Nhấn mạnh đến chất lượng tăng trưởng kinh tế

Một trong những nội dung sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 4 khai mạc ngày 23/10 là liệu có giữ mức tăng trưởng GDP năm nay là 6,7%, hay điều chỉnh tăng. TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, nên giữ mục tiêu tăng trưởng 6,7%, nhưng cần chú trọng đến chất lượng tăng trưởng.

Trong 9 tháng đầu năm, GDP tăng 6,41%, nên mục tiêu tăng trưởng 6,7% nhiều khả năng đạt, thậm chí vượt. Theo ông, liệu có nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng cao hơn?

Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ước tính tăng 5,73% - thấp rất xa so với mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,7%.

Trong Kỳ họp Quốc hội hồi đầu năm (Kỳ họp thứ 3), cũng có ý kiến đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. Vì để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% của cả năm thì 6 tháng cuối năm phải tăng 7,42% - tốc độ tăng trưởng chưa bao giờ đạt được kể từ năm 2011. Tuy nhiên, Quốc hội, Chính phủ vẫn kiên trì mục tiêu đã đặt ra, không điều chỉnh mục tiêu.

Trong 9 tháng đầu năm nay, GDP tăng trưởng 6,41%, nên theo tính toán, trong quý IV, GDP chỉ cần tăng 7,31% là sẽ cán đích mục tiêu đã đặt ra. Hoạt động sản xuất, kinh doanh bắt đầu khởi sắc từ quý II, tăng tốc vào quý III và hiện có nhiều tín hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP quý IV có khả năng vượt 7,31%, nên cũng có ý kiến cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm nay là khiêm tốn.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, vẫn phải kiên định mục tiêu đã đặt ra, vì để đạt được tốc độ tăng trưởng 7,31% trong quý IV năm nay cũng không phải dễ dàng và thực tế cho thấy, từ năm 2011 đến nay, chưa năm nào quý IV đạt được tốc độ tăng trưởng cao như vậy.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có quy luật là quý sau bao giờ cũng tăng cao hơn quý trước. Quý III, GDP tăng 7,46%, ông có nghĩ rằng, tốc độ tăng trưởng quý IV sẽ cao hơn con số 7,46%?

Đúng là tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta có quy luật là quý sau bao giờ cũng tăng cao hơn quý trước, năm nay lại có đặc biệt là quý sau tăng cao hơn quý trước rất nhiều.

 TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý II đạt 6,28% tức là cao hơn 1,13 điểm phần trăm; quý III lại cao hơn quý II tới 1,18 điểm phần trăm. Với tốc độ tăng trưởng này, nhiều người tính toán, tốc độ tăng trưởng của quý IV so với quý III chỉ cần như quý III so với quý II, tức là tăng thêm 1,18 điểm phần trăm nữa thì quý IV ít nhất cũng phải đạt 8,64%.

Tôi cũng lạc quan với triển vọng tăng trưởng kinh tế quý IV sẽ cao hơn quý III.

Vậy quan điểm cho rằng, vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% là quá thận trọng có cơ sở, thưa ông?

Cho dù tốc độ tăng trưởng kinh tế quý III có cao hơn 7,46%, nhưng chúng tôi vẫn giữ quan điểm là giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay là 6,7% vì tính toán GDP phải hết sức thận trọng, bởi vì liên quan đến nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác như bội chi, nợ công, chỉ số ICOR, thu ngân sách nhà nước…

Trong cuộc làm việc với trợ lý của Thủ tướng Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm mới đây, chúng tôi báo cáo nền kinh tế đã có nhiều chuyển biến và đạt được nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nhân trong cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, tiết giảm chi phí tiền bạc, thời gian, công sức cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thổi ngọn lửa khởi nghiệp mạnh mẽ hơn nữa, giảm tối đa chi phí cho doanh nghiệp và người dân... để kinh tế tiếp tục tăng trưởng mạnh trong quý IV, không được chủ quan, thỏa mãn, hài lòng với kết quả đã đạt được, bởi chỉ cần lơ là, chủ quan, thì tốc độ tăng trưởng trong quý IV cũng khó có thể đạt 7,31%.

Ông khẳng định là chất lượng nền kinh tế đang tốt lên. Có gì để chứng minh điều này?

Tốc độ tăng năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2017 cao hơn so với năm 2016, ước tăng khoảng 5,87% (năm 2016 tăng 5,29%), tính theo giá hiện hành ước đạt khoảng 93,2 triệu đồng/ lao động. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng GDP tiếp tục tăng.

Để đạt được tốc độ tăng trưởng 6,7%, chúng tôi tính toán tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm nay phải đạt ít nhất 1,782 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, qua kết quả giải ngân vốn đầu tư của khu vực nhà nước, khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 9 tháng đầu năm và ước tính 3 tháng cuối năm, chúng tôi tính toán, tổng mức đầu tư toàn xã hội năm nay chỉ vào khoảng 1,674 triệu tỷ đồng.

Vốn đầu tư toàn xã hội giảm, trong khi vẫn đạt mục tiêu tăng trưởng đã chứng minh chất lượng của nền kinh tế được cải thiện. Cụ thể, hệ số ICOR năm nay ước tính là 6,27 - giảm so với 6,41 của năm 2016.

Còn yếu tố nào chứng minh chất lượng nền kinh tế đã và đang được cải thiện nữa không, thưa ông?

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2017, Việt Nam tăng 9 bậc, từ vị trí thứ 91 lên vị trí thứ 82/190 nền kinh tế. Trong ASEAN, Việt Nam duy trì vị trí thứ 5/10 quốc gia thành viên ASEAN về xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu (xếp sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Brunei).

Còn theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2017 tăng 5 hạng, từ 60 lên 55/137. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam tháng 9/2017 đạt 53,3 điểm, cao nhất trong các nước ASEAN, thể hiện điều kiện kinh doanh tiếp tục cải thiện mạnh mẽ.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục