TA focus (phiên 4/9): Chỉ nên canh mua hàng tốt ở những vùng hỗ trợ mạnh

(ĐTCK) Sau phiên 3/9, để giảm thiểu rủi ro, nhà đầu tư nhỏ lẻ có lẽ chỉ nên canh mua hàng tốt ở những vùng hỗ trợ mạnh của VN-Index.
TA focus (phiên 4/9): Chỉ nên canh mua hàng tốt ở những vùng hỗ trợ mạnh

Kết phiên giao dịch ngày 3/9/2019, VN-Index chốt ở 979,36 điểm, giảm 4,7 điểm (-0,48%) với khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 126 triệu đơn vị, giá trị 2.467 tỷ đồng.

Về mặt kỹ thuật

VN-Index có ngày giao dịch đầu tháng mới tương đối tiêu cực. Ngoại trừ phiên ATO xanh nhẹ, thì chỉ số đỏ phần lớn thời gian còn lại. Trong phiên, rất ít mã trụ có vận động ấn tượng, hầu hết là giảm gây nhiều bất lợi cho VN-Index.

Giao dịch diễn ra cầm chừng và tẻ nhạt khiến khối lượng khớp lệnh không tăng được, tâm lý nhà đâu tư có vẻ e dè và không mặn mà vào hàng cho lắm. Ngược lại, bên bán liên tục gia tăng áp lực khi thời gian trôi về cuối phiên. Cung tăng mạnh mà cầu không đủ đáp ứng, bên mua không thể lật ngược tình thế đẩy chỉ số suy yếu dần, khép lại ngày giao dịch không mấy suôn sẻ.

Chart Daily

VN-Index hình thành cây nến đỏ khá tệ, gần như phủ nhận toàn bộ nỗ lực tăng của phiên hôm trước khiến nỗi lo nhịp phục hồi đang suy yếu là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, trên đồ thị, chỉ số chưa xuyên thủng được đường MA20 (978,9) phần nào cũng còn chút hy vọng.

Mặt khác, đường MA50 (977,4) cũng xuất hiện ngay phía dưới, hình thành lên khu vực hỗ trợ động tương đối mạnh. Không dễ để chỉ số có thể xuyên qua một cách đơn giản.

Chỉ báo MACD vẫn duy trì dưới đường Signal và hướng về mốc 0 đang là tín hiệu rất đáng ngại. RSI cũng đã quay ngoắt xuyên thủng ngưỡng 50, tuy không nhiều nhưng cũng phản ánh động lượng tăng của VN-Index đang suy giảm nghiêm trọng.

Rất có thể những phiên sắp tới, VN-Index sẽ test đáy kênh tầm quanh 970. Trong trường hợp không thủng, thì cũng chẳng đáng ngại, nhịp hồi phục kỹ thuật sẽ sớm xuất hiện. Nhưng ngược lại, khu vực đáy gần nhất 955 - 957 sẽ là chốt chặn tiếp theo đủ khả năng ngăn chặn đà giảm của chỉ số.

Với hệ thống Ichimoku, VN-Index đang biến động giữa 2 đường Tenkan và Kijun, bộ 3 đường này đang khá sát đám mây hiện tại. Giá đang có xu hướng đi vào khu vực mây này (tầm 978-968), mặc dù độ dày chỉ là 10 điểm, tương đối mong manh.

Tuy nhiên, suốt từ giữa tháng 7 đến giờ, trải qua nhiều phiên sóng gió, khu vực mây đóng vai trò hỗ trợ này vẫn chưa lần nào để VN-Index xuyên qua. Thực tế này cho hy vọng, khu vực mây này sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh, ngăn chặn thành công đà giảm của chỉ số khi thị trường gặp khó khăn.

Chart 1hour

Ở khung thời gian này, VN-Index dường như đang muốn dò đáy kênh (tầm 976-977 điểm). Với áp lực bán như thanh Bar cuối cùng đã thể hiện ở phiên 3/9, thì khả năng xuyên thủng kênh có lẽ không hề nhỏ. Hiện tại, chỉ số cũng đóng cửa nhỏ thua cả MA20, thiết lập 1 giao cắt khá tệ. Hơn nữa, chỉ báo Stochastic cũng đang cắm đầu về ngưỡng quá bán cũng là những tín hiệu không mấy khả quan. Rất có thể, trong 1 vài giờ tới, VN-Index sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh.

Tóm lại, không dòng dẫn dắt cùng tâm lý bị đè nặng trước nhiều thông tin bên ngoài khó lường khiến động lực thoát hàng bất ngờ tăng mạnh. Tình thế đột nhiên khó khăn hơn khi chứng kiến chỉ số giảm không quá sâu, nhưng nhiều mã bị chốt thẳng tay quá mạnh, dấy lên nỗi lo tiền đang được gom về và sẽ tiếp tục rình rập.

Điều này cũng đồng nghĩa cửa tăng đang hẹp lại, nhưng cửa giảm mạnh bất chấp mọi ngưỡng hỗ trợ như đã phân tích nhiều lần là khó có khả năng xảy ra.

Do vậy, sau phiên 3/9, để giảm thiểu rủi ro, nhà đầu tư nhỏ lẻ có lẽ chỉ nên canh mua hàng tốt ở những vùng hỗ trợ mạnh của VN-Index.

Hải Đăng, Trưởng bộ phận phân tích kỹ thuật, TVSI Ngọc Khánh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ