Bàn tròn tuần mới: Nên ưu tiên rót tiền vào nhóm cổ phiếu nào?

(ĐTCK) VCB đã lập đỉnh lịch sử mới trong tuần giao dịch vừa qua, nhưng chưa đủ sức giúp VN-Index chinh phục mốc 1.000 điểm. Trong tuần mới, sau nhóm ngân hàng, đâu là nhóm cổ phiếu nên ưu tiên trong giai đoạn hiện tại?
Bàn tròn tuần mới: Nên ưu tiên rót tiền vào nhóm cổ phiếu nào?

Mặc dù thanh khoản thị trường chưa có sự thay đổi mạnh nhưng sự sôi động đáng kể của nhiều bluechips, đặc biệt VCB đã lập đỉnh lịch sử đã giúp VN-Index tăng mạnh trong phiên cuối tuần, những vẫn “lỗi hẹn” mốc 1.000 điểm. Tuần tới, thị trường có được tiếp thêm độc lực để vượt qua ngưỡng tâm lý này không, theo các ông/bà?

Ông Phan Dũng Khánh Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Kim Eng Securities ltd

Việc thị trường vượt mốc 1.000 là hoàn toàn có khả năng xảy ra, khi mục tiêu này đã quá gần rồi ! nhưng cái đáng lo là việc vượt này có bền vững hay không khi hồi tháng 3 năm nay VN-Index cũng vượt qua nhưng giảm điểm ngay sau đó.

Bàn tròn tuần mới: Nên ưu tiên rót tiền vào nhóm cổ phiếu nào? ảnh 1

Ông Phan Dũng Khánh.

Thanh khoản hiện tại dù có cải thiện nhưng vẫn đứng ở mức thấp trong năm và chỉ năm mức trung bình năm ngoái một chút. Nhưng số lượng cổ phiếu niêm yết mới cũng như niêm yết bổ sung tăng lên cùng với việc tỷ trọng giao dịch của khối ngoại giảm liên tiếp 3 tháng với thanh khoản toàn thị trường giảm thì niềm tin về việc VN-Index vững vàng trên mốc 1.000 là không nhiều.

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc khu vực miền Bắc, Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Từ tháng 6/2019, tại MBS Talk 17, tôi đã đưa ra quan điểm về một Uptrend kéo dài đến tết âm lịch với mục tiêu là 1.200. Đến nay thị trường vẫn đang ủng hộ cho quan điểm đó, tuy nhiên tôi có điều chỉnh lại 1 chút về mức giá mục tiêu là 1.100 +/- 30 trước tết âm lịch thay vì mốc 1200 như trước đây.

Tôi dự báo lần này mốc 1.000 sẽ dễ dàng vượt qua và trụ vững trong 2 tuần đầu của tháng 10 (tăng vượt 1.000 và điều chỉnh giảm nhưng trụ vững trên 1000, sau đó lại tăng tiếp). Mốc kỹ thuật mà tôi thấy quan trọng nhất là ngưỡng 1.024, nếu ngưỡng này vượt qua được thì mốc 1.100 +/- 30 mà tôi đưa ra sẽ dễ dàng vượt trước tết âm lịch.

Mọi người cần chú ý rằng, hiện nay chỉ có VN-Index là vẫn lình xình và dưới 1.000 khiến nhiều nhà đầu tư chán nản, nhưng thực tế là VN30 và nhiều mã cơ bản tốt đã tăng trưởng khá tốt trong 3 tháng vừa qua. Nếu chỉ nhìn vào VN-Index và những mã thị trường quen thuộc chưa tăng thì nhà đầu tư sẽ không thể thấy được thị trường đã chuyển hóa tích cực thế nào trong 3 tháng qua và dự kiến sẽ còn tăng kéo dài trong 3 - 5 tháng tới.

Về mặt ngắn hạn, tôi nhận thấy từ tuần sau, thị trường sẽ có sự đồng pha của các lớp cổ phiếu, từ các mã vốn hóa lớn cho đến các mã thị trường nên vượt 1.000 và trụ vững trên 1.000 với tôi không phải là quá khó khăn.

Hơn nữa cuối tuần vừa qua chúng ta đón nhận thêm thông tin tích cực dó là GDP Việt Nam 9 tháng đạt 6,98% so với cùng kỳ - mức cao nhất trong gần 1 thập kỷ, với thông tin này thì dòng tiền lớn sẽ tự tin hơn để đổ vào thị trường Việt Nam.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Nhìn chung, các thông tin vĩ mô trong 9 tháng đầu năm sắp được công bố dự kiến sẽ vẫn theo chiều hướng tích cực (GDP tăng trưởng tốt, chỉ số PMI đạt mức trên 50 điểm, lạm phát tỷ giá ổn định, FDI giải ngân tích cực, cán cân thương mại thặng dư…), tuy nhiên, tôi đánh giá mức độ tác động lên thị trường là không quá lớn do đây là yếu tố đã được thị trường kỳ vọng từ trước.

Việc VN-Index chớm vượt mốc điểm này ngay trong tuần tới là hoàn toàn có khả năng xảy ra, tuy nhiên tôi không đánh giá cao khả năng chỉ số này sẽ vượt xa mốc 1.000 điểm 1 cách bền vững trong thời gian tới.

Xu thế giảm lãi suất, chính sách tiền tệ nới lỏng là 1 trong những nguyên nhân khiến giới đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc hơn trong quý IV. Về mặt tổng thể, ông/bà có góc nhìn như thế nào về thị trường ở quý cuối năm?

Ông Phan Dũng Khánh Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Kim Eng Securities ltd

Đầu tiên việc giảm lãi suất do NHNN điều chỉnh ở những lãi suất điều hành, vốn chỉ tác động tới thị trường liên ngân hàng chứ chưa thật sự tác động tích cực đến khu vực dân cư, khi mà giờ đây lãi suất kỳ 6 tháng đã có ngân hàng vừa mới cho vượt qua mức 8% khi mà trước đây gửi kỳ hạn 1 năm cũng khó có mức lãi suất này.

Ngoài ra, lãi suất giảm, nhưng cơ quan quản lý vẫn yêu cầu tập trung cho vay vào lĩnh vực thiết yếu chứ không phải vay thoải mái vào các lĩnh vực rủi ro như CK, BĐS... Do đó, theo tôi xu hướng thị trường có sự tích cực hơn so với giai đoạn giữa năm, nhưng sẽ không quá mức tích cực như những dự báo thị trường có thể vượt đỉnh cũ năm 2018.

Bên cạnh đó yếu tố bên ngoài như thương chiến và ngay cả việc hạ lãi suất hàng loạt trên thế giới về mặt lâu dài gây lo ngại về cuộc chiến tiền tệ nhiều hơn như ECB vừa hạ lãi suất về mức -0,5% (trước đó là -0,4%) vốn đã âm rồi nhưng kinh tế khu vực này liên tục đi xuống gây lo ngại nhiều hơn là tác động tích cực. Mặc dù vậy sóng nhóm ngành, cổ phiếu riêng lẻ vẫn sẽ diễn ra và thị trường phái sinh vẫn duy trì được sự sôi động trong quý IV này.

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc khu vực miền Bắc, Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Chừng nào lãi suất còn giảm và có xu thế giảm thì thị trường còn xu thế tăng trong trung hạn. Vừa qua FED và một loạt NHTW  các nước hạ lãi suất (trong đó có Việt Nam hạ 1 loạt lãi suất điều hành), với tôi đó là tin tốt cho xu thế của thị trường trong quý IV và có thể kéo dài tới quý I năm 2020. Và dự báo VN-Index sẽ kiểm định ngưỡng 1100 +/- 30 trước tết âm lịch.

Tuy nhiên đánh giá về mặt hạ lãi suất ảnh hưởng đến nền kinh tế và thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn thì tôi lại cho rằng, việc hạ lãi suất này sẽ ảnh hưởng rất tích cực đến thị trường tài sản nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng trong khoảng 6 tháng - 1 năm tới, chứ sản xuất thì không được lợi nhiều lắm.

Bởi tôi đánh giá chúng ta đang ở nhịp cuối của chu kỳ tăng trưởng nên việc hạ lãi suất này sẽ không làm tiền chẩy vào sản xuất mà chỉ thúc đẩy dòng tiền đầu cơ đổ vào thị trường tài sản.

Bàn tròn tuần mới: Nên ưu tiên rót tiền vào nhóm cổ phiếu nào? ảnh 2

Ông Dương Văn Chung.

Chính việc này mà tôi dự báo thị trường sẽ xuất hiện bong bóng tài sản sau 6 tháng - 1 năm tới và tôi dự báo thị trường sẽ có cú đổ vỡ lớn trước khi bầu cử Tổng thống Mỹ vào cuối 2020.

Đó là dự báo của tôi về tác động của việc hạ lãi suất trong trung và dài hạn, hiện nay thị trường chưa xuất hiện bong bóng thì hãy nên tập trung để tận hưởng Uptrend 3 - 5 tháng tới thay vì lo sợ thái quá.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Về tổng thể, tôi đánh giá môi trường đầu tư trong quý IV có phần thuận lợi hơn các quý trước trong năm 2019 khi mà hàng loạt các NHTW đã thực hiện hóa việc cắt giảm lãi suất giai đoạn cuối quý III và kỳ vọng chính sách nới lỏng tiền tệ này sẽ tiếp tục duy trì trong quý IV. Bên cạnh đó, Mỹ - Trung đã cho thấy một vài dấu hiệu hợp tác trong cuộc họp gần nhất diễn ra tại Washington vừa qua.

Tuy nhiên, các yếu tố rủi ro tiềm ẩn vẫn có thể quay trở lại, trong đó có thể kể đến các yếu tố như khả năng đàm phán Mỹ - Trung đi vào bế tắc, FED không tiếp tục phát đi tín hiệu ôn hòa như thị trường kỳ vọng, trong khi sự suy giảm tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn khác cho dấu hiệu trầm trọng hơn (Châu Âu, Trung Quốc…).

Trong khi đó, ở trong nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vốn hóa vừa và nhỏ đã bắt đầu phát đi các tín hiệu kém khả quan, bất chấp các chỉ tiêu vĩ mô vẫn được đảm bảo trong tầm kiểm soát.

Với những cơ sở trên, tôi cho rằng triển vọng thị trường trong quý IV sẽ có diễn biến tích cực hơn 3 quý đầu năm, mặc dù duy trì đánh giá 1 nhịp bứt phá mạnh của VN-Index là khó xảy ra.

Bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết 3 quý đầu năm 2019 đã sớm được dự báo sẽ giảm đà tăng trưởng so với cùng kỳ. Còn quan điểm của các ông/bà? Điều này sẽ tác động như thế nào đên thị trường khi các doanh nghiệp công bố chính thức?

Ông Phan Dũng Khánh Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Kim Eng Securities ltd

Dự báo này đã được phản ánh phần nhiều vào giá nên khó có sự tác động xấu thêm (trừ khi có các thông tin khác). Ngoài ra thị trường hiện tại bị tác động nhiều hơn từ các yếu tố quốc tế nên thông tin này theo tôi chỉ chiếm tỷ trọng vừa phải tác động đến thị trường. 

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc khu vực miền Bắc, Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Theo nghiên cứu ban đầu của chúng tôi thì dự báo kết quả kinh doanh sẽ khởi sắc từ quý IV trở đi, nhưng với thông tin cuối tuần về GDP 9 tháng đầu năm thì có khả năng cao kết quả kinh doanh sẽ chớm khởi sắc từ ngay quý III rôì và quý IV sẽ khá rực rỡ.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Trên bình diện toàn thị trường, tôi nhận thấy kết quả kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết trong 6 tháng đầu năm đã phát đi tín hiệu kém lạc quan hơn, (đặc biệt ở nhóm doanh nghiệp vốn hóa vừa và nhỏ), nếu so với mức tăng trưởng cao của 2 năm trước đó (2017-2018).

Bàn tròn tuần mới: Nên ưu tiên rót tiền vào nhóm cổ phiếu nào? ảnh 3

Ông Trần Đức Anh.

Xu hướng trên nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì trong quý III. Tuy nhiên, tăng trưởng ở nhóm doanh nghiệp vốn hóa lớn dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao và là bệ đỡ quan trọng cho biến động thị trường trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh.

Nếu có cơ hội, đâu là nhóm cổ phiếu được ưu tiên hơn ở thời điểm này, theo các ông/bà?

Ông Phan Dũng Khánh Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Kim Eng Securities ltd

Sau nhóm ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp, thì nhóm chứng khoán, công nghệ, tiêu dùng theo tôi kỳ vọng sẽ nhận được sự quan tâm của dòng tiền ngắn hạn.

Vì thị trường chỉ cần giữ ổn định các nhóm này cũng được hưởng lợi nhất là hiện nay 4.0, Fintech được nhắc nhiều hơn vì vậy cũng hỗ trợ các nhóm ngành trên nhiều hơn.

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc khu vực miền Bắc, Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Với yếu tố chu kỳ giai đoạn cuối năm và việc hạ lãi suất, tôi cho rằng nhóm cổ phiếu được hưởng lợi nhiều nhất chính là nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng, tài chính, bán lẻ và các cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc VN30 (nếu VN-Index vượt 1.024 thành công thì tôi dự báo dòng vốn lớn sẽ đầu cơ mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn để kéo chỉ số tăng trưởng mạnh).

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Với việc mùa báo cáo kết quả kinh doanh đang đến gần, tôi cho rằng cổ phiếu của các doanh nghiệp có khả năng bứt phá về tăng trưởng lợi nhuận, thuộc các ngành ngân hàng, công nghệ, hàng tiêu dùng… dự kiến sẽ thu hút tốt được sự quan tâm của dòng tiền và là nhóm cổ phiếu nên được ưu tiên trong việc lựa chọn cho danh mục đầu tư ở thời điểm hiện tại.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ