Nhận định thị trường ngày 24/3: Vẫn đang tìm đáy

(ĐTCK) Thị trường tiếp tục quá trình tìm đáy. Nhà đầu tư nên giữ thái độ thận trọng. Các phiên hồi kỹ thuật là cơ hội tốt để thoát khỏi trạng thái nắm giữ cổ phiếu trong danh mục.
Nhận định thị trường ngày 24/3: Vẫn đang tìm đáy

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 24/3.

Thị trường tiếp tục quá trình tìm đáy

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh mẽ và quyết tâm. Áp lực của gần 1 triệu chứng chỉ quỹ (khoảng 17,8 triệu USD) của quỹ ETF VNM bị rút trong phiên ngày 19/3 tuần trước đã khiến những diễn biến tiêu cực của khối này vẫn chưa dừng lại. Theo thống kê, từ đầu năm tới nay lượng vốn rót ròng vào thị trường Việt Nam đã giảm khoảng 49,2% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù đó chỉ là con số thống kê của dòng vốn ETF, nhưng cùng với diễn biến tăng liên tục của đồng USD, có thể nhận thấy diễn biến giao dịch của khối ngoại có thể sẽ trở thành yếu tố rủi ro của thị trường trong năm nay.

Thị trường tiếp tục quá trình tìm đáy. Nhà đầu tư nên giữ thái độ thận trọng. Các phiên hồi kỹ thuật là cơ hội tốt để thoát khỏi trạng thái nắm giữ cổ phiếu trong danh mục.

Sẽ xuất hiện lực cầu bắt đáy tốt   

(CTCK Maritime Bank – MSBS)

Thị trường đang ở vùng hỗ trợ mạnh và có nhiều khả năng sẽ sớm kết thúc quá trình điều chỉnh quanh mốc 570 điểm. Có thế thấy thanh khoản tại vùng giá hiện tại đang có dấu hiệu được cải thiện, cao hơn so với bình quân 10 phiên giao dịch trước đó.

Ngày 24/3, chúng tôi cho rằng chỉ số VN-Index vẫn sẽ có những dao động mạnh quanh mốc 570 điểm và sẽ xuất hiện lực cầu bắt đáy tốt mỗi khi chỉ số giảm sâu trong phiên. Mức điểm số thấp nhất mà VN-Index có thể chạm đến trong phiên 24/3 là 565-568 điểm và sau đó sẽ bật ngược  trở  lại và có thể tăng điểm vào cuối phiên.

Áp lực bán có thể gia tăng

(CTCK BIDV - BSC)

Thị trường chưa thể nhanh chóng tăng điểm mạnh mẽ trở lại do khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh trong khi lực cầu của khối nội vẫn yếu. Phiên 23/3, dự tính VNM ETF bán ra tầm 700.000 chứng chỉ quỹ, tương ứng khoảng 200 tỷ đồng. Hơn nữa, trạng thái discount của quỹ có vẻ như đang được cải thiện, vì thế áp lực bán của khối ngoại có thể sẽ giảm đi. Tuy nhiên, lượng hàng lớn bắt đáy hôm thứ Sáu sẽ về tài khoản vào thứ Tư tuần này, do vậy áp lực bán của khối nội có thể sẽ tăng lên.

Nhà đầu tư tiếp tục đứng ngoài, quan sát diễn biến của khối ngoại cũng như của thị trường chung trước khi tiến hành giải ngân. Các cổ phiếu cơ bản, có kết quả kinh doanh tốt tiếp tục được quan tâm trong thời điểm hiện tại.

Hạ tỷ trọng ngắn hạn

(CTCK MB - MBS)

Thị trường giảm điểm trở lại trong phiên giao dịch 23/3. Không còn biến động bất thường từ giao dịch của các quỹ ETF nhưng thị trường vẫn có sự dao động mạnh. Các mã cổ phiếu lớn như GAS, MSN, HSG hồi phục khá giúp thị trường tăng điểm trong buổi sáng. Tuy nhiên, các cổ phiếu nhóm ngân hàng như CTG, BID, VCB và các cổ phiếu trong VN30 giảm giá mạnh khiến thị trường giảm về cuối phiên. Nhà đầu tư nước ngoài quay lại bán ròng mạnh trong phiên.

Nhà đầu tư thận trọng trong ngắn hạn, duy trì tỷ lệ tiền mặt cao trong danh mục và chưa vội vàng bắt đắy khi thị trường chưa cho thấy tính ổn định.

Thị trường sẽ chỉ biến động trong một biên độ đi ngang  

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)  

Đúng như lo ngại trước đó, việc không thể đảo ngược hành động bán ròng của khối ngoại đã khiến tình hình trở nên tiêu cực hơn đáng kể khi VN-Index đã xác nhận đánh mất hỗ trợ 575 điểm, trong khi HNX-Index đã tạo ra điều này sớm hơn trong tuần trước.

Với diễn biến nêu trên, cả hai chỉ số đều cho kết quả kém lạc quan hơn và khả năng trong thời gian tới, thị trường sẽ chỉ biến động trong một biên độ đi ngang. Với VN-Index là vùng 550-600 điểm và với HNX-Index là khu vực 82 – 87 điểm.

Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư giảm tỷ trọng cổ phiếu về lại mức cân bằng với tiền mặt (50/50) để phù hợp hơn với tình trạng hiện nay của thị trường. Việc điều chỉnh tỷ lệ có thể chờ đợi đợt hồi kỹ thuật trong các phiên tới để thực hiện.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục