Nhà đầu tư ngắn hạn có thể gặp thêm các phiên khó khăn

(ĐTCK) Đồng USD mạnh lên, hay đồng euro mất giá khá mạnh so với đồng USD trở thành tiêu điểm của thị trường chứng khoán toàn cầu cũng như thị trường chứng khoán trong nước tuần qua.
Tỷ giá EUR/USD - Nguồn: Bloomberg Tỷ giá EUR/USD - Nguồn: Bloomberg

1 đồng EURO hiện đổi được 1,06 đồng USD, giảm 13% so với đầu năm nay và giảm 24% so với cùng thời điểm năm ngoái và là mức thấp nhất so với đồng USD trong hơn một thập kỷ qua, khi chương trình mua trái phiếu QE của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu vào tuần trước. Theo kế hoạch, ECB sẽ mua khoảng 60 tỷ EURO mỗi tháng cho đến tháng 9/2016, tổng giá trị dự kiến hơn 1.000 tỷ EURO.

Tỷ giá euro mua vào niêm yết trên ACB phiên cuối tuần ở mức 22.534 đồng, giảm 13% so với đầu năm và 23% so với cùng thời điểm 2014.

Việc mất giá của đồng euro sẽ tác động đến xuất khẩu của Việt Nam, khi các nước châu Âu nói chung nhập khẩu khoảng 28 tỷ USD (tương đương 19% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 150 tỷ USD của Việt Nam vào năm ngoái). Trong đó, điện thoại di động và linh kiện, giày dép, dệt may, máy vi tính và linh kiện, cà phê và thủy sản sẽ là những ngành chịu tác động mạnh nhất khi đang đóng góp tương ứng 30%, 13%, 7%, 5% và 5% vào tổng kim ngạch xuất khẩu đi châu Âu.

Nhờ mặt hàng tôm có tăng trưởng xuất khẩu vào châu Âu đạt 66,7% trong năm 2014, ngành thủy sản vừa trải qua một năm 2014 rất ấn tượng. Do tôm Việt Nam nhận được nhiều lợi thế ở thị trường châu Âu như chất lượng cao, thuế nhập khẩu thấp… so với sản phẩm cùng loại từ thị trường Thái Lan, Ấn Độ, chúng tôi kỳ vọng tác động của việc giảm giá đồng euro vào các doanh nghiệp niêm yết xuất khẩu tôm như MPC, FMC, CAD, CMX… sẽ không đáng kể.

Ở chiều nhập khẩu, Việt Nam nhập khoảng 8,8 tỷ USD hàng hóa từ châu Âu (tương đương 6% tổng kim ngạch nhập khẩu) trong năm ngoái, nên việc đồng euro giảm giá về lý thuyết có thể làm giá cả hàng hóa tiêu dùng giảm đôi chút. Bất kể kỳ nghỉ lễ Tết dài vừa qua, CPI tháng 2 giảm 0,25% so với cuối năm ngoái, gây lo ngại cho các nhà làm luật. Tuy nhiên, nhìn kỹ hơn vào rổ hàng hóa, có thể thầy hầu hết các thành phần đều tăng giá.

Thực tế, tiêu dùng cuối cùng (điều chỉnh lạm phát) trong 2 tháng đầu năm vẫn tăng 10% so với cùng kỳ, trải đều từ bán lẻ, lưu trú đến các dịch vụ khác, cho thấy cầu tiêu dùng tiếp tục cải thiện. Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng một chút lạm phát gây ra bởi việc tăng giá điện bán lẻ thêm 7,5%, lên mức trung bình 1.622 đồng/kWh từ hôm nay (16/3) và giá xăng trong nước tăng thêm 10% lên mức 17.286 đồng/lít đối với xăng A92 sẽ giúp duy trì sự tăng tốc của nền kinh tế.

Thị trường chứng khoán tiếp tục tích lũy tuần thứ 3 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước, VN-Index giảm 1,3%, còn 586,1 điểm cùng với giá trị và khối lượng giao dịch cả tuần giảm khoảng 30% so với tuần trước đó. Tương tự, trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 1,2%, còn 85,72 điểm, khối lượng giảm 22% và giá trị giảm 14%.

Về mặt kỹ thuật, với khối lượng giảm dần trong khi thị trường điều chỉnh, việc VN-Index vừa tiếp cận đường trung bình 20 ngày là dấu hiệu tích cực cho thị trường trong các tuần tới. Tuy nhiên, do độ rộng thị trường hiện chưa củng cố xu hướng tăng, nên nhà đầu tư ngắn hạn có thể sẽ gặp thêm các phiên giao dịch khó khăn trong tuần này.

CTCK ACBS

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,193.01 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 226.2 0.0 0.0% 1,701 tỷ
UPCOM 88.15 0.0 0.0% 623 tỷ