Nhận định thị trường ngày 30/6: Vẫn chưa tích cực

(ĐTCK) Thị trường sẽ tiếp tục duy trì nhịp điều chỉnh tích lũy trong ngắn hạn trong bối cảnh kỳ vọng đang được hiện thực hóa, các thông tin tích cực mới chưa xuất hiện trong khi một số yếu tố rủi ro vẫn hiện hữu.
Nhận định thị trường ngày 30/6: Vẫn chưa tích cực

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 30/6.

Tiếp tục duy trì nhịp điều chỉnh tích lũy trong ngắn hạn

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Thông tin về việc nới room cho khối ngoại chính thức được thông qua dường như vẫn chưa thực sự tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực. Điều này cũng dễ hiểu khi thông tin này đã phản ánh vào mặt bằng giá trong suốt khoảng thời gian hơn 1 tháng vừa qua do đã được đồn đoán trên thị trường từ khá lâu.

Ngoài ra, tới đầu tháng 9 Nghị định 60/2015 mới chính thức có hiệu lực và cũng phải mất vài tháng nữa để các doanh nghiệp tiến hành xin ý kiến cổ đông, sửa điều lệ, đăng ký tỷ lệ với UBCKNN.. Do vậy, sẽ là một khoảng thời gian khá dài trước khi việc nới room tại một số doanh nghiệp đã hết room chính thức có hiệu lực.

Thị trường sẽ tiếp tục duy trì nhịp điều chỉnh tích lũy trong ngắn hạn trong bối cảnh kỳ vọng đang được hiện thực hóa, các thông tin tích cực mới chưa xuất hiện trong khi một số yếu tố rủi ro vẫn hiện hữu. Nhà đầu tư nên tiếp tục giữ trạng thái cổ phiếu trong danh mục ở mức an toàn.

Xu hướng tiếp theo sẽ là vận động đi ngang

(CTCK FPT - FPTS) 

Với quan điểm thận trọng được đưa ra trong các báo cáo gần đây, xu hướng tiếp theo của VN-Index sẽ là vận động đi ngang. Theo đó, trạng thái tích lũy phía trên mức hỗ trợ mạnh 570 điểm sẽ là nhịp điều chỉnh cần thiết sau giai đoạn tăng điểm tích cực vừa qua. Để mất mức hỗ trợ quan trọng này, chỉ số sẽ rơi vào khu vực nguy hiểm, có thể xảy ra điểm đảo chiều giảm mạnh.

Cần chú ý rằng yếu tố thanh khoản đang trở thành vấn đề rất lớn, phản ánh sự thận trọng cao trong các hoạt động giao dịch của thị trường. Do đó, các hoạt động giải ngân chạy theo các nhóm cổ phiếu đang có sự hội tụ chặt chẽ của dòng tiền sẽ sớm kết thúc khi yếu tố thanh khoản trong các phiên tới không được cải thiện. Ngược lại, nếu dòng tiền tiếp tục hồi phục với sự tăng trưởng của chỉ số thì nhóm cổ phiếu có thông tin tích cực về kết quả kinh doanh quý II sẽ là trọng điểm của hoạt động cơ cấu danh mục sắp tới.

Những cổ phiếu tăng mạnh sẽ chịu áp lực chốt lời sớm hơn

(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm Ngân hàng tăng mạnh chưa đủ để VN-Index lấy lại mức cao nhất phiên trước đó, nhưng cây nến tăng điểm đầy sức mạnh. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng không nên lạc quan với mức điểm tăng này khi chứng kiến những gì đã xảy ra ở tuần trước đó.

Thị trường vẫn có thể giảm trở lại và bóng dáng của phiên tăng này có thể không để lại “dấu vết”. Tuy nhiên, phiên tăng điểm 29/6 khá tích cực, nó thể hiện cả ở số lượng cổ phiếu tăng giá cho đến khối lượng giao dịch. Và hơn nữa phiên cuối cùng của tháng 6 có thể sẽ là cơ hội tốt để các quỹ chốt danh mục (NAV) ở mức tốt nhất. Tất nhiên, thị trường nhiều khả năng lại phân hóa bởi những cổ phiếu tăng mạnh sẽ chịu áp lực chốt lời sớm hơn.

Cần phải tính đến rủi ro điều chỉnh ngắn hạn

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Chúng tôi tiếp tục đánh giá triển vọng tăng trưởng trong trung-dài hạn của thị trường đang ở mức tích cực với các yếu tố hỗ trợ như lộ trình ký kết TPP, mở room (hiện tại mới dừng lại ở nhóm các công ty chứng khoán), cho phép giao dịch T0 và thị trường chứng khoán phái sinh…

Tuy nhiên, với tín hiệu sụt giảm của thanh khoản, phân hóa của dòng tiền và sự thiếu đồng bộ của các văn bản pháp luật liên quan có thể sẽ sớm tạo ra điểm “chùng” trong tâm lý nhà đầu tư, rủi ro điều chỉnh ngắn hạn cần phải được tính đến.

VN-Index sẽ tăng hướng tới mốc 600 điểm

(CTCK Maritime Bank – MSBS)

Thị trường có phiên tăng điểm mạnh khá bất ngờ với thanh khoản tốt đã cho thấy dòng tiền đứng ngoài sẵn sàng tham gia thị trường mỗi khi thị trường điều chỉnh giảm điểm. Thông tin nới room  cho khối ngoại cũng đang hỗ trợ tốt cho thị trường.

Chúng tôi cho rằng, phiên giao dịch 30/6 sẽ là phiên tăng điểm. VN-Index sẽ tăng hướng tới mốc 600 điểm. Dòng tiền sẽ tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu blue chips lớn cũng như các cổ phiếu  có liên quan đến câu chuyện nới room. Một số mã đáng chú ý: BVH, FCN, VIS, FCN, DIG.

Không còn giữ được đà tăng

(CTCK BIDV - BSC)

Phiên tăng điểm 29/6 có sự hỗ trợ rất lớn từ nhóm cổ phiếu lớn, nhiều khả năng do tác động của khối ngoại. Phiên ngày 30/6 lực mua có thể không còn duy trì mạnh, thị trường có thể không còn giữ được đà tăng khá nữa.

Nhà đầu tư nên chốt lời ở cổ phiếu đã tăng khá. Nhà đầu tư trung và dài hạn tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại.

Vẫn chưa phát đi nhiều tín hiệu tích cực

(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)

Mặc dù VN-Index đã tăng mạnh trở lại nhờ thông tin nới room nhưng thị trường vẫn chưa phát đi nhiều tín hiệu tích cực do 1) Thanh khoản giảm trong phiên phục hồi cho thấy dòng tiền tham gia thị trường tỏ ra thận trọng; 2) Các thông tin tích cực như nới room, tăng trưởng GDP 6 tháng hay TPA đã được công bố và nhà đầu tư nội hiện đang chủ yếu chốt lời dù khối ngoại đang mua ròng trở lại và 3) Câu chuyện Hi Lạp hay Biển Đông vẫn tìm ẩn nhiều rủi ro.

Xét về mặt kĩ thuật, VN-Index vẫn chưa thể bức phá các ngưỡng 595-600 và đây được xem là ngưỡng kháng cự mạnh trong những phiên tới. Theo đó, những phiên tăng là cơ hội để nhà đầu tư đẩy mạnh chốt lời ngắn hạn, đặc biệt ở các mã đã tăng nhiều trong thời gian qua. Trong khi đó, kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm dần được công bố sẽ là cơ sở để nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục cho mục tiêu trung hạn. Chúng tôi tiếp tục yêu thích nhóm bất động sản-xây dựng, dệt may, thủy sản, tiêu dùng và vật liệu xây dựng.

Dịch chuyển danh mục theo hướng dòng tiền

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)  

Sự phân hóa của thị trường đang ở mức cao và dòng tiền đang tập trung mạnh ở nhóm bluechips trong khi có vẻ khá “lạnh nhạt” với nhóm đầu cơ.

Nhìn chung triển vọng trung hạn của thị trường vẫn tích cực, dù vậy nhà đầu tư cần dịch chuyển danh mục của mình theo sự chú ý của dòng tiền để hưởng lợi ích tốt nhất trong xu hướng tăng hiện nay.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục