Nhận định thị trường phiên giao dịch chứng khoán ngày 1/7: Ngưng mua mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Yếu tố thanh khoản thấp một lần nữa tái khẳng định rằng, lực cầu hiện tại vẫn đang tương đối yếu trong khi lực cung là hiện hữu.
Nhận định thị trường phiên giao dịch chứng khoán ngày 1/7: Ngưng mua mới

Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 1/7.

Ngưng mua mới

CTCK Kiến Thiết Việt Nam (CSI)

Lực cầu trên nhóm Midcap và Penny trong hai phiên gần đây gần như bất động mà chưa có động thái gì mới. Thậm chí, trong khi nhóm vốn hóa lớn vẫn đang miệt mài làm nhiệm vụ kéo thị trường, thì chúng tôi nhận thấy dấu hiệu chốt lời xuất hiện trên nhiều nhóm khác như chứng khoán, dầu khí.

Yếu tố thanh khoản thấp một lần nữa tái khẳng định rằng, lực cầu hiện tại vẫn đang tương đối yếu trong khi lực cung là hiện hữu.

Dựa trên các diễn biến ở thời điểm hiện tại, mặc dù chưa xuất hiện tín hiệu nào quá tiêu cực, song chúng tôi vẫn mạnh dạn đổi khuyến nghị sang trạng thái ngưng mua mới.

Thời điểm hiện tại chúng ta cần quan sát nhiều hơn hành động, chúng tôi cho rằng, cần phải có sự cải thiện của lực cầu là yếu tố tiên quyết để có thể quay trở lại với vị thế mua.

Nhà đầu tư nên hạn chế mua đuổi cổ phiếu

CTCK MB (MBS)

Thị trường đang ở vùng cản mạnh nơi có mặt của đường cản trên kéo dài từ năm 2020, do vậy áp lực chốt lời sau 4 phiên tăng liên tiếp là kịch bản thường gặp.

Điểm tích cực là thanh khoản phiên này đã giảm so với 2 phiên đầu tuần cho thấy, áp lực bán ở vùng cản đã có dấu hiệu giảm, trong khi đó khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh.

Phiên giảm nhẹ hôm nay không làm xu hướng tăng thay đổi, thị trường có thể đi vào vùng phân hóa nhằm tránh áp lực bán đối với nhóm cổ phiếu bluechips cũng như trong nhóm VN30.

Do vậy, nhà đầu tư nên hạn chế mua đuổi cổ phiếu, trong khi có thể tận dụng hồi trong phiên để cơ cấu danh mục.

Hạ tỷ trọng xuống mức thấp nếu xuất hiện phiên phân phối lớn

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Sau khi chỉ số vượt đỉnh, với xung lực tăng điểm đang có dấu hiệu suy yếu đi kèm sự sụt giảm của khối lượng giao dịch, chúng tôi duy trì quan điểm thận trọng và lưu ý rủi ro thị trường sẽ bước vào nhịp điều chỉnh nếu có thêm một phiên phân phối (giảm mạnh về cuối phiên với khối lượng lớn) xác nhận.

Nhà đầu tư được khuyến nghị tập trung vào việc quản lý tỷ trọng ở mức vừa phải và ưu tiên cho các vị thế ngắn hạn.

Sau khi chốt lời quay vòng một phần danh mục, nhà đầu tư cần tiếp tục hạ tỷ trọng xuống mức thấp nếu thị trường xuất hiện phiên phân phối lớn như đã đề cập.

Tham gia vào nhóm ngân hàng, chứng khoán và thép

CTCK Asean (Asean Securities)

Dự báo trong phiên tới, VN-Index có thể sẽ có quán tính giảm điểm để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.400-1.405 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.390-1.395 điểm.

Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.

Chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư có thể xem xét tham gia với tỷ trọng nhỏ ở những phiên điều chỉnh kỹ thuật. Trong đó, nên lựa chọn các nhóm cổ phiếu đang thu hút dòng tiền, và được đánh giá triển vọng tích cực trong năm 2021 như ngân hàng, chứng khoán và thép.

VN-Index có thể sẽ dời về khu vực quanh 1.400 điểm

CTCK BIDV (BSC)

Dòng tiền đầu tư tiếp tục suy giảm và chỉ còn 7/19 nhóm ngành tăng điểm. Trong khi đó, khối ngoại mua ròng trên sàn HSX và bán ròng trên sàn HNX.

Ngoài ra, độ rộng thị trường duy trì trạng thái tiêu cực với thanh khoản suy giảm so với phiên trước. Theo đánh giá của chúng tôi, VN-Index có thể sẽ dời về khu vực quanh 1.400 điểm trong phiên tới.

Tăng tỷ trọng vào nhóm thép, chứng khoán, ngân hàng và bất động sản

CTCK Vietinbank (CTS)

Xét trong ngắn hạn T+3, VN-Index cho thấy dấu hiệu tạo đỉnh ngắn hạn đi cùng với sự suy yếu của dư địa tăng điểm hiện tại, đồng thời tiến tới kiểm tra ngưỡng hỗ trợ 1.400 điểm vừa mới hình thành.

Diễn biến này được CTS đánh giá là lành mạnh trong bối cảnh yếu tố điều chỉnh là cần thiết giúp VN-Index có thể tiến được xa hơn.

Nhà đầu tư được khuyến nghị gia tăng tỷ trọng vào nhóm thép, chứng khoán, ngân hàng và bất động sản với kỳ vọng kết quả kinh doanh quý II nổi trội cho mục tiêu ngắn hạn VN-Index tại ngưỡng 1.445-1.450 điểm.

Vùng điểm hợp lý có thể gia tăng tỷ trọng giải ngân là tại vùng 1.395-1.400 điểm trong trường hợp VN-Index cần phải kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ 1.400 điểm mới được hình thành.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu xuất khẩu như thủy sản và dệt may cũng sẽ là một lựa chọn khá hấp dẫn đón sóng báo cáo quý II sắp tới.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục