Ông David Wong (ảnh), Quyền Tổng giám đốc Manulife Việt Nam chia sẻ với ĐTCK về “bức tranh” của ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam trong năm 2012.
Nói về tương lai ngành bảo hiểm năm 2012, hiện có nhiều ý kiến trái chiều nhau: người tự tin, người e ngại. Theo nhận định của ông, năm 2012, bảo hiểm nhân thọ Việt Nam sẽ đón nhận cơ hội hay thách thức nhiều hơn?
Tôi nghĩ rằng, những thách thức mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt trong năm 2011 khiến cho các nhà kinh tế học và các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn khi dự báo về tình hình kinh doanh của năm 2012. Do vậy, những ý kiến khác nhau về tương lai của ngành bảo hiểm nhân thọ là có thể hiểu được.
Theo tôi, tiềm năng của ngành bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam còn rất lớn khi mà mới có gần 10% thị trường được khai thác; nhận thức và nhu cầu của người dân về kế hoạch tài chính dài hạn ngày càng tăng. Sự cạnh tranh trên thị trường cũng sẽ mạnh mẽ hơn và có những sự chọn lọc khắt khe hơn, đòi hỏi về chất lượng dịch vụ và sản phẩm cao hơn.
Trải qua những khó khăn khủng hoảng, các DN cùng ngành tài chính như ngân hàng, chứng khoán đang bắt tay vào việc tái cấu trúc. Khối bảo hiểm cũng không ngoại lệ, Bộ Tài chính mới đây cũng công bố lộ trình sơ bộ cho việc tái cấu trúc ngành bảo hiểm. Nếu tái cấu trúc các công ty bảo hiểm nhân thọ, theo ông, sẽ bắt đầu từ đâu?
Khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, sẽ có một sự sàng lọc quyết liệt trên thị trường và chỉ những công ty có sản phẩm và dịch vụ tốt nhất mới có thể tiếp tục tồn tại. Với 125 năm kinh nghiệm trên toàn thế giới, Manulife đã chứng kiến và đi qua rất nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế một cách tự tin và sau đó phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn.
Riêng đối với ngành bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, yếu tố chất lượng dịch vụ là điều quan trọng nhất. Nhận thức của khách hàng về bảo hiểm nhân thọ đã khác trước đây, họ lựa chọn và gắn bó lâu dài với công ty có uy tín, chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt. Sự phát triển ồ ạt và bành trướng không tạo ra những lợi thế như ban đầu.
Manulife Việt Nam - một công ty bảo hiểm nhân thọ luôn được đánh giá phát triển chậm - chắc và ổn định, năm 2012 liệu có sự đột phá nào mới không?
Chúng tôi vẫn tiếp tục với chiến lược đầu tư và phát triển lâu dài của mình, đó là “Lớn mạnh cùng chất lượng”. Trong năm 2012, Công ty sẽ cho ra đời các sản phẩm tiên tiến hơn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, tiếp tục đầu tư cho kênh phân phối chính là lực lượng đại lý và đồng thời phát triển nhiều kênh phân phối khác như liên kết với các ngân hàng, cũng như các đối tác khác. Một điều quan trọng nữa là tập trung đào tạo và phát triển đội ngũ đại lý tận tâm và chuyên nghiệp. Cho đến nay, chúng tôi luôn tự hào Manulife là công ty có đội ngũ đại lý chuyên nghiệp nhất trên thị trường.
Trong năm 2011 vừa qua, Manulife đã được Tổ chức Bureau Veritas Certification của Anh Quốc - công ty chứng nhận hàng đầu thế giới - cấp Chứng nhận ISO 9001:2008 về hệ thống quản lý chất lượng. Đây chính là minh chứng cụ thể cho cam kết về chất lượng dịch vụ khách hàng của Manulife. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì hệ thống quản lý chất lượng dịch vụ này trong năm 2012 và trong những năm tiếp theo.
Việc ra đời ngày càng nhiều các công ty bảo hiểm nhân thọ, trong khi thị trường bảo hiểm Việt Nam chưa đáp ứng kịp về nhân lực đã khiến thị trường bảo hiểm trong thời gian vừa qua xảy ra khá nhiều lộn xộn. Ông có cho rằng, 13 công ty bảo hiểm nhân thọ hiện nay đã tạm đủ cho thị trường bảo hiểm còn non trẻ như Việt Nam?
Việt Nam là một thị trường nhiều tiềm năng để khai thác bảo hiểm với lượng dân số đông, cơ cấu dân số trẻ và tỷ lệ người tham gia bảo hiểm nhân thọ vẫn còn thấp. Sự tham gia của nhiều công ty vào thị trường sẽ giúp ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam phát triển chuyên nghiệp và lành mạnh hơn. Đây cũng sẽ là cơ hội cho người dân Việt Nam được lựa chọn nhiều sản phẩm đa dạng từ các công ty khác nhau.
Tôi tin rằng, với sự phát triển ngày càng chuyên nghiệp hơn của các công ty bảo hiểm nhân thọ, cùng những hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ thì quá trình phát triển của ngành bảo hiểm nhân thọ sẽ theo chiều hướng tích cực.