Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Trong khi hầu hết các cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị đều giao dịch khởi sắc thì các mã trong nhóm ngành điện lại có tuần giao dịch kém khả quan. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.
Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

* BVSC và MBS khuyến nghị tích cực dành cho DRC

BVSC đưa ra khuyến nghị OUTPERFORM với mức giá mục tiêu 1 năm là 28.655 đồng/cổ phiếu, ứng với mức lợi nhuận kỳ vọng 20,7% cùng với tỷ lệ P/E hợp lý và tỷ lệ EV/EBITDA hợp lý năm 2020 là 13,2 lần và 6,2 lần.

Bên cạnh đó, với diễn biến giảm giá mạnh của giá than, MBS điều chỉnh tăng dự phóng lợi nhuận sau thuế 2019 của doanh nghiệp lên 181 tỷ đồng, biên lợi nhuận ròng tăng từ 4% năm 2018 lên mức 4,2% trong năm 2019. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu DRC với giá mục tiêu 26.200 đồng/cp

Mặc dù kết quả kinh doanh quý III/2019 được dự báo tăng trưởng khả quan với doanh thu ước đạt 1.010 tỷ đồng, tăng 8% và lợi nhuận trước thuế ước đạt 90 tỷ đồng, tăng mạnh 131% so với cùng kỳ, nhưng diễn biến cổ phiếu DRC chỉ giữ mức tăng nhẹ mà chưa có đột phá.

Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng trong biên độ hẹp và duy nhất 1 phiên giảm ngày đầu tuần 7/10, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DRC tăng 250 đồng/Cp (+1,05%) từ mức 23.750 đồng/Cp lên 24.000 đồng/Cp. So với mức giá mục tiêu mà MBS đưa ra là 26.200 đồng/CP, thị giá hiện tại của DRC còn thấp hơn 8,4%.

* PHS khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu NTP với mức giá hợp lý 41.535 đồng/CP

Bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền DCF và định giá so sánh với mức PE lịch sử trung bình 5 năm, mức giá hợp lý cho cổ phiếu NTP ở mức 41.535 VND/cổ phiếu, tương đương PE Forward 10.50x, ứng với mức upside 6.77%, từ đó có khuyến nghị Nắm giữ đối với cổ phiếu này.

Tuần qua, Nhựa Tiền Phong đã thông báo, ngày 28/10 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông phát hành thêm hơn 8,92 triệu cổ phiếu thưởng do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ thực hiện 10%. Thông tin này đã tiếp sức giúp NTP có phiên giao dịch 9-10/10 khởi sắc, tuy nhiên, áp lực chốt lời trong phiên cuối tuần 11/10 khiến cổ phiếu này hạ độ cao.

Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm, 2 phiên tăng và 1 phiên đứng giá ngày đầu tuần 7/10, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NTP tăng 600 đồng/Cp (+1,54%) từ mức 39.000 đồng/Cp lên 39.600 đồng/Cp.

* KIS khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với HPG

Chúng tôi định giá cổ phiếu của HPG ở mức 28.000 đồng vào cuối năm 2020. Duy trì khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu HPG.

Sau tuần đầu tháng 10 liên tục điều chỉnh, cổ phiếu HPG đã lấy lại thăng bằng và có những nhịp hồi. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên giảm ngày 10/10, 1 phiên tăng ngày 8/10 và 3 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HPG tăng nhẹ 150 đồng/Cp (+0,7%) từ mức 21.350 đồng/Cp lên 21.500 đồng/Cp.

* Theo BSC, cổ phiếu HVN sẽ tăng trở lại ngưỡng 39-40

Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã cắt lên dải mây ichimoku cho thấy nhịp tăng giá trong trung hạn đã hình thành. Như vậy, HVN nhiều khả năng sẽ tăng trở về ngưỡng kháng cự cũ tại ngưỡng giá 39-40 trong các phiên giao dịch tới.

Không nằm ngoài phân tích của BSC, diễn biến cổ phiếu HVN tuần qua khá khởi sắc. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HVN tăng 1.950 đồng/Cp (+5,88%) từ mức 33.150 đồng/Cp lên 35.100 đồng/Cp.

* MBS khuyến nghị khả quan dành cho PAC với giá mục tiêu 34.300 đồng/CP

Hiện tại, PAC đã đầu tư mua 8,7ha đất tại Khu công nghiệp An Phước để xây dựng Nhà máy ắc quy mới cũng như phục vụ Nhà máy ắc quy Đồng Nai di dời theo kế hoạch. Hiện tại dự án vẫn đang chờ Vinachem phê duyệt kế hoạch đầu tư. Chúng tôi cho rằng đây sẽ là động lực tăng trưởng của PAC trong dài hạn khi nhà máy được xây dựng và đưa vào hoạt động. Trên cơ sở đó chúng tôi khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu PAC với giá mục tiêu 34.300 đồng/cp.

Mặc dù được đánh giá triển vọng trong tương lai khá tích cực nhưng diễn biến cổ phiếu PAC tuần qua kém khởi sắc do chịu áp lực bán chốt lời sau tuần tăng khá tốt đầu tháng 10. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm, 1 phiên đứng giá ngày cuối tuần 11/10 và 1 phiên tăng nhẹ ngày đầu tuần 7/10, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PAC giảm 1.650 đồng/Cp (-5,59%) từ mức 29.500 đồng/Cp xuống 27.850 đồng/Cp.

* BVSC, VCSC và BSC khuyến nghị tích cực dành cho POW

VCSC có khuyến nghị mua cho POW (giá mục tiêu 17.700 đồng/cổ phiếu và mức sinh lời dự phóng 39,0%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,3%).

Bên cạnh đó, BVSC khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu POW với mức giá mục tiêu là 17.300 VND/CP.

Còn BSC cho rằng, chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã cắt lên dải mây ichimoku cho thấy nhịp tăng giá trong trung hạn đã hình thành. Như vậy, POW nhiều khả năng sẽ tăng trở về ngưỡng kháng cự cũ tại ngưỡng giá 14.5-15 trong các phiên giao dịch tới.

Không được như kỳ vọng của các công ty chứng khoán, diễn biến cổ phiếu POW tuần qua vẫn tiếp diễn trạng thái biến động giằng co nhẹ. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu POW giảm nhẹ 100 đồng/Cp (-0,78%) từ mức 12.850 đồng/Cp xuống 12.750 đồng/Cp.

* VCSC khuyến nghị mua NT2, BVSC khuyến nghị trung lập

VCSC cho rằng, NT2 (giá mục tiêu 29.200 đồng/cổ phiếu và mức sinh lời dự phóng 31,9%, bao gồm lợi suất cổ tức 9,2%.

Trong khi đó, BVSC tiếp tục duy trì khuyến nghị NEUTRAL đối với cổ phiếu NT2. Mức giá mục tiêu cho NT2 theo Phương pháp DCF là 21.800 VND/CP, thấp hơn 9,2% so mức giá đóng cửa ngày 27/09/2019 là 24.050 VND/CP.

Tương tự, người anh em cùng ngành điện với POW là NT2 cũng có tuần giao dịch không mấy tích cực. Cụ thể, với việc đón nhận 1 phiên giảm, 2 phiên tăng nhẹ và 2 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NT2 cũng giảm nhẹ 100 đồng/Cp (-0,42%) từ mức 23.750 đồng/Cp xuống 23.650 đồng/Cp.

* BVSC khuyến nghị nắm giữ dành cho PPC

BVSC lưu ý thêm về những thách thức về khả năng tỷ lệ Qc tiếp tục sụt giảm cũng như giá điện theo hợp đồng của Phả Lại 1 có thể sẽ bị giảm sau đàm phán. Cùng với việc cổ phiếu PPC đang giao dịch (giá đóng của tại ngày 27/09/2019 là 26.000 VND/CP) cao hơn mức giá mục tiêu theo phương pháp FCFF là 19,2% thì chúng tôi khuyến nghị chỉ nên nắm giữ PPC với mục tiêu đầu tư theo cổ tức.

Không nằm ngoài nhận định của BVSC, những thách thức về khả năng tỷ lệ Qc tiếp tục sụt giảm cũng như giá điện theo hợp đồng của Phả Lại 1 có thể sẽ bị giảm sau đàm phán, đã tác động không mấy tích cực đến diễn biến cổ phiếu PPC tuần qua. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PPC giảm 1.050 đồng/Cp (-4,02%) từ mức 26.100 đồng/Cp xuống 25.050 đồng/Cp.

* Theo BSC, cổ phiếu VCB sẽ sớm tiếp cận mục tiêu 90

Thanh khoản có chiều hướng tăng trở lại. Các chỉ báo kỹ thuật đang ở trạng thái tích cực, trong đó RSI chưa chạm đến vùng quá mua, cho thấy dư địa tăng trong ngắn hạn vẫn còn nhiều. Theo đánh giá của chúng tôi, VCB sẽ sớm tiến đến tiếp cận mục tiêu tiếp theo tại khu vực xung quanh 90.

Vừa qua, Vietcombank đã công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm nay với lợi nhuận hợp nhất đạt kỷ lục 17.592 tỷ đồng, tăng 50,6% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 85,8% kế hoạch cả năm. Thông tin tích cực này đã tiếp sức giúp cổ phiếu lớn ngành ngân hàng tiếp tục xác lập đỉnh lịch sử mới trong tuần vừa qua. Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VCB tăng 2.300 đồng/Cp (+2,77%) từ mức 83.000 đồng/Cp lên 85.300 đồng/Cp.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho CII với giá mục tiêu 29.700 đồng/CP

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho CII với giá mục tiêu 29.700 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức sinh lời dự phóng 34,6%, bao gồm lợi suất cổ tức 13,1%.

Mặc dù trong đầu tuần, CII vẫn duy trì được đà tăng khá tốt nhưng áp lực bán gia tăng ở những phiên cuối tuần đã khiến cổ phiếu này mất điểm. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm, 1 phiên tăng ngày 8/10 và 1 phiên đứng giá ngày đầu tuần 7/10, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CII giảm nhẹ 150 đồng/Cp (-0,61%) từ mức 24.450 đồng/Cp xuống 24.300 đồng/Cp.

* Theo VCSC, cổ phiếu PHR hấp dẫn với mức giá mục tiêu 75.700 đồng/CP

Chúng tôi cho rằng định giá của PHR có thể hấp dẫn vì chúng tôi ước tính sơ bộ giá trị tài sản ròng của PHR vào khoảng 10,3 nghìn tỷ đồng, hay 75.700VND/cổ phiếu.

Sự chuyển đổi từ doanh nghiệp cao su thành “ông lớn” ngành bất động sản khu công nghiệp đã giúp nhà đầu tư kỳ vọng vào tương lai của PHR tạo động lực cho cổ phiếu này bứt phá mạnh kể từ đầu năm 2019. Trong tuần qua, PHR tiếp tục duy trì đà tăng với việc đón nhận 3 phiên giảm nhẹ và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PHR tăng 1.700 đồng/Cp (+2,8%) từ mức 60.800 đồng/Cp lên 62.500 đồng/Cp.

T.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ