Nhân sự ngân hàng còn biến động mạnh

Nhân sự của các ngân hàng sẽ biến động mạnh trước sức ép tái cơ cấu, xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực này. Đây là cơ hội để các ngân hàng “vợt” nhân sự giỏi.
Ngân hàng là lĩnh vực có sự chuyển dịch nhân sự rất lớn Ngân hàng là lĩnh vực có sự chuyển dịch nhân sự rất lớn

Sức ép M&A

Tại Hội thảo “Phát triển nguồn vốn nhân lực ngành tài chính - ngân hàng” tổ chức sáng 10/10 tại Hà Nội, TS. Stephen Choo (Giám đốc nghiên cứu và chiến lược, Khối nghiên cứu khảo sát nhân viên, Tập đoàn Hay Group) cho biết, số lượng sinh viên ngành ngân hàng ra trường năm 2012 - 2013 lên tới 29.000 - 32.000 người, trong khi nhu cầu tuyển dụng của các ngân hàng chỉ 15.000 - 20.000 người. Việc nhân lực ngân hàng dư thừa không chỉ do đào tạo quá tải, mà còn do xu hướng M&A lan rộng.

Từ đầu năm đến nay, hoạt động tuyển dụng của các ngân hàng hầu như chững lại trước làn sóng M&A và áp lực tái cấu trúc hệ thống. Nhiều chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, việc Ngân hàng Nhà nước dự định “đóng cửa” nhiều hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thời gian tới cũng sẽ khiến các ngân hàng phải sàng lọc bớt nhân viên.

Một vấn đề khác không kém nóng bỏng trong quản trị nhân lực hiện nay là làm sao để nhân viên ngân hàng với các văn hóa doanh nghiệp khác nhau có thể kết nối được với nhau, giúp doanh nghiệp phát triển.

Ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Charter khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia cho rằng, việc này giống như chuyện mua cầu thủ bóng đá: mua cầu thủ giỏi thì dễ, song để họ chơi thành công trong đội bóng lại rất khó. Do vậy, để những nhân viên mới này phát huy tiềm năng, theo ông Louis Taylor, cần tăng cường giao tiếp và trao cho họ những cơ hội thăng tiến.

Trên thực tế, theo khảo sát, dù tỷ lệ nhân viên ngân hàng có ý định chuyển việc hiện nay không lớn (17%), song điều đáng nói là, trong số đó có một lượng khá lớn là lãnh đạo cấp cao của các ngân hàng. Từ năm 2011 đến nay, thị trường ngân hàng đã chứng kiến sự chuyển dịch lớn của các lãnh đạo cấp cao, chủ yếu chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng kia.

Việc luân chuyển lãnh đạo cấp cao của ngân hàng thời gian qua là tất yếu, gắn với định hướng tái cơ cấu từng ngân hàng. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy, nhân lực cấp cao của ngân hàng đang khan hiếm. Thời gian tới, khi làn sóng M&A ngân hàng tăng mạnh, việc luân chuyển cán bộ giữa các ngân hàng còn diễn ra. Đây là cơ hội để các ngân hàng “vợt” nhân tài của nhau, song cũng là bài học nhãn tiền để các ngân hàng sắp M&A phải sớm đưa ra chiến lược giữ nhân tài của mình, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MB, nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) gợi ý, trong bối cảnh khó khăn, phải cắt giảm chi phí đầu vào như hiện nay, các doanh nghiệp, ngân hàng có thể đưa ra cấu trúc lương linh hoạt dựa trên kết quả kinh doanh của đội ngũ nhân viên.

 

Nhân sự quản trị rủi ro đang “hot” nhất

Dù nhân lực ngân hàng có nguy cơ dư thừa, song một số bộ phận lại đang thiếu nhân lực trầm trọng. Theo bà Lê Mai Lan, Tổng giám đốc Viện Nhân lực ngân hàng - tài chính, vị trí mà các ngân hàng gặp khó khăn nhiều nhất trong tuyển dụng hiện nay là các cán bộ quản trị rủi ro, sau đó là chuyên gia đầu tư. Tuy nhiên, việc săn các giám đốc quản trị rủi ro không dễ, do lĩnh vực này ở Việt Nam còn khá mới mẻ, tìm được lãnh đạo quản trị rủi ro dày dạn kinh nghiệm tại các ngân hàng Việt là vô cùng khó.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam cảnh báo, nếu không gấp rút đào tạo một số lĩnh vực chuyên sâu, thời gian tới, nhiều chức danh lãnh đạo cấp cao trong ngân hàng sẽ phải tìm đến những người nước ngoài đảm nhận.

Trên thực tế, thời gian qua, nhiều ngân hàng đã phải cầu viện đến các công ty săn đầu người để tuyển mộ nhân sự ngoại về đảm nhận những vị trí cấp cao. Dĩ nhiên, đây là việc cực chẳng đã. Phó chủ tịch HĐQT một ngân hàng TMCP than thở: “Qua công ty săn đầu người, chúng tôi nhận được hồ sơ của nhiều ứng viên sáng giá đến từ châu Âu, châu Mỹ. Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi đau đầu là những ứng viên này chỉ có kinh nghiệm làm việc ở các nước có hệ thống ngân hàng phát triển, bài bản, chứ không phải ở những nước có thị trường ngân hàng đang ở giai đoạn đầu phát triển như Việt Nam”.

Hà Tâm (baodautu.vn)
Hà Tâm (baodautu.vn)

Tin cùng chuyên mục