Khoảng 10 doanh nghiệp thay đổi nhân sự cấp cao
Không có doanh nghiệp bảo hiểm nào ra thông báo thay “tướng” trong giai đoạn cuối năm 2017. Theo thống kê sơ bộ từ Bộ Tài chính, từ đầu năm đến nay chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp bảo hiểm thay đổi nhân sự cấp cao, chủ yếu diễn ra vào tháng 7 - 8.
Cụ thể, tại Tổng công ty Bảo hiểm PVI, ông Phạm Anh Đức nắm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên, thay ông Nguyễn Anh Tuấn. Bà Phạm Thị Ngọc Hương giữ chức Tổng giám đốc Công ty TNHH Bảo hiểm Tổng hợp Groupama Việt Nam, thay ông Phan Hữu Đức. Ông David Gareth Thomas, quốc tịch Anh, giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Manulife (Việt Nam); ông Lê Song Lai giữ chức Chủ tịch Bảo hiểm Bảo Minh (BMI).
Trước đó, hồi đầu năm, bà Jennifer Susan Sparks giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Generali Việt Nam, thay ông Wong Terence Yeuk. Ông John Lilburne Hunt, quốc tịch New Zealand, giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Bảo hiểm QBE Việt Nam, thay ông Bruce Anthony Howe. Ông Khamsaya Soukhavong, quốc tịch Pháp, giữ chức Tổng giám đốc của Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prevoir Việt Nam thay bà Lê Thúy Bình.
Riêng tại Công ty cổ phần Bảo hiểm Hùng Vương, trong năm 2017 cùng lúc thay đổi nhân sự vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc: ông Phạm Xuân Thông giữ chức Tổng giám đốc, thay bà Dương Bích Thủy; bà Phương Thanh Nhung giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, thay ông Nguyễn Văn Dành.
Ở dàn lãnh đạo cấp phó, ông Lê Hoài Nam sau một thời gian giữ cương vị Phó tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm phi nhân thọ Phú Hưng đã chuyển sang nắm giữ vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH).
Vị trí Tổng giám đốc BSH hiện nay vẫn là ông Lưu Thanh Tâm, dù cuối năm 2016, ông Tâm được thị trường đồn đoán sắp rời ghế “nóng”.
Tại Bảo hiểm Bảo Việt, đến thời điểm này vẫn chưa có Tổng giám đốc (quyền Tổng giám đốc do ông Đỗ Trường Minh đảm nhận).
Thực tế cho thấy, các CEO chịu áp lực trên nhiều chỉ tiêu như doanh số, thị phần, mức lãi ròng, lãi từ hoạt động kinh doanh, hiệu quả hoạt động, quỹ dự phòng nghiệp vụ cao trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt, tăng thị phần nhưng phải kiểm soát tốt chi phí… nên được các doanh nghiệp bảo hiểm lựa chọn rất kỹ.
Vị trí cấp “phó” phụ trách kinh doanh cũng được các doanh nghiệp bảo hiểm đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh doanh thu chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Bởi lẽ, nếu thiếu “phó” đủ “xung lực” sẽ khó tạo nên một lực lượng nhân sự đủ mạnh, đồng bộ để triển khai các hoạt động kinh doanh đạt hiệu quả cao.
Nhộn nhịp nhân sự “cấp nhánh”
Việc mở rộng mạng lưới các đơn vị thành viên các doanh nghiệp bảo hiểm nhằm tăng độ phủ, tăng cường công tác khai thác đã tạo nên nhu cầu rất lớn về nhân sự lãnh đạo cấp “nhánh”.
Trong năm 2017, khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thành lập hàng loạt chi nhánh, công ty thành viên; khối doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thành lập hàng loạt công ty thành viên, văn phòng tổng đại lý khiến nhân sự ở vị trí giám đốc các đơn vị này “sốt xình xịch”. Một số doanh nghiệp phải “câu” người ở công ty khác, hoặc trưởng các phòng ban phải kiêm nhiệm thêm vị trí giám đốc cấp “nhánh”.
Ở khối bảo hiểm nhân thọ, tháng 2/2017, Dai-ichi Life Việt Nam khai trương thêm 5 văn phòng tổng đại lý tại TP.HCM, Bình Dương, Hưng Yên, Hải Dương và Tuyên Quang. Từ tháng 3 đến giữa tháng 6/2017, Dai-ichi Life Việt Nam đồng loạt khai trương thêm 17 văn phòng, nâng tổng số lên 222 văn phòng trên toàn quốc. Từ cuối tháng 7 đến cuối năm, Hanwha Life đặt kế hoạch nâng điểm phục vụ khách hàng lên con số 100 tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ở khối phi nhân thọ, với mỗi công ty thành viên mới mở, các doanh nghiệp bảo hiểm đều đặt áp lực lên vai những giám đốc đơn vị. Nhẹ thì năm đầu tiên phải tạo ra chục tỷ đồng doanh thu, nặng thì hơn trăm tỷ đồng doanh thu.
Tại Bảo hiểm Bảo Việt, với mỗi công ty thành viên được mở mới, doanh nghiệp này hầu như đều đặt tham vọng tạo ra 100 tỷ đồng doanh thu sau 1 năm hoạt động. Với việc mở thêm đơn vị thứ hai tại địa bàn tỉnh Đồng Nai vào tháng 6/2017, tổng số công ty thành viên trên toàn quốc của Bảo hiểm Bảo Việt được nâng lên 78 công ty.
Một số bất cập
CEO của một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chia sẻ, năng lực lãnh đạo của không ít giám đốc công ty thành viên của họ còn yếu, cả về xây dựng kế hoạch lẫn triển khai, thiếu giải pháp thực tế. Cùng với đó, ý thức tuân thủ của nhân viên cấp “nhánh” không cao.
Theo đó, toàn hệ thống bị ảnh hưởng, giảm năng lực cạnh tranh. Trong khi doanh nghiệp chưa có giải pháp thay thế các nhân sự này thì các doanh nghiệp khác liên tục thành lập mới công ty thành viên, khiến áp lực tuyển dụng càng tăng.
Hệ quả, có doanh nghiệp mở thêm gần chục đơn vị thành viên nhưng quá nửa trong số đó đóng góp doanh thu rất thấp. Thành viên ban điều hành một tổng công ty bảo hiểm thừa nhận, đây là lỗi của họ, do công tác chuẩn bị trước khi thành lập còn yếu, khi lập phương án thành lập công ty thành viên chưa đánh giá chính xác năng lực của người đứng đầu cũng như tiềm năng, nguồn lực của địa bàn hoạt động.
Ban điều hành tổng công ty xác định, để xây dựng hệ thống vững mạnh, ngoài cần những thủ lĩnh đủ mạnh thì cần tạo ra bộ máy nhân sự từ tổng công ty đến các đơn vị thành viên theo hướng tinh gọn và hiệu quả, đồng thời tái cơ cấu những đơn vị yếu kém.
“Có doanh nghiệp đặt 2 - 3 công ty thành viên tại một địa bàn, trong khi toàn thị trường có đến 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, hầu hết đều chụm đầu vào khai thác. Tôi nghĩ, cần tinh giản, nếu không thì câu chuyện thiếu người năng lực còn kéo dài”, CEO một doanh nghiệp bảo hiểm nói.
Không chịu được sức ép, có giám đốc công ty thành viên đã phải rời ghế sau vài tháng và chuyển sang làm việc tại một doanh nghiệp bảo hiểm khác ở vị trí không liên quan đến khai thác kinh doanh. Bởi lẽ, áp lực về kinh doanh của cấp “tổng” dồn xuống cấp “nhánh” khiến họ chịu không nổi, nếu “chạy” theo doanh thu thì có thể sẽ phải làm sai quy trình.