốc hội phục vụ hoạt động này gồm 124 trang và 26 phụ lục.

Trình tóm tắt kết quả, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội, Phó trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết các khoản kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 đã được sử dụng đến 31/12/2022.

Cụ thể là hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trên 87.000 tỷ đồng; thực hiện chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu và các lực lượng khác tham gia chống dịch (quân đội, công an, y tế ...) là 4.487 tỷ đồng.

Mua vắc-xin phòng Covid-19 là 15.134 tỷ đồng; hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin phòng COVID-19 là 4,6 tỷ đồng; mua sắm kit xét nghiệm là 2.593 tỷ đồng; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm là 5.291 tỷ đồng; chi trả khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19 là 719 tỷ đồng; sàng lọc, thu dung, cách ly y tế là 89 tỷ đồng.

Hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp cơ sở điều trị Covid-19, cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến là 403 tỷ đồng; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin phòng, chống dịch Covid-19, Chương trình sóng và máy tính cho em, dạy học trực tuyến là 96 tỷ đồng; chi khác khoảng 2.600 tỷ đồng.

Theo kết quả giám sát, đại dịch Covid-19 đã thấy những yếu kém của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng. Tổ chức, bộ máy thay đổi nhiều qua các năm, trong khi nguồn nhân lực thiếu, chất lượng chưa bảo đảm; chính sách cho đội ngũ y bác sỹ không tương xứng với nhiệm vụ, công tác đào tạo chưa đáp ứng thực tiễn.

Đoàn giám sát chỉ rõ đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa được quan tâm đúng mức; điều kiện về thuốc, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất hạn chế. Khả năng cung ứng dịch vụ y tế ở tuyến huyện, tuyến xã chưa đáp ứng nhu cầu cơ bản của nhân dân; còn bất cập về cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ, chính sách về bảo hiểm y tế; vai trò của y tế dự phòng vẫn chưa được nhận thức đầy đủ và toàn diện.

Nguyên nhân, theo Đoàn giám sát, tỷ lệ chi cho y tế tuyến cơ sở trên tổng chi y tế toàn xã hội giảm từ 32,4% năm 2017 xuống 23,1% năm 2019. Tỷ trọng chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở đạt 34,5% năm 2022 trong đó tuyến xã chỉ đạt 1,7%.

Phân bổ chi thường xuyên ngoài lương cho trạm y tế xã còn thấp, có địa phương chỉ đạt 10-20 triệu đồng/trạm/năm, chỉ đủ chi điện nước, hành chính, không đáp ứng được kinh phí hoạt động chuyên môn. Trạm y tế xã không là đơn vị hạch toán độc lập mà hạch toán phụ thuộc y tế tuyến huyện trong khi lại chưa có quy định cụ thể về chi tiêu tại y tế xã.

Bên cạnh đó, tổng số cán bộ làm công tác y tế dự phòng từ trung ương đến tuyến huyện chỉ đáp ứng 42% nhu cầu nhân lực, thiếu hụt là khoảng 23.800 người. Trong đó bác sĩ y học dự phòng thiếu 8.075 người, cử nhân y tế công cộng thiếu gần 4.000 người.

Nhiều địa phương đã phản ánh tình trạng thiếu nhân lực y tế dự phòng , biên chế được giao không đủ số lượng và cơ cấu cán bộ theo quy định. Mặt khác do phải kiêm nhiệm một lúc nhiều nhiệm vụ, nhiều cán bộ tuyến huyện vừa thực hiện công tác điều trị vừa thực hiện công tác dự phòng nên hiệu quả công việc chưa cao.

Qua giám sát cũng cho thấy, thu nhập và chế độ đãi ngộ quá thấp, lại chịu nhiều áp lực trong bối cảnh dịch bệnh, nên cán bộ khó chuyên tâm công tác. Mức hỗ trợ cho y tế thôn, bản chỉ bằng 0,3 và 0,5 so với mức lương cơ sở (tương đương 447.000 và 745.000 đồng), không khuyến khích được họ duy trì công việc và là nguyên nhân chính người làm công tác y tế dự phòng chuyển công tác, xin nghỉ việc ngày càng tăng.

Trong 4 năm từ 2018-2021, tổng số bác sĩ tuyến xã giảm là 2.238 người, năm 2020 có số bác sĩ tuyến xã giảm nhiều nhất (giảm 1.114 người so với năm 2019), Chủ nhiệm Thúy Anh nhấn mạnh.

Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; đề nghị Chính phủ chậm nhất năm 2025, trình Quốc hội các dự án Luật có liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng, phòng thủ dân sự và tình trạng khẩn cấp.

Kiến nghị tiếp theo với Chính phủ là hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý tài sản công, hỗ trợ lãi suất, tự chủ tài chính, nhân lực, dược, thiết bị y tế , về tình trạng khẩn cấp, các quy định liên quan đến thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Chính phủ cũng cần nghiên cứu sửa đổi, ban hành văn bản về mua sắm, đấu thầu, đặc biệt về thuê tài sản, cung cấp thiết bị y tế sau khi trúng thầu hóa chất, sinh phẩm; nghiên cứu bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân viên y tế theo tinh thần của Nghị quyết số 27/2018 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, Đoàn giám sát đề nghị.

Sau khi nghe báo cáo và xem video minh họa, Quốc hội dành toàn bộ thời gian còn lại để thảo luận về kết quả giám sát.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục