Nhận định thị trường ngày 6/7: Rủi ro gia tăng

(ĐTCK) Xu thế tăng điểm có thể còn tiếp diễn. Dù vậy, thị trường bắt đầu phát đi tín hiệu tăng nóng. Thị trường có thể rung lắc khi VN-Index đang tiếp cận vùng kháng cự mạnh tiếp theo 620-625.
Nhận định thị trường ngày 6/7: Rủi ro gia tăng

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 6/7.

Rủi ro điều chỉnh sẽ xuất hiện

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Sau liên tiếp các phiên dao động tích lũy trong biên độ hẹp, thị trường bất ngờ có tuần bật tăng điểm tích cực nhờ dòng vốn giao dịch mạnh mẽ tại nhóm các cổ phiếu Bluechips, đặc biệt là sự mạnh lên bất ngờ của nhóm các cổ phiếu ngân hàng. Đà tăng áp đảo diễn ra trong 2 phiên giao dịch cuối tuần, sau hàng loạt các phiên dòng vốn phân bổ theo hướng tập trung vào các cổ phiếu mạnh riêng lẻ, khiến xu hướng tăng của VN-Index có phần chững lại, cho thấy về mặt cảm tính tâm lý thị trường đang ở trạng thái rất tích cực.

Trên thực tế, xu hướng tích cực của dòng tiền đang được nuôi dưỡng bởi kỳ vọng Chính phủ sẽ sớm cho phép các ngân hàng mở room trong thời gian tới, giúp dòng vốn khối ngoại tiếp tục chảy mạnh mẽ vào nhóm các cổ phiếu này. Tuy vậy, chúng tôi đánh giá khả năng xảy ra của kỳ vọng này là khá thấp do ngành ngân hàng mang tính đặc thù nhạy cảm.

Khối ngoại trong tuần qua tiếp tục xu hướng mua ròng khá tích cực trên cả hai sàn. Tuy vậy, xu hướng này có yếu đi trong các phiên cuối tuần. Chúng tôi cũng lưu ý những diễn biến khá phức tạp tại Hy Lạp vẫn chưa có hồi kết. Trong một động thái mới nhất, Thủ tướng Hy Lạp đã hối thúc người dân bỏ phiếu chống đối với đề xuất cứu trợ tài chính quốc tế trong cuộc trưng cầu diễn ra ngày 5/7 tới đây. Điều này khiến những lo ngại về tác động tiêu cực đối với vấn đề khủng hoảng nợ tại Hy Lạp tiếp tục tăng cao.

Thị trường đang có dấu hiệu tăng nóng trong ngắn hạn từ hiệu ứng đẩy giá mạnh mẽ tại nhóm cổ phiếu ngân hàng và các mã Bluechips nhờ kỳ vọng nới room. Tuy vậy, sức tăng không nhận được sự hỗ trợ đồng đều của hầu hết các nhóm ngành khác cho thấy, thị trường vẫn chưa có sự đồng thuận tích cực giữa các nhóm ngành. Điều này khiến đà tăng của thị trường phụ thuộc rất lớn vào một vài nhóm ngành riêng lẻ. Rủi ro điều chỉnh do vậy sẽ xuất hiện khi áp lực chốt lời ngắn hạn diễn ra, đặc biệt trong bối cảnh kỳ vọng nới room sẽ chưa sớm được hiện thực hóa trong ngắn hạn. Nhà đầu tư nên thận trọng nếu vẫn đang nắm giữ tiền, không nên tiến hành mua đuổi trong các phiên tăng điểm.

Chỉ số đang hướng vào khu vực có kháng cự mạnh

(CTCK FPT - FPTS) 

Chỉ số đang hướng vào khu vực có kháng cự mạnh, trong khi các chỉ báo về xung lực đang dần đạt ngưỡng “quá mua” là cảnh báo cho các hoạt động giải ngân mới. 

Như đã đề cập, tín hiệu cải thiện dần của dòng tiền trong các phiên tới sẽ giúp giảm thiểu những lo ngại về khả năng kém bền vững của xu hướng. Theo đó, kỳ vọng dòng tiền sẽ lan tỏa mạnh hơn sang các nhóm cổ phiếu đã xuất hiện các khoảng giá hấp dẫn. Đây là yếu tố cốt lõi giúp thị  trường duy trì những nhịp tăng giá bền vững trong ngắn hạn và là cơ sở chính cho các quyết định giải ngân mới.

Ngoài  ra, hành động giảm tỷ trọng dần đối với các nhóm cổ phiếu đã có sự hội tụ lớn của dòng tiền gần đây là cần thiết, đặc biệt là khi đã có các nhịp tăng giá mạnh. Nhóm cổ phiếu đáng chú ý  trong  thời gian tới sẽ tập trung vào nhóm có nền tảng cơ bản tốt và được dự báo tích cực về kết quả kinh doanh quý II.

Rủi ro điều chỉnh đang tiềm ẩn khá cao

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Hiện tượng phân hóa đang khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân mất phương hướng, 2 chỉ số  tăng điểm mạnh, tuy nhiên sự lan tỏa của dòng tiền khá yếu, độ rộng thị trường ở mức tương đối cân bằng, trong khi khối lượng và giá trị giao dịch sụt giảm. Đây là những tín hiệu không thực sự

tích cực về mặt kỹ thuật trong ngắn hạn. Mặc dù vậy, lực cầu bền bỉ của khối ngoại, sau khi Nghị định 60 được thông qua, tập trung ở các mã bluechips có sức ảnh hưởng lớn đến chỉ số vẫn đang đủ sức giữ nhịp cho thị trường. Trong bối cảnh dòng tiền nội còn giữ tâm lý khá thận trọng, biến động thị trường trong thời gian tới sẽ phụ thuộc lớn vào nhóm cổ phiếu dẫn dắt cùng với động thái mua bán ròng của khối ngoại.

Mặc dù triển vọng tăng điểm của thị trường trong trung-dài hạn vẫn đang ở mức tích cực, nhưng vùng điểm hiện tại của 2 chỉ số đang tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh khá cao trong ngắn hạn. Bên cạnh việc nắm giữ các mã cổ phiếu cơ bản cho danh mục trung-dài hạn, nhà đầu tư được khuyến nghị đẩy mạnh các hoạt động trading và kết hợp với các mục đích tái cơ cấu, chốt lời các vị thế ngắn hạn và chờ mua lại khi thị trường điều chỉnh sau đó.

Sẽ tăng điểm  

(CTCK Maritime Bank – MSBS)

Thị trường có tuần giao dịch đầy hứng khởi, VN-Index tiếp tục xu hướng tăng điểm trong phiên  cuối tuần, tăng 10,73 điểm, dừng ở mức 616,43 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 10 năm trước. Dòng tiền vào đã được cải thiện với gần 3.200 tỷ đồng toàn thị trường, cụm nến ngày đã phá vỡ dải Bollinger phía trên, chỉ báo kỹ thuật như MACD vẫn cho thấy xu hướng tích cực.

Thị trường có thể sẽ tiếp tục tăng điểm trong 1, 2 phiên đầu tuần và điều chỉnh ở các phiên tiếp theo khi RSI  tiến tới vùng quá mua, áp lực chốt lời gia tăng, tuy nhiên, nhìn chung thị trường sẽ vẫn giữ xu hướng tăng.

Đầu tuần, thị trường sẽ tăng điểm với sự dẫn dắt của nhóm các cổ phiếu Bluechips và nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nhà đầu tư chỉ nên ưu tiên nắm giữ cổ phiếu thực sự tốt, một số cổ phiếu chú ý như: TCM, SSI,…

Bắt đầu phát đi tín hiệu tăng nóng

(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)

Chúng tôi nhận thấy tâm lý của nhà đầu tư nội đã trở nên tốt hơn rất nhiều sau khi VN-Index vượt qua ngưỡng 600 ngày 3/7, cộng với động thái mua ròng được duy trì bởi khối ngoại. Theo đó, dòng tiền tham gia thị trường từ nhà đầu tư nội cũng đã cải thiện đáng kể. Rõ ràng, các yếu tố như nới room và TPA đang đóng vai trò hỗ trợ cho xu thế tăng điểm hiện nay, dù thị trường còn phân hóa khá rõ và bluechip vẫn đang dẫn dắt.

Nói chung, xu thế tăng điểm có thể còn tiếp diễn. Dù vậy, thị trường bắt đầu phát đi tín hiệu tăng nóng. Chúng tôi hơi lo ngại thị trường có thể rung lắc khi VN-Index đang tiếp cận vùng kháng cự mạnh tiếp theo 620-625. Do đó, việc mua đuổi giá cao ở các mã đã tăng mạnh vào lúc này trở nên rủi ro hơn.

Xu hướng chủ đạo hiện nay vẫn là tăng

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)  

Một lần nữa lưu ý xu hướng chủ đạo hiện nay của thị trường tiếp tục là tăng. Nhà đầu tư cần tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao hơn tiền mặt và cố gắng điều chỉnh danh mục của mình theo hướng chú ý của dòng tiền để đạt được hiệu quả cao nhất.

Có thể tăng tỷ trọng cổ phiếu 

(CTCK Rồng Việt -VDSC)

Thị trường biến động tích cực hơn cùng với dòng tiền cũng tăng dần trở lại là những dấu hiệu tốt để thị trường tiếp tục duy trì xu hướng tăng trung hạn. Diễn biến này phù hợp cho nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục và có thể tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư.

Ng.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục