ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 6/5.
Xu thế bán ra có thể sẽ còn tiếp diễn do “margin call”
(CTCK FPT - FPTS)
Cung tăng đáng kể trong khi cầu yếu và thiếu động lực đã khiến cân bằng của thị trường dễ dàng bị phá vỡ. Trên HOSE, chỉ số VN-Index đảo chiều lao dốc mạnh, chốt phiên giảm tới 13,15 điểm xuống còn 564,16 điểm. Cùng chung diễn biến, chỉ số HNX-Index cũng để mất tới 2,52 điểm xuống còn 77,36 điểm.
Như đã nhận định, sự hồi phục không đi kèm theo nền tảng tích lũy chắc chắn thông thường sẽ dẫn đến rủi ro lớn nếu xuất hiện tín hiệu đảo chiều xu thế. Do đó, phiên giảm mạnh ngày 5/5 mang nhiều ý nghĩa tiêu cực đối với diễn biến ngắn hạn, đặc biệt là trong bối cảnh các chỉ báo kỹ thuật trước đó đã cho tín hiệu điều chỉnh.
Điều khiến chúng tôi lo ngại hơn là sự bàng quan của nhà đầu tư đối với nhưng thông tin tốt được công bố trong thời gian nghỉ lễ, mặc dù tác động hỗ trợ của những thông tin này là không lớn song phản ứng của nhà đầu tư cho thấy dòng tiền đứng ngoài thị trường vẫn chưa sẵn sàng nhập cuộc trở lại và xu thế bán ra có thể sẽ còn tiếp diễn do áp lực “margin call” xuất hiện sau những phiên sụt giảm mạnh đột ngột.
Trong một vài phiên tới, rủi ro đối với các danh mục ngắn hạn là rất lớn, do đó việc bắt đáy sẽ không được khuyến nghị và nhà đầu tư cần ưu tiên nắm giữ tỷ trọng tiền mặt cao để dự phòng khả năng các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn tiếp tục bị phá vỡ.
Thị trường vẫn giảm
(CTCK Maritime Bank – MSBS)
Sự mất kiên nhẫn lên đến đỉnh điểm khi các nhà đầu tư sau kỳ nghỉ lễ bán mạnh cổ phiếu ra, thị trường không phục hồi như kỳ vọng trong phiên giao dịch đầu tuần. Thị trường giảm điểm mạnh về điểm số thanh khoản tăng mới chỉ phản ánh thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh và việc điều chỉnh sẽ không ngắn như đa số mọi người ảo vọng.
Phiên ngày mai 6/5, thị trường sẽ tiếp tục giảm điểm cùng với việc giảm test đầu phiên về ngưỡng hỗ trợ yếu cho đến hiện tại là ngưỡng 555 – 560 điểm, chỉ số VN-Index sẽ giảm mạnh vào đầu phiên và cuối phiên sẽ chỉ giảm điểm ít hơn khi lực bắt đáy yếu ớt được đưa vào. Lực bán mạnh sẽ tiếp tục gia tăng bởi ngoài việc thiếu tin tức vĩ mô hỗ trợ đủ tốt cho đến việc tâm lý nhà đầu tư đang khá hoang mang và xuống thấp.
Hạn chế mua cổ phiếu cho đến khi thị trường có thanh khoản và sức mua ấn tượng hơn.
Thị trường vẫn đang chịu thử thách tiêu cực
(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)
Bất chấp đón nhận thông tin tích cực khi PMI lĩnh vực sản xuất tháng 4 tăng lên mức cao kỉ lục, thị trường phiên đầu tuần sau kì nghỉ lễ quay đầu giảm mạnh trên cả 2 sàn trong bối cảnh dòng tiền tham gia thị trường chưa cải thiện. Tình trạng đóng băng thanh khoản kéo dài dẫn đến làn sóng bán mạnh cổ phiếu về cuối phiên ở cả bluechip và penny.
Theo đó, trong ngắn hạn, triển vọng thị trường vẫn đang chịu thử thách tiêu cực do sự thiếu vắng của dòng tiền đầu cơ. Thêm vào đó, yếu tố “Sell in May and go away” cũng tác động không nhỏ đến tâm lý của nhà đầu tư trong nước.
Do nền tảng thị trường chưa phát đi tín hiệu tích cực, chúng tôi gần như không thay đổi quan điểm thận trọng đối với nhà đầu tư ngắn hạn vào lúc này. Trong khi đó, nhà đầu tư trung dài hạn có thể tận dụng những phiên điều chỉnh để mua tích lũy nhóm cổ phiếu cơ bản tốt và có mức giảm đáng kể trong thời gian vừa qua.
VN-Index có thể test lại mốc đáy 556-560 điểm
(CTCK Đầu tư Việt Nam - IVS)
Những ngày nghỉ lễ đã qua và thị trường có rất ít thông tin được cho là có tính hỗ trợ. Trong khi đó một vài thông tin về nợ công, nợ xấu từ diễn đàn kinh tế mang đến một gam màu không mấy tươi sáng. Chính điều này khiến cho lực bán bất ngờ tăng mạnh sau một khoảng thời gian giữ nhịp đầu giờ sáng. Theo quan sát thì áp lực bán mạnh nhất vẫn thuộc về những cổ phiếu “nóng”, cổ phiếu có hệ số beta cao trong khi những cổ phiếu cơ bản vẫn có tính chất phòng thủ tương đối vững chắc.
Cho dù lực mua bắt đáy đã vào nhưng không quá mạnh nên chưa thể kéo chỉ số hồi phục trở lại. Chỉ số VN-Index có thể sẽ còn tiếp tục thêm một nhịp giảm nữa để test lại mốc đáy 556-560 điểm vừa thiết lập và kiểm chứng tính bền vững. Hiện tại chỉ số này đang ở mốc 564,85 điểm có nghĩa thị trường sẽ còn chịu thêm những áp lực nữa trước khi lực bắt đáy tăng trở lại. Chúng tôi cho rằng, ở phiên ngày mai 6/5, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục là một phiên giảm điểm mà những cổ phiếu đầu cơ sẽ lại là tâm điểm. Nhà đầu tư cần quan sát, nếu như áp lực bán giảm dần và thị trường chững lại tại vùng 565-560 thì việc mua vào cho hoạt động lướt sóng có tính an toàn cao hơn.
Rủi ro thị trường đang ở mức khá cao
(CTCK Bảo Việt - BVSC)
Trên thực tế, diễn biến phiên 5/5 thuần túy do yếu tố cung cầu quyết định khi không có thông tin kinh tế tiêu cực nào mới công bố. Thậm chí, chỉ số PMI của Việt Nam trong tháng 4 còn tăng ên mức cao nhất trong lịch sử khảo sát (đạt 53,1 điểm) cho thấy sản xuất của Việt Nam tháng vừa qua đã tăng trưởng mạnh trở lại.
Tuy nhiên, nhân tố chính tác động đến thị trường trong bối cảnh hiện nay là sự thận trọng của người mua trong khi người bán ngày càng tỏ ra mất kiên nhẫn. Mặc dù lượng cổ phiếu mắc kẹt ở vùng giá cao hiện không quá lớn nhưng khi cầu tiếp tục thận trọng, áp lực cắt lỗ từ lượng cổ phiếu này hoàn toàn có thể khiến thị trường có những phiên sụt giảm sâu như phiên này.
Rủi ro thị trường hiện được đánh giá ở mức khá cao. Nhà đầu tư ngắn hạn nên sớm cắt giảm tỷ trọng, đưa về mức thấp (dưới 30%). Thậm chí, đối với các mã cổ phiếu không có nhiều tiềm năng, nhà đầu tư có thể bán ra nhằm tái cơ cấu danh mục, chờ mua mã khác ở các vùng điểm thấp hơn.
Cơ hội để mua vào một số mã cơ bản tốt
(CTCK MB - MBS)
Mặc dù các điều kiện thị trường ở mức khá tiêu cực, các yếu tố vỹ mô vẫn khá tích cực khi lạm phát và lãi suất tiết kiệm tiếp tục xu hướng thấp, chỉ số PMI của Việt Nam cũng giữ ở mức cao liên tục trong các tháng gần đây cho thấy tình hình sản suất chung của Việt Nam vẫn đang được cải thiện. Chúng tôi tiếp tục giữ quan điểm tích cực về thị trường trong trung và dài hạn, do vậy khuyến nghị mua vào đối với các cổ phiếu có hoạt động kinh doanh tốt khi giá giảm sâu.
Chúng tôi cho rằng các đợt giảm giá hiện tại là cơ hội để mua vào đối với 1 số cổ phiếu nhất định. Nhà đầu tư cần tham khảo kỹ lưỡng từ chuyên gia tư vấn để xác định được các cổ phiếu cụ thể cũng như kế hoạch rõ ràng đối với các mục tiêu đầu tư trong trung và dài hạn nhằm tận dụng cơ hội trong điều kiện thị trường hiện tại.
Có thể kỳ vọng phản ứng của lực cầu tại ngưỡng hỗ trợ
(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)
Thị trường ghi nhận phiên giảm điểm mạnh sau kỳ nghỉ lễ dài ngày. Tâm lý thận trọng trước thực tế dòng tiền tham gia thị trường yếu khiến phía cung mất kiên nhẫn. Áp lực cung tăng dần về cuối phiên đi kém với tốc độ khớp lệnh tăng, do phía cung chấp nhận giảm mạnh giá bán. Nhóm cổ phiếu chứng khoán – cổ phiếu vẫn được quan tâm để đánh giá dòng tiền – tiếp tục chịu áp lực bán mạnh.
Thị trường vẫn đang trong xu hướng điều chỉnh giảm sau thời gian tăng nóng từ đầu năm. Hai chỉ số Index đã tiến gần ngưỡng hỗ trợ quan trọng (khoảng +/-555 điểm đối với VN-Index, 75 điểm đối với HNX-Index). Có thể kỳ vọng phản ứng của lực cầu tại ngưỡng hỗ trợ. Tuy nhiên động lực thị trường, thể hiện ở thanh khoản, vẫn là yếu tố quan trọng để thị trường thu hút được dòng tiền mới.
Nhà đầu tư ngắn hạn DUY TRÌ TRẠNG THÁI, chưa nóng vội tham gia thị trường. Nhà đầu tư trung dài hạn tiếp tục tích lũy cổ phiếu khi thị trường yếu.
Cắt giảm rủi ro và tỷ lệ đòn bẩy sẽ mang tính quyết định
(CTCK Maybank KimEng - MBKE)
Chúng tôi cho rằng hiện tại, vai trò dẫn dắt của các nhà đầu tư trong nước, với chủ đề là cắt giảm rủi ro và tỷ lệ đòn bẩy sẽ quyết định hướng đi của thị trường trong ngắn hạn.
Trên đồ thị, VN-Index yếu đi nhanh chóng sau đợt phục hồi nhẹ. Chỉ số này đang trên đà thử lại mức đáy 557 mà từ đó VN-Index đã bật lên, chỉ số đang tạm thời dừng lại ở mức 565. Chúng tôi cho rằng nên giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp, đặc biệt là nên cắt giảm toàn bộ trạng thái trên sàn HNX, vốn đang có đồ thị kỹ thuật rất tiêu cực.
VN-Index nhiều khả năng sẽ kiểm tra lại vùng 550 - 555 điểm
(CTCK BIDV - BSC)
Như chúng tôi lo ngại trong các báo cáo trước, diễn biến thị trường đang lặp lại kịch bản đầu tháng 4 (2/4 – 8/4). Mức giảm mạnh phiên 5/5 là hệ quả của sự mất kiên nhẫn trong tâm lý nhà đầu tư trước diễn biến giao dịch yếu ớt của thị trường trong các phiên trước đó (thanh khoản co rút, có sự phân kỳ giữ 02 chỉ số do bluechip đỡ giá). Ngoài ra, phiên này còn có dấu hiệu của hiện tượng “giải chấp” (margin call) khi nhiều mã bị bán mạnh giá sàn và ATC.
Về mặt kỹ thuật, HNX-Index đã phá vùng đáy ngắn hạn 78,5 và hướng tới các vùng hỗ trợ mạnh hơn tại 75,5 điểm (Fibo 50%) và 71,5 điểm (Fibo 61,8%). Trong khi đó VN-Index nhiều khả năng sẽ kiểm tra lại vùng 550 - 555 điểm. Động lượng thị trường đang khá tiêu cực, rủi ro T+ lớn nên các nhà đầu tư nên hạn chế hành động mua bắt đáy và giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức hợp lý.