Đầu ngày thứ Năm, Bộ Lao động báo cáo, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm 38.000 đơn xuống còn 406.000 đơn trong tuần kết thúc vào ngày 22/5. Đây là mức thấp nhất ghi nhận được kể từ giữa tháng 3/2020 và đánh dấu tuần thứ tư liên tiếp con số này sụt giảm. Trước đó, các nhà kinh tế học dự đoán con số này sẽ ở mức 425.000 đơn.
Mặc dù con số trên vẫn cao hơn so với phạm vi 200.000 - 250.000 đơn, được coi là phù hợp với điều kiện thị trường lao động lành mạnh, nhưng cũng đã giảm từ mức kỷ lục 6,149 triệu vào đầu tháng 4/2020.
Trong một báo khác cũng được công bố vào thứ Năm, Bộ Thương mại Mỹ xác nhận, GDP nước đã tăng với tốc độ 6,4% trong quý I/2021, sau mức tăng trưởng 4,3% trong quý IV.
Đà tăng trưởng mạnh mẽ được duy trì vào đầu quý II. Bộ Thương mại cho biết, đơn đặt hàng đối với hàng hóa phi quân sự không bao gồm máy bay đã tăng 2,3% trong tháng 4.
Dữ liệu kinh tế lạc quan đã khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng, với trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 1,625% trong phiên và làm giảm sức hấp dẫn của nhóm cổ phiếu tăng trưởng, chẳng hạn như công nghệ, đồng thời hỗ trợ nhóm cổ phiếu nhiều khả năng hưởng lợi hơn từ nền kinh tế đang phục hồi và có vốn hóa nhỏ. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm vẫn nằm trong phạm vi ổn định, giúp kiểm soát mối lo ngại về lạm phát.
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong những ngày gần đây liên tục khẳng định, cơ quan này chưa sẵn sàng điều chình chính sách hỗ trợ hiện tại, mặc dù một số nguồn tin cho rằng họ đã sẵn sàng bắt đầu thảo luận về việc giảm chương trình mua trái phiếu.
Cũng trong ngày thứ Năm, Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ công bố đề xuất kế hoạch chi tiêu cơ sở hạ tầng trị giá 928 tỷ USD, nhằm phản đối đề xuất trị giá 1.700 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Đảng Cộng hòa một lần nữa phản đối ý định tăng thuế doanh nghiệp của ông Biden, cho rằng họ có thể trang trải chi phí cơ sở hạ tầng bằng quỹ đã được Quốc hội phân bổ hoặc bằng phí sử dụng phương tiện giao thông.
Kết thúc phiên 27/5, chỉ số Dow Jones tăng 141,59 điểm (+0,41%), lên 34.464,64 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,89 điểm (+0,12%), lên 4.200,88 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,72 điểm (-0,01%), lên 13.736,28 điểm.
Chứng khoán châu Âu hầu hết đóng cửa tăng điểm trong phiên ngày thứ Năm , được thúc đẩy bởi việc hãng máy bay Airbus này tăng mục tiêu sản xuất máy bay phản lực sau khi ngành hàng không phục hồi sau đại dịch. Trong khi đó, chứng khoán Đức suy yếu, ảnh hưởng bởi cổ phiếu của hãng sản xuất dược phẩm Bayer.
Kết thúc phiên 27/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 7,26 điểm (-0,010%), xuống 7.019,67 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 43,99 điểm (-0,28%), xuống 15.406,73. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 44,11 điểm (+0,69%), lên 6.435,71 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm trong bối cảnh các nhà đầu tư chốt lời sau đợt tăng gần đây, đồng thời việc gia hạn các biện pháp khẩn cấp ngừa Covid-19 có thể làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế trong nước.
Chứng khoán Trung Quốc tăng khi dữ liệu công nghiệp lùi bước đã giúp giảm bớt lo lắng về việc thắt chặt chính sách, trong khi một số dấu hiệu tích cực về quan hệ Trung - Mỹ cũng thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư.
Chứng khoán Hồng Kông giảm nhẹ, chịu áp lực bởi áp lực chốt lời ở nhóm cổ phiếu tài chính và bất động sản.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm nhẹ do lo ngại ngân hàng trung ương sắp xem xét cắt giảm các biện kích thích khẩn cấp.
Kết thúc phiên 27/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 93,18 điểm (-0,33%), xuống 28.549,01 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 15,49 điểm (+0,43%), lên 3.608,85 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 52,81 điểm (-0,18%), xuống 29.113,20 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 2,92 điểm (-0,09%), xuống 3.165,51 điểm
Giá vàng phiên ngày thứ Năm giảm nhẹ do đồng USD ổn định, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng làm giảm sức hấp dẫn của vàng. Tính từ đầu tháng 5 đến nay, giá vàng vẫn tăng hơn 7%. Trong phiên 26/5, giá vàng đã có lúc vượt lên trên ngưỡng kháng cự 1.900 USD/ounce. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư tin tưởng vào khả năng vàng có thể bước vào chu kỳ tăng giá mới.
Kết thúc phiên 27/5, giá vàng giao ngày giảm 0,90 USD (-0,05%), xuống 1.895,90 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 5,50 USD (-0,29%), xuống 1.895,70 USD/ounce.
Giá dầu tăng trong phiên ngày thứ Năm, được hỗ trợ bởi dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ, bù đắp những lo ngại của các nhà đầu tư về khả năng tăng nguồn cung từ Iran.
Triển vọng nguồn cung của Iran tái gia nhập thị trường đã gây áp lực lên giá dầu những phiên gần đây. Iran và các nước lớn đã bắt đầu đàm phán từ tháng 4 về việc Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran, bao gồm cả lĩnh vực năng lượng của nước này, để đổi lại việc Iran tuân thủ các hạn chế đối với hoạt động hạt nhân. OPEC+ sẽ có cuộc họp vào ngày 1/6 về vấn đề này.
Các nhà phân tích nhận định, nguồn cung nào từ Iran sẽ tăng từ từ. JP Morgan ước tính Iran có thể tăng thêm 500.000 thùng/ngày vào cuối năm nay và thêm 500.000 thùng/ngày vào tháng 8 năm sau.
Kết thúc phiên 27/5, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,64 USD (+1%), lên 66,85 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,59 USD (+1%), lên 69,46 USD/thùng.