Nhận định thị trường ngày 5/3: Chưa thể tích cực

(ĐTCK) Dù thị trường đã bật trở lại khi chạm ngưỡng hỗ trợ, nhưng theo quan điểm của các công ty chứng khoán, phiên 5/3, thị trường vẫn chưa có tín hiệu tích cực.
Nhận định thị trường ngày 5/3: Chưa thể tích cực

Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán cho phiên 5/3.

Xu hướng giảm vẫn chưa dừng lại

(CTCK Đầu tư Việt Nam - IVS)

Việc thị trường giảm mạnh ngay đầu giờ phiên 4/3 có thể lý giải do nhiều NĐT chịu áp lực lớn đối với đòn bẩy tài chính do phiên giảm mạnh 3/3 tạo ra và khối lượng mua ngày 27/2 về tài khoản. Điều đó đã tạo ra một lực bán mạnh và đồng loạt trên nhiều cổ phiếu.

Việc NĐT bắt đáy là câu chuyện muôn thủa, nhưng sẽ rất ít người thành công.

Khi cả hai chỉ số đã hồi phục trở lại, tâm lý NĐT không còn hoảng loạn nữa thì dư địa kiếm lời cũng đã co hẹp.

Tuy nhiên, điều muốn nhấn mạnh ở đây là khoảng cách mà 2 chỉ số được kéo ngược trở lại và cách xa với vùng hỗ trợ thì xu hướng giảm vẫn chưa dừng lại. Những NĐT bắt đáy sẽ lại loay hoay trong câu chuyện nên bán hay giữ khi giá cổ phiếu cứ giảm từ từ.

Vẫn đang trong xu hướng điều chỉnh giảm

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Chỉ số VN-Index đã có hai lần phản ứng thành công với ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật 565 điểm. VN-Index đóng cửa phục hồi đáng kể so với mức thấp nhất, tương đương với mức giá mở cửa và về sát đường MA20. Chỉ số HNX-Index cũng tăng điểm trở lại khi tiếp cận mốc hỗ trợ của đường MA20. Dòng tiền tập trung tại nhóm mã cổ phiếu midcap và penny đã giảm điểm sâu. Lực cầu tại nhóm cổ phiếu Bluechips dự kiến chịu áp lực bán trong kỳ tái cơ cấu sắp tới của quỹ ETF còn hạn chế.

Chúng tôi duy trì quan điểm, thị trường vẫn đang trong xu hướng điều chỉnh giảm tại ngưỡng cản kỹ thuật. Vùng hỗ trợ gần nhất của VN-Index là khoảng 560-565 điểm. Vùng hỗ trợ mạnh hơn là mốc 550 điểm. Vùng hỗ trợ đối với HNX-Index là khoảng 76-78 điểm. Chúng tôi chưa có quan ngại về xu hướng thị trường trong trung dài hạn.

Nhà đầu tư trung dài hạn có thể xem xét tích lũy cổ phiếu Bluechips ở những phiên/thời điểm thị trường giảm mạnh. Đối với nhà đầu tư ngắn hạn, tỷ trọng margin cao, nên hạ tỷ lệ margin, nhằm chủ động với xu hướng điều chỉnh của thị trường.

Giữ quan điểm thận trọng về sự hồi phục

(CTCK Sài Gòn - SSI)

Thị trường biến động khá mạnh trong phiên 4/3, áp lực thoát hàng vẫn còn mạnh trong đầu phiên sáng đã khiến cho 2 chỉ số giảm mạnh, tuy vậy, khi chạm các mức hỗ trợ, các chỉ số này bật tăng trở lại nhờ hoạt động bắt đáy mạnh lên. Dòng tiền sau phiên điều chỉnh mạnh dường như vẫn chưa rời khỏi thị trường nhưng tâm lý thận trọng đã khiến thanh khoản trên hai sàn thu hẹp.

TTCK trong nước và trên thế giới nhìn chung đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi những diễn biến chính trị và quân sự phức tạp đang diễn ra tại Ukraine. Mức độ leo thang của những căng thẳng diễn ra tại đây sẽ tác động tới thị trường tài chính toàn cầu trong thời gian tới.

Như đã đề cập ở bản tin trước, việc TTCK trong nước điều chỉnh sau hơn 2 tháng tăng mạnh là cần thiết cho việc tăng trưởng trong trung và dài hạn, mối lo ngại về tình hình tại Ukraine như là chất xúc tác khiến cho phiên điều chỉnh hôm qua diễn ra mạnh mẽ và NĐT có vẻ như đã bán hơi quá tay.

Chúng tôi vẫn giữ quan điểm thận trọng về sự hồi phục của thị trường trong những phiên tiếp theo, NĐT vẫn nên giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu và theo dõi diễn biến giao dịch trên thị trường, ít nhất là tới phiên T+3 của phiên hôm qua trước khi ra quyết định mở lại các vị thế mua.

Vẫn giữ quan điểm thận trọng

(CTCK BIDV - BSC)

Mặc dù giảm mạnh trong đầu phiên sáng do chịu ảnh hưởng tiêu cực từ diễn biến thị trường thế giới, việc nỗ lực tăng trở lại theo từng nhịp hồi trong phiên cho thấy tâm lý nhà đầu tư tạm thời tương đối ổn định. Thanh khoản không cao phản ánh bên nắm giữ cổ phiếu vẫn đang kỳ vọng những mức giá tốt hơn vùng giá hiện tại, tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng tâm lý này có thể bị xói mòn nhanh chóng nếu thị trường diễn biến xấu đi.

Bên cạnh đó, nếu nhìn từ phía bên mua, lực cầu chưa được cải thiện rõ nét. Đặc biệt, đã 2 phiên liên tiếp khối ngoại đảo chiều bán ròng trên diện rộng với quy mô lớn sẽ càng khiến lực cầu rè rặt hơn trong giai đoạn này.

Nói chung, diễn biến của khối ngoại đang không ủng hộ thị trường trong giai đoạn này, đặc biệt khi lượng bán ra lại tập trung vào các trụ cột bluechip lớn.

Hiện tại, như chúng tôi đã đề cập, mức premium của VNM ETF đang giảm nhanh còn FTSE đang ở mức discount nhẹ. Với tốc độ giảm hiện tại, VNM ETF đang về mức cân bằng và nhiều khả năng sẽ dừng mua vào thứ 5 hoặc thứ 6 tuần này.

Nói chung, quan sát quá khứ một chu kỳ tăng điểm kéo dài từ 2-4 tháng đều có thời gian điều chỉnh kéo dài từ 2 đến 4 tuần sau đó. Do đó chúng tôi vẫn giữ quan điểm thận trọng và lưu ý khả năng tiếp tục điều chỉnh sâu hơn của thị trường trong các phiên tới. Vùng hỗ trợ 565 (vùng bật lại trong phiên hôm nay) chưa được coi là vùng hỗ trợ “cứng” và nếu bị xuyên thủng VN-Index có thể giảm xuống vùng quanh 550.

NĐT cần lưu ý để tránh mua ở những phiên này hồi phục khối lượng thấp mà nên đợi những phiên tăng điểm có kèm với khối lượng giao dịch lớn hoặc khi thị trường tạo mặt bằng giá với 1 vài phiên tăng nhẹ khối lượng tăng dần.

Chưa thể sớm khởi sắc trở lại

(CTCK FPT - FPTS)

Thị trường đã có dấu hiệu bình ổn trở lại khi mà tâm lý hoảng loạn, bi quan của nhà đầu tư đã chuyển dịch dần sang tích cực hơn trong phiên giao dịch ngày 4/3. Điều này được thể hiện ở việc các chỉ số vẫn lao dốc khá mạnh trong nửa đầu phiên buổi sáng và đà giảm được thu hẹp đáng kể về cuối phiên.

Với sự trở lại của nhiều cổ phiếu được nhà đầu tư chú ý như SSI, PVT, PVX... và sự chủ động của lực cầu bắt đáy thì các chỉ số trên hai sàn chỉ giảm nhẹ với thanh khoản được duy trì ở mức cao.

Như vậy, diễn biến xấu về việc các chỉ số tiếp tục điều chỉnh sâu và phá vỡ các mốc hỗ trợ ngắn hạn đã tạm thời dừng lại. Tuy nhiên, những kỳ vọng về khả năng hồi phục trở lại của thị trường vẫn phải chịu mức rủi ro cao do nhiều yếu tố bất lợi mới xuất hiện.

Hiện tại, xu thế giao dịch của khối ngoại đã không còn lạc quan như trước, nhà đầu tư nước ngoài đã có phiên thứ 2 bán ròng liên tiếp với chênh lệch bán ròng lên tới 154 tỷ đồng. Trong khi đó, khoảng thời gian từ 03/03 đến 21/03 cũng là giai đoạn các quỹ ETFs cơ cấu lại danh mục; trong quá khứ ở các đợt review ETFs trước thì thị trường thường đi vào xu thế tích lũy và tâm lý nhà đầu tư cũng thận trọng hơn.

Theo đó, những phiên sắp tới, chúng tôi thiên về khả năng thị trường sẽ chưa thể sớm khởi sắc trở lại, các chỉ số có thể sẽ tiếp diễn trạng thái giằng co - tích lũy để kiểm tra lại những ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn.

Tuy nhiên, đây cũng sẽ là cơ hội để nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục cho tốt hơn, việc lựa chọn cổ phiếu cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng, trong đó đặc biệt lưu ý đến những cổ phiếu cơ bản đang có xu hướng tăng trưởng tốt trong tương lai.

Nên chờ tín hiệu chốt lời và hạn chế giao dịch

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

Có vẻ như điều được các nhà đầu tư cá nhân quan tâm nhất trong giai đoạn hiện tại là có nên giảm tỷ trọng cổ phiếu để giảm rủi ro hay không. Chúng tôi quan sát thấy trong những phiên gần đây, các nhà đầu tư đang giữ tỷ trọng đòn bẩy rất cao và điều này đồng nghĩa với việc gia tăng rủi ro.

VN-Index giảm đáng kể thời gian đầu của phiên 4/3 do áp lực bán tiếp nối từ phiên trước. Thị trường có lúc xuống thấp nhất tại 563 điểm (tương đương mất 1,7%) trước khi hồi phục từ mức này và đóng cửa tại 570 điểm, xuống 0,6%. Mặc dù mức giảm điểm đáng kể, áp lực bán tập trung tại các cổ phiếu vốn hóa cao. Chỉ số VN-30 giảm 0,8%, mạnh hơn mức chung của toàn bộ sàn HSX. Số lượng cổ phiếu tăng và giảm cũng tương đối cân bằng (108 so với 112).

VN-Index vẫn bảo toàn nguyên tắc đỉnh và đáy sau cao hơn, do đó xu hướng tăng vẫn còn hợp lệ. Tuy nhiên, tín hiệu phân kỳ tiêu cực cho thấy rằng có khả năng chỉ số này bước vào một đợt điều chỉnh hoặc một đợt đi ngang tích lũy kéo dài. Chúng tôi cho rằng, các nhà đầu tư nên chờ tín hiệu chốt lời và hạn chế giao dịch cho tới khi có tín hiệu như vậy xảy ra.

Sẽ tăng điểm nhẹ

(CTCK Maritime Bank - MSBS)

Nhà đầu tư vẫn rất thận trọng kể cả khi trong buổi sáng nay có thời điểm thị trường giảm mạnh và giá cổ phiếu trở nên hấp dẫn. Lực cầu bắt đáy đã xuất hiện nhưng chưa thực sự thuyết phục để thị trường xác lập trở lại xu thế tăng điểm. Do đó, trong phiên 5/3 chúng tôi cho rằng, thị trường sẽ chỉ tăng điểm nhẹ, thanh khoản chưa có đột biến.

Lo ngại về một đợt giảm điểm tiếp theo chưa qua đi, vì vậy, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư chưa nên giải ngân thời điểm này, quan sát diễn biến thị trường để chờ đợi tín hiệu phục hồi rõ ràng hơn.

TL

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục