Nhận định thị trường ngày 2/4: Giai đoạn điều chỉnh đang hình thành

(ĐTCK) Một giai đoạn điều chỉnh và tích lũy của thị trường sau giai đoạn tăng mạnh có thể đang hình thành, tuy nhiên mức điều chỉnh sẽ không quá sâu.

Sẽ giao dịch chậm lại

CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS)

Thị trường ngày 1/4 đã có một phiên giảm điểm khá mạnh, chỉ số VN-Index có thời điểm giảm gần 10 điểm về ngưỡng 582,3 điểm. Áp lực bán ra là khá mạnh cho dù lực cầu bắt đáy tương đối tốt, nhưng điều đó là chưa đủ.

Việc cầu mua bắt đáy có xu hướng tăng lên sẽ chỉ giúp cho thị trường bình lặng hơn bởi cầu mua vào chủ yếu là lựa chọn giá thấp thì rất khó để thị trường tăng trở lại. Những áp lực bán như thế này cũng sẽ khiến cho NĐT nhanh chóng cân bằng lại tài chính, và áp lực giảm mạnh vì thế cũng sẽ được hạn chế. Tuy nhiên, theo chúng tôi thì điều này vẫn chưa thực sự diễn ra, có nghĩa ở một nhóm nào đó áp lực bán vẫn còn lớn trong đó nhóm cổ phiếu Penny tăng nóng vừa qua khiến chúng tôi lo ngại nhất.

Do vậy ở phiên giao dịch ngày 2/4 thị trường sẽ giao dịch chậm lại, nhóm bluechips sẽ làm trụ đỡ cho thị trường nhưng ngược lại nhóm tăng nóng như DLG, PXM, PTL, HAR, AGR... vẫn sẽ chịu áp lực bán. Thị trường vẫn trong xu hướng giảm nhưng mức giảm sẽ ít hơn. NĐT vẫn nên tận dụng những phiên như thế này để cơ cấu lại danh mục.

Xem xét giải ngân một phần danh mục

CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS)

Chỉ số VN-Index tiếp tục phiên giảm điểm với khối lượng giao dịch tăng. Chỉ số HNX-Index tiếp phiên giảm điểm sau diễn biến bật lên từ ngưỡng hỗ trợ của đường MA12 ngày. Mức độ giảm điểm tăng so với phiên giao dịch trước, số lượng cổ phiếu giảm chiếm đa số. Nhóm cổ phiếu nhỏ đã tăng nóng giảm điểm mạnh, đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản, khoáng sản.

Với phiên giảm điểm 1/4, chỉ số VN-Index đã giảm qua mốc hỗ trợ gần nhất 585 điểm với thanh khoản tăng khá mạnh. Chỉ số HNX-Index cũng đã tiến gần ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật 85 điểm.

Nhà đầu tư trung hạn xem xét giải ngân một phần danh mục ở những thời điểm thị trường giảm sâu, tập trung vào những cổ phiếu cơ bản, dự kiến kết quả kinh doanh quý I khả quan.

Sẽ sớm cân bằng

CTCK FPT (FPTS)

Thị trường trong phiên 1/4 chuyển biến theo chiều hướng xấu đi với đà giảm cuối phiên là khá mạnh, đặc biệt là sàn HNX. Chỉ số HNX-Index đóng cửa để mất tới 2,95 điểm xuống còn 86,49 điểm trước áp lực bán mạnh mẽ xuất hiện trong phiên chiều.

Diễn biến giảm sâu của nhóm cổ phiếu chủ chốt đã động mạnh lên chỉ số, trong suốt cả phiên HNX-Index gần như không có sự phục hồi nào đáng kể. Có thể thấy rằng, rủi ro cao vẫn đang tiềm ẩn từ phía nhà đầu tư nội bởi lượng margin trên thị trường khá cao dẫn đến hiện tượng bán tháo xuất hiện mỗi khi thị trường rung lắc mạnh. Điều này khiến cho xu thế chung bắt ổn và khó dự đoán hơn khi mà các ngưỡng hỗ trợ đều không thể phát huy vai trò đỡ giá. Tuy vậy, điểm tích cực là dòng tiền vẫn luôn hiện hữu trong thị trường và có dấu hiệu hoạt động mạnh hơn khi thị trường điều chỉnh, thể hiện qua giá trị cả hai sàn phiên hôm nay lên tới 4.000 tỷ đồng.

Ngoài ra , những thông tin công bố sau đại hội cổ đông và kỳ vọng lạc quan với kết quả kinh doanh quý 1 vẫn đang phát huy vai trò hỗ trợ đối với giá cổ phiếu, mặc dù tác động này không quá rộng và chỉ xuất hiện tại một vài nhóm ngành nhất định.

Theo đó, chúng tôi cho rằng khi áp lực bán margin qua đi, thị trường sẽ sớm cân bằng và sau đó sẽ tích cực trở lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường vẫn có khả năng rung lắc mạnh thì nhà đầu tư vẫn nên duy trì sự thận trọng nhất định, các danh mục lướt sóng nên chờ xem phản ứng của thị trường và khối ngoại, tạm thời dừng việc mở ra các trạng thái mua mới.

Vẫn nên nắm giữ cổ phiếu trong xu hướng tăng

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Như nhắc tới trong các bản tin trước, các yếu tố có thể dẫn dắt thị trường trong ngắn hạn bao gồm: thứ nhất, giao dịch bán ròng của khối ngoại; và thứ hai, tỷ trọng đòn bẩy cao của các nhà đầu tư trong nước. Khối ngoại có chuỗi bán ròng tới bốn tuần liên tiếp, là đợt bán dài nhất kể từ tháng 8/013. Trong khi đó, quan sát của chúng tôi thấy các nhà đầu tư trong nước sử dụng đòn bẩy rất cao, điều này có thể khiến giá giảm mạnh nếu họ cắt giảm rủi ro.

Hai yếu tố này tạm thời nổi lên trên các yếu tố vĩ mô tích cực khác, như giá trị xuất khẩu tăng 15% vào tháng 1 và dự trữ ngoại hối tiếp tục gia tăng Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm 7,7 tỷ USD.

Về mặt kỹ thuật, việc VN-Index rớt xuống dưới đường MA-25 ngày cho một dấu hiệu thận trọng, nhất là với các nhà đầu tư có biên độ thời gian siêu ngắn và sử dụng đòn bẩy cao. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi vẫn dựa vào hỗ trợ quan trọng hơn tại 565 điểm. Chừng nào mức này chưa bị phá vỡ, xu hướng tăng giá của VN-Index vẫn được duy trì. Chúng tôi cho rằng, hỗ trợ 565 này có thể đóng vai trò với VN-Index trong năm 2014 như hỗ trợ 460 trong năm 2013. Chúng tôi cho rằng, các nhà đầu tư vẫn nên nắm giữ cổ phiếu trong xu hướng tăng.

Mức điều chỉnh sẽ không quá sâu

CTCK Rồng Việt (VDSC)

VN-Index giao dịch lình xình dưới mức tham chiếu trong suốt cả thời gian giao dịch, nhưng lệnh bán đột ngột tăng mạnh vào cuối phiên chiều khiến thị trường giảm mạnh, kết phiên VN-Index đã rời xa mốc 590 điểm trong khi HN-Index có mức giảm mạnh lên đến -3,3%.

Tính chung trên cả hai sàn số mã giảm điểm chiếm đến gần 70%, hiện tượng điều chỉnh giá diễn ra trên bình diện rộng và không phân biệt nhóm cổ phiếu.

Một giai đoạn điều chỉnh và tích lũy của thị trường sau giai đoạn tăng mạnh có thể đang hình thành, tuy nhiên chúng tôi cho rằng, mức điều chỉnh sẽ không quá sâu và nhà đầu tư theo quan điểm trung và dài hạn vẫn có thể tìm thấy cơ hội tốt cho danh mục của mình.

Tiếp tục xu hướng giảm ngắn hạn

CTCK Maritime Bank (MSBS)

Thị trường tiếp tục diễn biến xấu trong ngắn hạn với phiên điều chỉnh thứ 2 liên tiếp. Nhà đầu tư thực hiện chốt lời, lực cầu yếu cũng với việc thị trường trong giai đoạn không có nhiều thông tin hỗ trợ tích cực là nguyên nhân chính khiến cả hai chỉ số giảm điểm.

Phiên giao dịch ngày 2/4, chúng tôi cho rằng, thị trường tiếp tục xu hướng giảm trong ngắn hạn; khả năng thị trường sẽ giảm điểm mạnh đầu phiên sau đó dần hồi phục và cuối phiên sẽ chỉ giảm nhẹ. Thời điểm hiện nay đang là giai đoạn thị trường diễn biến phức tạp, MSBS khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng và chỉ tiến hành giải ngân khi có những tín hiệu chắc chắn.

Cầu sẽ tiếp tục dè dặt

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Thị trường có phiên điều chỉnh thứ 2 liên tiếp. Khác với phiên 31/3, khi nhóm chứng khoán giúp giữ nhịp thị trường, phiên 1/4 cả hai chỉ số đều lao dốc mạnh về cuối phiên khi đà giảm điểm diễn ra trên diện rộng, không còn sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Khối lượng giao dịch tăng đáng kể so với hai phiên gần đây nhưng thanh khoản tăng chủ yếu do sự quyết liệt của người bán.  Đáng chú ý, khối ngoại có phiên mua ròng thứ hai liên tiếp với giá trị tương đối lớn (gần 90 tỷ đồng trên sàn HSX).

Trên thực tế, không có thông tin kinh tế vĩ mô nào tiêu cực tác động tới diễn biến thị trường trong các phiên điều chỉnh gần đây. Đà giảm của chỉ số chủ yếu xuất phát từ sự cộng hượng lực bán tại cùng một thời điểm. Dòng vốn nóng sau một thời gian dài vận động mạnh đang cho dấu hiệu “muốn tạm nghỉ ngơi”. Kể từ sau hai phiên 25/03 và 26/03 có khối lượng giao dịch kỷ lục (trên 400 triệu cổ phiếu/phiên trên cả hai sàn), thanh khoản đã liên tục đi xuống và chỉ còn duy trì ở mức thấp. Phiên giảm điểm ngày 1/4 cho thấy nhiều khả năng sự hồi phục của chỉ số vào cuối tuần trước là một bull trap và có thể hai chỉ số sẽ còn sụt giảm xuống các mức điểm thấp hơn.

Chúng tôi cho rằng, trong một vài phiên tới, nếu cầu vào thị trường tiếp tục dè dặt như hiện nay, sự điều chỉnh có thể sẽ tiếp diễn với mức độ mạnh hơn. Tuy vậy, mùa đại hội cổ đông đang dần bước vào thời điểm cao điểm có thể sẽ là thông tin hỗ trợ cho từng cổ phiếu riêng lẻ, khiến mức độ phân hóa của thị trường tăng lên. Trong bối cảnh rủi ro thị trường chung vẫn được đánh giá ở mức cao, nhà đầu tư chỉ nên duy trì một tỷ trọng cổ phiếu thấp và tạm thời đứng ngoài quan sát.

TL

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục