Cổ phiếu cần quan tâm ngày 4/6

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 4/6 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 4/6

CSV: Khuyến nghị tích cực

CTCK Bảo Việt (BVSC)

BVSC khuyến nghị OUTPERFORM với giá mục tiêu 24.200 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu của CTCP Hóa chất cơ bản miền Nam (mã CSV) phù hợp đầu tư giá trị với những điểm nhấn đầu tư chính:

Nguồn cung hóa chất trong nước mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Trong đó nhu cầu sản phẩm Xút NaOH vốn là sản phẩm chủ đạo của CSV rất lớn. Đây cũng là một trong những sản phẩm trọng tâm trong quy hoạch phát triển ngành hóa chất Việt Nam với công suất cung ứng trong tương lai dự kiến khoảng 900.000 tấn/năm.

Nhu cầu hóa chất tại Việt Nam tương đối lớn do sản phẩm là đầu vào trong các lĩnh vực tiêu dùng và sản xuất công nghiệp thiết yếu,

SCV là đơn vị có uy tín thương hiệu cả trong tập đoàn Hóa chất Vinachem lẫn ngoài tập đoàn, lợi thế SCV sở hữu hệ thống khách hàng truyền thống nên doanh thu và lợi nhuận hàng năm khá ổn định.

Hiện CSV đang giao dịch tại mức P/E hấp dẫn hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành hóa chất. Cổ phiếu CSV có lợi thế về các chỉ tiêu hoạt động khi so sánh với các công ty hóa chất niêm yết như DGC, LAS, HVT. Tỷ trọng lãi gộp, lãi hoạt động và lãi ròng đều cao hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành. Tình hình tài chính lành mạnh, dòng tiền dồi dào.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cần chú ý đến rủi ro di rời bắt buộc 3 nhà máy tại khu công nghiệp Biên Hòa 1 của CSV 2018 – 2020. Ước tính CSV sẽ cần khoảng 2.700 tỷ đồng – 3.000 tỷ đồng để thực hiện di rời nhà máy, gây áp lực tài chính lớn và cổ phiếu sẽ bị pha loãng nếu CSV thực hiện tăng vốn. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần cân nhắc tới rủi ro giá nguyên liệu và áp lực cạnh tranh.

Dự báo 2015. Tăng trưởng nhẹ với doanh thu đạt 1.545 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 165 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2014, EPS tương ứng 3.312 đồng. Trong năm 2015, CSV được hưởng lợi giá nguyên vật liệu giảm mạnh 20% so với năm ngoái, tuy nhiên do tác động ngược chiều từ việc giá điện tăng 7,5% bắt đầu từ quý II/2015 nên kết quả kinh doanh được dự báo tăng trưởng nhẹ.

PVS: Khuyến nghị mua trung và dài hạn

CTCK BIDV (BSC)

Chúng tôi khuyến nghị MUA trung và dài hạn cổ phiếu PVS với giá mục tiêu 12 tháng là 30,498 đồng/cổ phiếu (tăng 19% so với mức giá ngày 25/05/2015) dựa trên phương pháp định giá FCFF với kỳ vọng giá dầu sẽ phục hồi và duy trì ở mức khoảng 65 USD/thùng trong nửa cuối năm 2015.

Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam là doanh nghiệp lớn nhất chuyên cung cấp các dịch vụ kỹ thuật cho ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam với 6 dịch vụ chính gồm (1) Dịch vụ cơ khí dầu khí; (2)Dịch vụ cung ứng tàu chuyên dụng; (3)Dịch vụ khảo sát địa chấn, địa chất công trình và khảo sát sửa chữa công trình ngầm bằng ROV; (4)Dịch vụ vận hành, bảo dưỡng (O&M), vận chuyển, lắp đặt, đầu nối, chạy thử, sửa chữa các công trình dầu khí; (5)Dịch vụ căn cứ cảng; (6)Dịch vụ kho nổi chứa xử lý và xuất dầu thô.

Kết quả kinh doanh quý I/2015 chưa suy giảm: việc giá dầu giảm mạnh và ở mức thấp đã khiến khối lượng và giá các dịch vụ cung cấp của doanh nghiệp suy giảm, dẫn đến doanh thu quý I/2015 của PVS giảm 13% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 4,955 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc tàu FPSO Lam Sơn đi vào hoạt động từ tháng 6/2014 giúp mảng FSO/FPSO tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, đồng thời các cảng thương mại của doanh nghiệp tiếp tục duy trì sự tăng trưởng ổn định đã giúp bù đắp cho việc suy yếu của các dịch vụ khác. Nhờ vậy, lợi nhuận sau thuế của PVS trong quý I/2015 đã tăng 16% so với cùng kỳ, đạt 276 tỷ đồng.

Có thể vượt kế hoạch kinh doanh 2015 : năm 2015, PVS đặt kế hoạch 27,000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 965 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, giảm lần lượt 15% và 47% so với thực hiện năm 2014. Trước diễn biến suy giảm mạnh của giá dầu, PVN chủ trương cắt giảm giá các dịch vụ từ 15-30%. Tuy nhiên, chính sách của ban lãnh đạo PTSC là tăng cường chất lượng dịch vụ, bổ sung các gói sản phẩm thay vì giảm giá dịch vụ nên hiện tại giá dịch vụ FSO/FPSO và tàu dịch vụ dầu khí chưa có sự suy giảm mạnh. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh tìm kiếm các hợp đồng ở khu vực khác ngoài lãnh thổ Việt Nam như Malaysia, Australia, Ấn Độ, Brunei, Myanmar... Đồng thời, doanh nghiệp cũng bổ sung ngành nghề kinh doanh để có thể thực hiện các công trình xây lắp trên bờ, bù đắp cho việc cắt giảm các công trình xây lắp ngoài khơi (offshore). Căn cứ vào kết quả kinh doanh quý I và triển vọng các quý còn lại năm 2015 cùng với dự báo xu hướng giá dầu sẽ tăng trở lại trong 6 tháng cuối năm, chúng tôi nhận định PVS sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2015.

Nhận định của BSC: chúng tôi nhận định kết quả kinh doanh của PVS sẽ suy giảm trong năm 2015 tuy nhiên vẫn có khả năng vượt kế hoạch. BSC dự báo năm 2015, PVS sẽ đạt 28,227 tỷ đồng doanh thu và 1,466 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương đương EPS 2015 đạt 3,163 đồng/cổ phiếu.

DHC: Khuyến nghị tích lũy

CTCK Rồng Việt (VDSC)

DHC hiện đang là cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư quan tâm khi kết quả kinh doanh ngày càng cải thiện và sự kỳ vọng một sự đột biến từ dự án Giao Long II sắp được triển khai. Vì vậy, nhân cơ hội trao đổi với đại diện doanh nghiệp, chúng tôi sẽ thông tin nhanh đến nhà đầu tư về tình hình hoạt động cũng như các bước chuẩn bị cho nhà máy Giao Long II.

Trong 2 tháng đầu quý II này, đà gia tăng trong nhu cầu giấy carton tiếp tục là nhân tố thúc đẩy kết quả kinh doanh của DHC. Mặt khác, định hướng cơ cấu tỷ lệ giấy Testliner lên 50% cũng đem lại những cải thiện tích cực. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ testliner đã chạm mốc 46% trong khi tỷ lệ này trong năm 2014 là 30%. Về yếu tố đầu vào, trong quý I vừa qua, DHC đã tận dụng cơ hội sụt giảm của giá OCC (170 USD/tấn) để dự trữ với khối lượng lớn. Theo chia sẻ của doanh nghiệp, lượng hàng này đủ phục vụ sản xuất cho đến tháng 10/2015. Vì vậy, trước tình hình hồi phục của giá OCC xuất phát từ nhu cầu gia tăng của Trung Quốc (200 USD/tấn hiện nay), lo ngại về tác động đến biên gộp trong quý II và quý III sẽ không quá lớn. Thêm vào đó, giá trấu cũng giảm 13% so với đầu năm, ở mức 880 đồng/kg.

Vì vậy trong tháng 4 và ước tính tháng 5, DHC sẽ ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế khoảng 5,5 tỷ/ tháng. Như vậy, tính chung 5 tháng đầu năm, DHC đã hoàn thành 51% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2015. Theo ước tính, lợi nhuận sau thuế quý II của DHC sẽ vào khoảng 16 tỉ đồng, tăng ~ 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về dự án Giao Long giai đoạn II, sau giai đoạn chọn nhà thầu cung cấp máy móc tại Trung Quốc, DHC gần như đã thống nhất công suất thiết kế 500.000 tấn/ngày với tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng. Trong ĐHCĐ vào cuối tháng 6 tới, ban lãnh đạo DHC sẽ trình kế hoạch chi tiết về dự án Giao Long II để xin ý kiến cổ đông. Để chuẩn bị vốn cho việc đặt cọc với nhà thầu, DHC sẽ tiến hành phát hành 6 triệu cổ phiếu (5 triệu cho cổ đông chiến lược) trong tháng 7. Dự kiến gói thầu cung cấp và lắp ráp sẽ kéo dài 1,5 năm và bắt đầu vận hành thương mại từ giữa năm 2017. Chúng tôi đánh giá, dự án này chính là nhân tố quan trong nhất trong bước tiến dài hạn của doanh nghiệp. Với giá đóng cửa ngày hôm nay tại 22.000 VND/cp, DHC đang giao dịch thấp hơn 16% so với giá mục tiêu của chúng tôi (26.200 đồng/cp). Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục tích lũy cổ phiếu này.

TRA: PE đang giao dịch ở mức 11,4 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

TRA đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2015 rất tốt với doanh thu tăng 59% n/n, đạt 461,1 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 39,6 tỷ đồng, hơn gấp đôi mức lợi nhuận đạt được trong quý I/2014.

Nhắc lại, do áp lực cạnh tranh trong phân khúc đông dược tăng cao, cùng với việc TRA đã trải qua một giai đoạn tăng trưởng nhanh trước đó (2011-2013) với mức tăng doanh số bình quân khoảng 25%/năm, HĐKD của công ty đã phải đối mặt với khá nhiều khó khăn trong năm 2014. Đặc biệt là trong quý I/2014, khi TRA mới bắt đầu thay đổi chính sách bán hàng, doanh thu và lợi nhuận sau thuế đã giảm lần lượt 33,1% và 43,8% n/n.

Không nằm ngoài kỳ vọng của chúng tôi, chính sách bán hàng mới đã giúp doanh số của TRA cải thiện, tăng nhẹ trở lại từ quý II/2014. Mặc dù kết quả tốt đạt được trong quý I/2015 không thật sự quá bất ngờ nhưng với kết quả này, có thể cho rằng phần lớn khó khăn đã

đi qua, TRA đã có thể quay lại mức hoạt động bình. So với kết quả quý I/2013, doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý I/2015 tăng gần 6% và 17%.

TRA chi nhiều cho các khoản chiết khấu thanh toán và chiết khấu bán hàng trong quý I/2015 làm chi phí tài chính tăng và tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu cũng tăng từ 28,6% trong quý I/2014 lên 30,5% trong quý I/2015. Tuy nhiên, với chiến lược bán hàng mới tập trung vào khách hàng bán lẻ, điều này là khá hợp lý. Ngược lại, ở chiều tích cực hơn, biên lợi nhuận gộp đã cải thiện trở lại một cách đáng kể, đạt 45,8% trong quý I/2015, so với mức 38,7% của quý I/2014. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế quý I/2015 tăng mạnh hơn rất nhiều so với doanh thu. Kết thúc quý I/2015, TRA đã hoàn thành 24,8% và 20,8% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2015.

TRA đang giao dịch ở mức 11,4 lần PE 2015, xấp xỉ BQ ngành.

CTD: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Theo Nghị quyết ĐHCĐ 2015, CTCP Xây dựng Cotec (CTD) sẽ chi trả cổ tức năm 2014 bằng tiền mặt với tỷ lệ 50%. Ngày mai 3/6/2015 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức. Khoản cổ tức tiền mặt này sẽ được thanh toán vào ngày 19/6/2015. Đây là mức cổ tức cao hơn hẳn so với tỷ lệ chi trả 20% trong các năm trước. Với tỷ lệ cổ tức 50%, lợi suất cổ tức đạt mức 6,4%. ĐHCĐ 2015 cũng đã thông qua tỷ lệ cổ tức tiền mặt năm 2015 là 30%, tương đương lợi suất cổ tức 3,8%.

Trong quý I/2015, CTD tiếp tục ghi nhận tăng trưởng cao với doanh thu hợp nhất tăng 30,2% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế tăng 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt đạt 1.596,8 tỷ và 73,7 tỷ. Điểm đáng lưu ý là tỷ suất lợi nhuận từ hoạt động SXKD cải thiện đôi chút, tăng lên 4,2% so với 3,6% trong cùng kỳ quý I/2014, một phần đáng kể là nhờ chi phí dự phòng phải thu khách hàng trong quý I/2015 chỉ ghi nhận 2 tỷ, so với 16,7 tỷ trong cùng kỳ. Trong quý, giá trị các khoản phải thu từ khách hàng đã giảm hơn 400 tỷ (-19%) so với cuối năm 2014, cho thấy việc thu hồi công nợ được thực hiện khá tốt.

Chúng tôi giữ nguyên dự báo doanh thu 2015 đạt 8.769 tỷ, tăng 14,9% so với năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt 369,7 tỷ, tăng 12,9% so với năm ngoái. EPS 2015 ước tính đạt 8.775 VND/cổ phiếu. CTD giao dịch với P/E 2015 là 8,9x. Duy trì khuyến nghị Nắm giữ.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ