ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 18/2.
Tiếp tục xu hướng giằng co
(CTCK Maritime – MSI)
Áp lực bán tăng cao trong phiên chiều đã đẩy thị trường giảm điểm, mặc dù vẫn có những cổ phiếu giữ được xu hướng tích cực như VNM, FPT, REE,... VN-Index đang đứng trước ngưỡng kháng cự mạnh 550 – 555 điểm (Fibo 32,8%), vì vậy thị trường cần phiên bứt phá khỏi mốc này để xác lập xu hướng tăng điểm chắc chắn hơn.
Phiên 18/2, thị trường có thể sẽ tiếp tục xu hướng giằng co, VN-Index dao động quanh ngưỡng 545 – 550 điểm. Nhà đầu tư nên duy trì tỷ lệ cổ phiếu hiện tại và chỉ xem xét giải ngân cổ phiếu khi thị trường có diễn biến tích cực hơn trong các phiên tới.
Triển vọng ngắn hạn vẫn chưa rõ ràng
(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)
Cả 2 chỉ số giảm nhẹ trở lại sau phiên giao dịch hứng khởi ngày hôm qua (16/2), giá trị giao dịch tăng mạnh nhưng phần lớn đến từ giao dịch thỏa thuận tăng đột biến cho thấy bên mua vẫn chưa đủ lực kéo thị thường tăng điểm. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu dầu khí có dấu hiệu suy yếu trở lại sau khi thỏa thuận giữa Nga và Ả Rập Xê út chưa đem lại hiệu ứng như kỳ vọng, giá dầu WTI hiện giao dịch dưới mốc 30 USD/thùng, dầu Brent cũng chỉ giao dịch quanh mốc 32 USD/thùng.
Thông tin tức cực từ VNM giúp mã này tăng khá tốt trong phiên và trở thành trụ cột chính cho VN-Index phiên 17/2, tuy nhiên, mức tăng đã thu hẹp đáng kể về cuối phiên. Ngoài VNM các mã bluechips khác hoạt động không quá tích cực, bền cạnh đó khối ngoại đẩy mạnh bán ròng khiến khả năng hồi phục ở những phiên tiếp theo là không rõ ràng.
Triển vọng thị trường trong ngắn hạn vẫn chưa rõ ràng, nhưng dòng tiền vẫn tương đối tích cực, vì vậy nhà đầu tư mạo hiểm vẫn có thể cân nhắc giải ngân một phần.
Rung lắc vẫn xuất hiện
(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)
Tín hiệu đảo chiều giảm vẫn chưa xuất hiện rõ nét trên các chỉ số. Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch vẫn duy trì được xu hướng tăng tích cực. Do đó, có thể kỳ vọng trong phiên giao dịch sắp tới, VN-Index sẽ tiếp tục test lại vùng kháng cự 553-555 điểm. Dù vậy, diễn biến rung lắc vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện khi VN-Index test trở lại vùng này.
Vẫn nằm trong xu hướng tăng ngắn hạn
(CTCK BIDV – BSC)
Thị trường vẫn nằm trong xu hướng tăng ngắn hạn, tuy nhiên áp lực chốt lời sẽ khiến các chỉ số rung lắc và tích lũy. Nhà đầu tư xem xét chốt lời khi các chỉ số tăng mạnh, ngược lại, trong trường hợp thị trường giảm mạnh, nhà đầu tư cân nhắc mở lại vị thế.
Đi ngang với biên độ hẹp dần
(CTCK FPT - FPTS)
Dòng tiền tiếp tục được cải thiện là diễn biến tích cực được ghi nhận sau phiên 17/2, tuy nhiên, tín hiệu xác lập chân sóng tăng mới chưa xuất hiện. Trong những phiên tới, đặc biệt là các phiên giảm kỹ thuật, sẽ là các thời điểm cần được quan sát kỹ để đánh giá cơ hội tham gia trở lại thị trường trong thời gian tới.
Theo đó, sự bền vững của khu vực hỗ trợ mạnh và yếu tố dồi dào của thanh khoản sẽ cung cấp các cơ sở cụ thể để triển khai các hoạt động giao dịch mới.
Phiên 18/2, thị trường có thể sẽ tiếp tục xu hướng giằng co, VN-Index dao động quanh ngưỡng 545 – 550 điểm. Nhà đầu tư nên duy trì tỷ lệ cổ phiếu hiện tại và chỉ xem xét giải ngân cổ phiếu khi thị trường có diễn biến tích cực hơn trong các phiên tới.
Gần đây, sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu dầu khí được đánh giá là chưa bền vững, trong khi sự sụt giảm đáng kể của nhóm ngân hàng đang và sẽ tạo ra sức nặng lớn trong các phiên tới. Sự phân hóa theo đó chắc chắn sẽ xảy ra khi thị trường đang có thiên hướng đi ngang với biên độ hẹp dần.
Trong bối cảnh xu thế mới chưa được xác lập thì nhiều khả năng nhóm cổ phiếu penny và nhóm cổ phiếu có yếu tố đầu cơ sẽ có những nhịp tăng giá ngắn. Hiện tại, các cơ hội giao dịch tạo lợi nhuận đột biến vẫn còn hạn chế và không phù hợp đối với nhà đầu tư có mức chịu rủi ro thấp. Nhà đầu tư mạo hiểm chỉ nên duy trì tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu ở mức tối đa 30% trên tổng tài sản danh mục.