Nhận định thị trường phiên 23/12: Đề phòng xảy ra nhịp giảm mới

(ĐTCK) Nhà đầu tư tiếp tục hạn chế mở các trạng thái mua mới, chờ đợi tín hiệu ổn định hơn của xu hướng. Các vị thế nắm giữ cổ phiếu cần theo sát diễn biến các chỉ số tại khu vực có hỗ trợ mạnh để đề phòng rủi ro xảy ra nhịp giảm mới.
Nhận định thị trường phiên 23/12: Đề phòng xảy ra nhịp giảm mới

Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 23/12.

Bất ngờ có thể xảy ra vào cuối phiên

(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)

VNM tiếp tục bị bán mạnh và là cổ phiếu tác động mạnh đến thị trường trong số nhóm LargeCap. Mặc dù khối ngoại bán không quá lớn, nhưng với đà này, VNM có thể rơi về vùng 110.000 đồng nếu như mức giá 123.000 không duy trì được.

Tác động này khiến cho những nỗ lực của nhóm thép không thể duy trì, bởi áp lực tâm lý đến từ nhà đầu tư khi thị trường chung suy giảm. Tuy nhiên, nhóm thép như HPG, HSG... sẽ nỗ lực kéo giá lần nữa vào phiên 23/12, nhưng không thành công và điều chỉnh trở lại sau đó.

Điểm đáng lưu tâm gần đây là thanh khoản của thị trường ngày càng giảm sút, thấp hơn mức trung bình khá nhiều. Phiên 22/12, thanh khoản giảm nhẹ khi giá trị giao dịch chỉ hơn 1.760 tỷ (giảm 3,8%) cho thấy, thị trường vẫn còn nhiều khó khăn phía trước. Tuy nhiên, bất ngờ luôn diễn ra, giống như cái cách mà thị trường tạo ra phiên 21/12.

Theo đó, phiên 23/12, thị trường chung cố gắng trong phần đầu phiên, nhưng sẽ giảm dần. Tuy nhiên, có thể đoạn cuối sẽ lại là câu chuyện cổ tích diễn ra, có nghĩa là thị trường có thể bất ngờ tăng trở lại, tạo ra tín hiệu vui.

Đề phòng xảy ra nhịp giảm mới

(CTCK FPT - FPTS)

Việc giao dịch theo chiều mua trong giai đoạn này vẫn khá rủi ro, bởi những tín hiệu tiêu cực liên tiếp được ghi nhận trên phương diện kỹ thuật. Mặt khác, biến động trồi sụt của các cổ phiếu vốn hóa lớn cũng đang là gánh nặng cho kỳ vọng hồi phục của sàn HOSE.

Theo đó, nhà đầu tư tiếp tục hạn chế mở các trạng thái mua mới, chờ đợi tín hiệu ổn định hơn của xu hướng. Các vị thế nắm giữ cổ phiếu cần theo sát diễn biến các chỉ số tại khu vực có hỗ trợ mạnh để đề phòng rủi ro xảy ra nhịp giảm mới.

Rủi ro giảm điểm ngắn hạn vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Điểm số VN-Index bị ảnh hưởng khá nhiều bởi các cổ phiếu vốn hóa lớn trong các phiên gần đây. Điều này khiến diễn biến chỉ số chung có phần bị nhiễu. Về cơ bản, rủi ro giảm điểm ngắn hạn của thị trường vẫn chưa hoàn toàn được loại bỏ hết. Nhà đầu tư vẫn nên tránh việc bắt đáy quá sớm đẩy tỷ trọng lên mức cao.

Duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Các tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của VN-Index chưa có dấu hiệu cải thiện, phiên 23/12 được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra với thanh khoản thấp và VN-Index dao động trong vùng 657-669 điểm. Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức vừa phải, quan sát diễn biến thị trường.

Mặt khác, nhà đầu tư trung hạn đang cầm tiền mặt có thể giải ngân một phần đối với các cổ phiếu cơ bản tốt kỳ vọng kết quả kinh doanh cả năm 2016 tích cực.

Mua gom và nắm giữ cổ phiếu chu kỳ

(CTCK Maritime – MSI)

VN-Index giảm điểm cùng với sắc đỏ trên 2 sàn giao dịch, khi mà đa số các cổ phiếu đồng loạt giảm điểm. Các chỉ số giao dịch hàng hóa thế giới như cao su, thép, dầu... đều giảm cũng tác động đến sự phục hồi của các mã cổ phiếu nhóm ngành thép, cao su tự nhiên, dầu khí.

Theo đó, thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh, bao gồm các phiên tăng giảm đan xen hơn là có thể bứt phá sớm. Cụ thể, VN-Index có thể hồi phục trở lại quanh vùng 665-670 điểm trong phiên 23/12, khi mà các nhóm cổ phiếu cơ bản tăng điểm trở lại. Các nhà đầu tư vẫn nên hạn chế giao dịch ngắn hạn, chiến lược mua gom và nắm giữ cổ phiếu chu kỳ trong tháng 12 và tháng 1/2017 vẫn được đề cao.

Nhà đầu tư “lướt sóng” ưu tiên chiến lược “mua thấp, bán cao”

(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)   

Nhìn chung, điểm số của VN-Index trong thời gian qua bị tác động tiêu cực bởi diễn biến của các mã vốn hóa lớn như VNM, SAB, ROS… trong bối cảnh lực cầu duy trì ở mức thấp. Do vậy, nhà đầu tư “lướt sóng” nên ưu tiên chiến lược “mua thấp, bán cao” khi VN-Index giảm về vùng hỗ trợ 645-650 điểm và danh mục nên tập trung vào các nhóm cổ phiếu nhận được sự quan tâm của dòng tiền, như cao su tự nhiên, bất động sản, vật liệu xây dựng…

Trong khi đó, chiến lược mua và nắm giữ sẽ phù hợp với nhà đầu tư trung và dài hạn hơn.

 Nên cân nhắc cẩn trọng trước các quyết định giải ngân mới
(CTCK Phú Hưng - PHS)

Giao dịch thận trọng của nhà đầu trong nước lẫn khối ngoại đang khiến thị trường lình xình. Dòng vốn ngoại đang chuyển từ VNM sang SAB khiến VNM suy giảm bất chấp thông tin kết quả kinh doanh ước tính cả năm 2016 tích cực.

Cùng với VNM thì nhiều bluechips cũng rơi mạnh khiến hai chỉ số điều chỉnh trong phiên 22/12. Tuy nhiên, MSN bật tăng mạnh 4,7% nhờ thông tin chi trả cổ tức tỷ lệ 30% và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 2:1 cùng điểm sáng khác trên sàn là cổ phiếu VIC (+1,5%) và HPG (+1,4%) gia tăng là động lực hỗ trợ tích cực chỉ số.

Nhìn chung, thanh khoản thị trường vẫn còn ở mức thấp trong khi chỉ số chưa tìm thấy động lực tăng vững chắc. Do đó, nhà đầu tư vẫn nên cân nhắc cẩn trọng trước các quyết định giải ngân mới.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục