ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 25/11.
Dao động trong kênh hẹp 600-613
(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)
Với phiên giảm 24/11, thị trường vẫn trong trạng thái điều chỉnh trong khi các nhân tố hỗ trợ mới vẫn chưa xuất hiện. VN-Index đã test thành công ngưỡng hỗ trợ tại MA100 (592-593) và có sự hồi phục nhẹ để kết thúc phiên vẫn duy trì bên trên ngưỡng này. Khối lượng giao dịch vẫn duy trì ở mức tích cực cho thấy dòng tiền vẫn duy trì tham gia vào thị trường.
Do chạm đến vùng hỗ trợ vững chắc và khối lượng giao dịch vẫn tích cực nên VN-Index có khả năng sẽ hồi phục kĩ thuật trong phiên giao dịch sắp tới. Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro vào thời điểm này, nhà đầu tư nên tiếp tục thận trọng trong việc mua thêm và ưu tiên chốt lời khi đã đat lợi nhuận kì vọng.
Áp lực chốt lời tại các mã lớn vẫn đang mạnh
(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)
Phiên điều chỉnh mạnh thứ 2 liên tiếp, lùi xuống dưới ngưỡng hỗ trợ tâm lý 600 điểm của VN-Index khiến chỉ số này đang hình thành xu thế giảm ngày một rõ từ đỉnh ngắn hạn 615 điểm. Khối lượng giao dịch tăng mạnh trong đó thanh khoản tập trung tại các mã bị điều chỉnh khá trong phiên cho thấy hoạt động chốt lời thoát hàng đang diễn ra mạnh mẽ.
Tuy nhiên, như bản tin 23/11 đã đề cập, vùng hỗ trợ 590-593 điểm của VN-Index tỏ ra khá vững chắc khi được tạo bởi các đường SMA50, SMA100 sẽ quyết định xu hướng ngắn hạn của thị trường thông qua biến động của VN-Index tại vùng giá này.
Trong bối cảnh không có thông tin hỗ trợ, rủi ro tỷ giá đang hiện hữu, áp lực chốt lời của các mã lớn vẫn đang mạnh. Nhà đầu tư nên gia tăng tỷ trọng tiền mặt trong danh mục, hạn chế tối đa hoạt động giao dịch ngắn hạn, có thể lựa chọn các vùng giá hợp lý để tích lũy dần các cổ phiếu cơ bản tốt có kỳ vọng kết quả kinh doanh tích cực trong các tháng cuối năm.
Nhịp điều chỉnh sẽ dừng khi cầu bắt đáy quay trở lại với VNM
(CTCK BIDV - BSC)
Trong số các cổ phiếu quan trọng, chỉ có VNM và FPT đang rớt mạnh do đã tăng nhanh trước đó, phần còn lại vẫn tích lũy theo hướng giảm dần đều. Sự giảm điểm hiện tại của VN-Index chủ yếu phản ánh sự điều chỉnh của VNM hơn là sự suy yếu của toàn thị trường. Nhịp điều chỉnh này có thể sẽ dừng lại khi lực cầu bắt đáy quay trở lại VNM.
Nhà đầu tư ưa mạo hiểm có thể cân nhắc mở vị thế dần tại các nhịp điều chỉnh của thị trường, đồng thời nhanh chóng chốt lời tại các nhịp phục hồi kỹ thuật. Nhà đầu tư thận trọng tiếp tục đứng ngoài quan sát thêm.
Xu hướng giảm giá đang có xác suất cao
(CTCK FPT - FPTS)
Diễn biến giảm đột ngột của chỉ số trong phiên chiều như phiên 24/11 có thể sẽ kéo theo tâm lý bi quan hơn của bộ phận nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu. Điều này sẽ là yếu tố gây bất lợi cho sự vận động của chỉ số tại các mốc hỗ trợ quan trọng kế tiếp.
Do kịch bản hình thành xu hướng giảm giá đang có xác suất cao hơn nên các hoạt động giải ngân cần hết sức thận trọng và hạn chế nếu không xuất hiện tín hiệu phản hồi tích cực của giá khi rơi về khu vực hỗ trợ mạnh. Với nhóm nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng lớn cổ phiếu thì nên cân nhắc việc cơ cấu lại danh mục theo hướng tăng dần tỷ trọng tiền mặt trên tổng tài sản.
Tín hiệu rủi ro đang tăng cao
(CTCK Maritime – MSI)
Dòng tiền đã có sự đồng thuận giữa các cổ phiếu khiến thị trường điều chỉnh mạnh phiên 24/11. Khối ngoại cũng đã quay lại bán ròng với khối lượng lớn. Đóng cửa, VN-Index đã giảm xuống dưới đường cận dưới của dải Bollinger Band, hình thành cây nến đỏ dài. Diễn biến của các chỉ báo như MACD và đường RSI tiếp tục cho tín hiệu rủi ro đang tăng cao.
Trong phiên 25/11, VN-Index có thể sẽ test lại ngưỡng hỗ trợ mạnh 590-593 điểm. Hành động bắt đáy hiện tại là khá rủi ro, nhà đầu tư nên thận trọng trong các quyết định mua trong ngắn hạn.
VN-Index sẽ một lần nữa rơi xuống dưới mốc 590
(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)
Như đã đề cập, phiên 24/11 sẽ rất rủi ro và nếu nhà đầu tư cảm nhận thị trường có dấu hiệu yếu đi, áp lực bán chắc chắn sẽ tăng lên. Quả thực, áp lực bán đã xuất hiện đẩy VN-Index có lúc rơi xuống 590 điểm trước khi hồi phục trở lại. Một lần nữa, những nhóm cổ phiếu lớn là tác nhân gây ra sự xáo động này.
Chốt phiên với mức giảm hơn 6 điểm, trong khi tất cả nhóm LargeCap đều rơi mạnh, cũng cho thấy tính tích cực ở nhiều nhóm cổ phiếu khác. Thực tế, khi thị trường giảm sâu, nhà đầu tư cũng không bán tháo ở nhiều mã cổ phiếu khác, đặc biệt là những cổ phiếu vốn dĩ không tăng giá thời gian qua. Đó là một điểm tích cực và nhóm cổ phiếu này sẽ có những cơ hội khi thị trường hồi phục.
Với cổ phiếu VNM, tác nhân lớn nhất trong những phiên giảm điểm gần đây, chưa cho thấy điểm dừng. Lực cầu bắt đáy tiếp tục tăng lên nhưng chưa cho tín hiệu nó sẽ tăng trở lại.
Thông thường, những cổ phiếu tăng nóng kiểu này hay tạo ra mô hình 2 đỉnh, nên có thể kỳ vọng vào một nhịp hồi phục. Tuy nhiên, trước khi tăng trở lại thì VNM sẽ chịu mất giá khoảng 20% so với đỉnh, có nghĩa tại vùng 115.000 đồng (+/-3) thì khả năng hồi phục sẽ rõ nét hơn.
Ở mức giá hiện tại, có thể biên độ giảm của VNM sẽ thấp dần nên tác động tới VN-Index sẽ giảm đi. Nhưng điều đó đủ khiến cho phiên ngày 25/11, VN-Index sẽ một lần nữa rơi xuống dưới mốc 590 điểm. Tại lúc này, nhóm LargeCap chưa cổ phiếu nào cho thấy tín hiệu hồi phục mạnh để chống đỡ cho nhịp giảm này.
Có thể GAS, BVH sẽ làm bớt đi áp lực, nhưng nhóm Ngân hàng dường như lại đang rơi vào xu thế xấu. Kỳ vọng có thể đến lại chính là những nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cho tín hiệu khởi sắc nhằm hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư. Đây có lẽ sẽ là một tuần đầy cam go trước khi bước sang tuần mới tích cực hơn.
Xu hướng tăng ngắn hạn đang bị xâm phạm
(CTCK Maybank KimEng - MBKE)
Phiên 24/11 ghi nhận mức rơi đáng kể của VN-Index, hiện chỉ số này đang thử lại vùng hỗ trợ quan trọng, khu vực 590 điểm, vùng di chuyển của MA 50. Trong kịch bản tiêu cực, nếu vùng hỗ trợ này bị xâm phạm rõ rệt (trên 2 phiên), xu hướng tăng ngắn hạn sẽ chính thức bị mất hiệu lực.
Cho đến khi điều nêu trên xảy ra, nhà đầu tư vẫn có thể duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao hơn tiền mặt, nhưng cần tiếp tục không mạo hiểm với việc mở ra ồ ạt các vị thế mua mới.