Khảo sát của Robert Walters được thực hiện ở các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam và một số thị trường khu vực.
Kết quả cho thấy, cứ 50 người thì có 35 người trả lời họ đang tìm kiếm cơ hội chuyển việc trong năm 2014 với lý do hàng đầu là lương thưởng không phù hợp và thiếu cơ hội phát triển nghề nghiệp ở đơn vị hiện tại (chiếm 56%).
Ngoài ra, còn các yếu tố khác như ứng viên quan tâm đến cơ hội trong các lĩnh vực, ngành nghề mới (chiếm 34%), cơ hội thăng tiến (34%) và ở doanh nghiệp, tổ chức hiện tại quá lâu (24%).
Có 5 yếu tố khiến công việc mới hấp dẫn ứng viên bao gồm tăng lương (57,7%), có thêm kinh nghiệm (54,9%); cơ hội đào tạo và phát triển (43,7%), cơ hội làm việc ở trong vùng và nước ngoài (43,7%) và cơ hội thăng tiến (43,7%).
Robert Walters cũng tổng kết những lý do khiến ứng viên bỏ việc, trong đó đứng đầu là công việc hiện tại không còn thích hợp; môi trường làm việc hoặc sếp không phù hợp (63,4%); lương thấp hơn kỳ vọng (42,3%).
Kết quả này cho thấy, dù lương thưởng là lý do đầu tiên hấp dẫn ứng viên đến với một doanh nghiệp khác, nhưng công việc và cảm nhận của họ về môi trường làm việc cũng như dàn lãnh đạo, sếp quản lý trực tiếp là những lý do hàng đầu khiến họ quyết định đồng ý “cắn câu”.
Trong cuộc thăm dò của Hãng tư vấn, phần lớn các đối tượng tham gia đều mong muốn được tăng lương 30 - 40%. Điều gì khiến họ muốn tăng lương? 35,2% trả lời do công việc mới yêu cầu nhiều trách nhiệm hơn; tỷ lệ tương tự trả lời do công việc hiện tại yêu cầu nhiều kỹ năng và kinh nghiệm hơn; 15,5% trả lời do lạm phát tăng khiến chi phí cuộc sống đắt đỏ. Điều này cho thấy, phần lớn ứng viên muốn tăng lương, bởi họ phải làm thêm công việc hoặc phải gánh nhiều trách nhiệm hơn.
Trong cuộc khảo sát năm 2013, Robert Walters chỉ ra rằng, các ngành công nghệ thông tin, dược phẩm và công nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất.
Năm nay, nhu cầu nhân sự cấp cao trong các lĩnh vực tài chính - ngân hàng vẫn ổn định, trong khi các lĩnh vực khác như nhân sự, công nghệ thông tin, maketing, sản xuất đều tăng 10 - 20%.
Mặc dù các doanh nghiệp thích thuê nhân sự bản địa đảm nhận các vị trí quản lý, nhưng do thị trường nhân sự cấp cao tại Việt Nam đang thiếu hụt nghiêm trọng nên họ có xu hướng thuê người Việt Nam được học hành, đào tạo tốt ở nước ngoài về nước làm việc. Xu hướng này diễn ra mạnh mẽ năm 2013 và được dự báo tiếp tục tăng mạnh trong năm 2014.
Có nền tảng tốt, lại gần gũi về văn hóa giúp ứng viên nhanh chóng đảm nhận tốt công việc quản lý tại Việt Nam song vẫn có thể đảm nhận công việc trong vùng hoặc ở các thị trường quốc tế khi cần điều động. Những yêu cầu này khiến mặt bằng lương của nhân sự cấp cao trong tất cả các ngành có xu hướng tăng.
Đơn cử, mức lương cho vị trí kế toán năm 2013 dao động từ 12.000 - 26.000 USD/năm; tăng lên 12.000 - 32.000 USD/năm trong năm 2014; mức lương dành cho vị trí giám đốc tài chính dao động từ 66.000 - 122.000 USD/năm; quản lý rủi ro hưởng lương từ 26.000 - 48.000 USD/năm trong năm 2013 và tăng lên 28.500 - 53.000 USD/năm trong năm 2014; giám đốc quan hệ khách hàng hưởng lương 60.000 - 80.000 USD/năm trong 2013, tăng lên 66.000 - 88.000 USD/năm trong năm 2014…
John Whitehead, Giám đốc vùng của Robert Walters, cho rằng, nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp cao tại Việt Nam đang có những tiến triển tích cực hơn.
Đặc biệt, tới đây, khi Việt Nam hội nhập sâu hơn với thế giới, các doanh nghiệp nước ngoài có xu hướng tuyển dụng nhiều chuyên gia người Việt bên cạnh nguồn nhân lực Trung Quốc vốn được họ săn đón lâu nay. Hội nhập cũng tạo ra cơ hội làm việc và mức lương hấp dẫn cho nhân sự Việt trong thị trường lao động quốc tế.
Bà Lucia Real Martin, Giám đốc các thị trường mới nổi, ACCA, cũng cho rằng, khảo sát mới nhất của tổ chức này cho thấy, xu hướng ưu tiên tiếp cận và sử dụng nhân tài thay vì cân nhắc về chi phí đang trở nên phổ biến hơn trên thế giới.