Nhận định thị trường ngày 21/3: Đề phòng ATC

(ĐTCK) Ở phiên 21/3, nhà đầu tư cũng không nên ngạc nhiên với diễn biến tại phiên ATC bởi tại đây là ngày cuối cùng các quỹ ETF sẽ chốt toàn bộ số lượng cần mua và bán.
Nhận định thị trường ngày 21/3: Đề phòng ATC

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 21/3.

Rung lắc sẽ xuất hiện nhiều hơn với cường độ mạnh

(CTCK FPT - FPTS)                                                                      

Như đã nhận định, kịch bản hồi phục của các chỉ số đã gặp khó khăn khi nhà đầu tư nước ngoài duy trì xu hướng bán ròng mạnh, lượng bán ra tập trung nhiều tại nhóm các cổ phiếu vốn hóa lớn khiến cho hoạt động mua bán của nhà đầu tư nội có phần dè dặt hơn.

Theo quan sát, mức tăng trưởng rất tốt của nhiều cổ phiếu lớn trong giai đoạn vừa qua đang trở thành áp lực cho VN-Index trong nỗ lực duy trì xu thế tăng ngắn hạn. Trong khi đó, sàn HNX, nơi không có sự xuất hiện của nhiều cổ phiếu lớn lại đang ít chịu ảnh hưởng của áp lực điều chỉnh này nếu so với mức giảm của VN-Index.

Trong phiên giao dịch ngày 21/3, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục cơ cấu danh mục và điều này sẽ khiến cho sự phân hóa cổ phiếu trở nên rõ rệt hơn. Thị trường sẽ sôi động hơn nhưng những rung lắc vì thế có thể xuất hiện nhiều hơn với cường độ mạnh.

Tuy nhiên, với thanh khoản toàn thị trường được giữ ở mức cao cho thấy tâm lý thị trường chung vẫn lạc quan, cùng với hàng loạt thông tin tốt đang giữ vai trò hỗ trợ cho thị trường thì những đánh giá về xu hướng thị trường của chúng tôi trong ngắn hạn vẫn là tích cực.

Do vậy, nhà đầu tư vẫn có thể cân nhắc mua vào cổ phiếu tại những thời điểm thị trường điều chỉnh sâu, ưu tiên các cổ phiếu cơ bản chưa tăng nhiều hoặc đã giảm về vùng giá hấp dẫn.

Tin từ FED sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến chỉ số

(CTCK Đầu tư Việt Nam - IVS)

Ý định sẽ nâng lãi suất lên từ cuộc họp của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tối qua là một bất ngờ so với dự định. Điều này dấy lên lo ngại với TTCK toàn cầu trong đó có Việt Nam. Chính thông tin này là nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động bán mạnh của nhà đầu tư ở phiên giao dịch 20/3. Sâu xa hơn có lẽ họ lo ngại về dòng vốn ngoại sẽ bị hút ra, và tác động trực tiếp đến dòng tiền của các quỹ.

Ở phiên ngày 21/3, tất yếu sẽ chịu sự tác động của kết quả phiên giao dịch từ thị trường Mỹ tối 20/3. Nếu tiếp tục với một phiên giảm sâu thì VN-Index sẽ khó giữ được mốc 600 điểm. Ngược lại nếu như mức độ giảm vừa phải thì kỳ vọng về mốc này hoàn toàn có thể.

Việc chỉ số VN-Index có phiên thứ 4 liên tiếp loanh quanh tại mốc 600 điểm mà chưa thực sự tạo ra cú bứt phá cũng là một rủi ro. Nhà đầu tư cần để ý tới những yếu tố này và diễn biến của phiên để hành động. Nếu như chỉ số này bục mạnh qua mốc 600 điểm, đồng thời áp lực bán xuất hiện mạnh có thể coi như một nhịp điều chỉnh đã đến. Nhưng nếu như áp lực bán yếu đi khi chỉ số giảm thì chỉ số sẽ sớm tăng trở lại mốc quan trọng.

Ở phiên 21/3, nhà đầu tư cũng không nên ngạc nhiên với diễn biến tại phiên ATC bởi tại đây là ngày cuối cùng các quỹ ETF sẽ chốt toàn bộ số lượng cần mua và bán.

Việc FED nâng lãi suất sau 5 năm duy trì đồng tiền rẻ trong khi chúng ta mới bước vào chu kỳ này. Về ngắn hạn thì thông tin trên có thể sẽ tác động đến thị trường, nhưng nhìn về trung hạn thì thị trường vẫn đang chuẩn bị cho cú tăng mạnh trong giai đoạn tới đây.

Thị trường sẽ tăng trở lại 

(CTCK Maritime Bank – MSBS)

Tâm lý chốt lời hoàn toàn dễ hiểu sau chuỗi ngày tăng giá khá mạnh vừa qua. Phiên điều chỉnh 20/3 là cần thiết để thị trường tạo nền tảng cho chu kỳ tăng tiếp theo.

Chúng tôi vẫn lạc quan và cho rằng thị trường sẽ tăng trở lại trong phiên 21/3 khi lực cầu vào mạnh cổ phiếu ở các mức giá thấp. Vấn đề quan trọng nhất giai đoạn hiện nay là lựa chọn chính xác cổ phiếu. Thực tế khi thị trường giảm mạnh, những cổ phiếu đang tích lũy  hoặc hút dòng tiền vẫn tăng điểm.

Thị trường tiếp tục rung lắc

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Đáng chú ý khối ngoại lại bán ròng mạnh trong phiên 20/3 với giá trị đạt gần 130 tỷ đồng trên sàn HOSE. Theo suy đoán, nhiều khả năng động thái bán ròng của khối ngoại có liên  quan đến hoạt động cân bằng danh mục của quỹ ETF VNM (hầu hết các mã bị nước ngoài bán ròng phiên này đều năm trong danh mục của quỹ VNM).

Theo dự kiến, danh mục mới của quỹ này sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 24/3, do vậy hai phiên cuối tuần  là cơ hội cuối cùng để quỹ bán ra nhằm đạt tỷ lệ chuẩn sau kỳ review vừa rồi. Với tổng giá trị danh mục phải bán ra trên thị trường Việt Nam khoảng 17 triệu USD (tương đương hơn 370 tỷ đồng), dự kiến quỹ VNM sẽ tiếp  tục bán ra một lượng lớn giá trị danh mục trong phiên ngày 21/3.

Thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục rung lắc trong một vài phiên tới. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục chốt lời cho danh mục ngắn hạn, đưa tỷ trọng về mức trung bình  thấp và chờ đợi các phiên  thị trường điều chỉnh mạnh để xem xét mua lại phần tỷ trọng đã bán.

Xu hướng tăng vẫn còn

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Với phiên giảm điểm này, chỉ số VN-Index đang kiểm định lại lần thứ 2 ngưỡng tâm lý 600 điểm. Ngày 21/3 là ngày cuối cùng thực hiện tái cơ cấu của quỹ ETF tại TTCK Việt Nam. Diễn biến giao dịch dự kiến tiếp tục sôi động, khi hai quỹ giao dịch chưa nhiều trong 4 phiên vừa qua. Chúng tôi duy trì quan điểm về xu hướng tăng của thị trường.

Tác động từ động thái tái cơ cấu của quỹ ETF đến VN-Index dự báo không lớn, với mốc hỗ trợ kỹ thuật khoảng 595 điểm. Theo PTKT trên đồ thị tuần, khi bứt phá qua ngưỡng cản 600 điểm, mục tiêu hướng tới của VN-Index là vùng +/-630 điểm.

Chỉ số HNX-Index  tăng điểm trở lại về cuối phiên sau phần lớn thời gian giảm điểm, nhờ diễn biến tích cực của cổ phiếu SHB. Dòng tiền tiếp tục xu hướng đầu tư ngược quỹ ETF, tập trung vào nhóm cổ phiếu quỹ này bán ra (SHB, PVS). Nhóm cổ phiếu nhỏ thị giá thấp mang tính đầu cơ, cổ phiếu chứng khoán tiếp tục thu hút dòng tiền. Các chỉ báo kỹ thuật vẫn cho tín hiệu tích cực về động lực thị trường. Theo PTKT, mục tiêu tiếp theo của HNX-Index là vùng +/- 92 điểm. Mục tiêu xa hơn là +/-100 điểm.

Nhà đầu tư nên DUY TRÌ TRẠNG THÁI DANH MỤC, nhằm chủ động với diễn biến thị trường tại ngưỡng cản kỹ thuật.

Giữ bluechip, gia tăng penny

(CTCK MB - MBS)

Về kỹ thuật, VN-Index giảm điểm nhưng vẫn được giữ ở trên mốc 600 điểm. Khối lượng giao dịch duy trì ở mức cao trên 190 triệu đơn vị cho thấy dòng tiền luân chuyển và lực cầu vẫn duy trì khá tốt. Do đó ngắn hạn thị trường khó giảm sâu mà kịch bản nghiêng về khả năng VN-INDEX sẽ dao động quanh vùng 600 -605  +/- trước khi VN-Index bứt phá qua vùng kháng cự này với các mốc điểm kỳ vọng là 615-635 trong 2 tuần tới.

Về xu hướng chung, diễn biến chốt lời và phân hóa có thể tiếp tục diễn ra khi VN-Index tạo lập vùng cân bằng mới xoay quanh mốc 600-605 trong một vài phiên tới trong đó nhóm cổ phiếu bluechip có thể có một vài phiên điều chỉnh nhẹ do đó khả năng sinh lời ngắn hạn khá yếu.

Ngược lại, nhóm cổ phiếu penny vẫn sẽ thu hút được dòng tiền nóng và tiếp tục tăng lên một mặt bằng giá mới nhất là nhóm cổ phiếu thị giá thấp sẽ có sức bật mạnh nhất. Do đó, chiến lược ngắn hạn là cơ cấu lại nhóm cổ phiếu bluechip theo hướng giữ và gia tăng tỷ trọng tại một số nhóm cổ phiếu penny và thị trường.

Điều chỉnh là cần thiết cho đà đi lên trong trung hạn

(CTCK Rồng Việt -VDSC)

Tương đồng với diễn biến trên thị trường chứng khoán thế giới, phiên 20/3, VN-Index cũng để mất 5,33 điểm và lùi về lại sát mốc 600 điểm.

Trong một phiên điều chỉnh như vậy, lực cầu vẫn tỏ ra khá dồi dào do dòng tiền tham gia bắt đáy khá mạnh, thanh khoản toàn thị trường đạt trên 5.000 tỷ đồng khiến chúng tôi nhớ đến phiên giao dịch kỷ lục cách đây tròn 1 tháng, ngày 20/2.

Dù vậy, với mức tăng khá mạnh trong thời gian vừa qua, những phiên điều chỉnh là cần thiết cho đà đi lên trong trung hạn của các chỉ số, nhà đầu tư cần cẩn trọng quan sát để có những động thái thích hợp.

Vẫn trong xu hướng tăng giá

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

Có lẽ phần nào ảnh hưởng từ việc thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ đổ dốc hơn một trăm điểm đêm trước, cộng với thị trường đã tăng dài (có 10 phiên tăng trong vòng 12 phiên gần nhất), dẫn tới áp lực chốt lời gia tăng trên thị trường cổ phiếu Việt Nam.

Phiên giao dịch 20/3, VN-Index giảm đáng kể 0,9%, đóng cửa tại mức 600 điểm. Chúng tôi nhận thấy các mã vốn hóa cao có mức giảm tương đồng với chỉ số chung, VN30 xuống với cùng tỷ lệ 0,9%. Có 145 mã giảm so với chỉ 92 mã tăng điểm.

Chúng tôi chú ý tới hé lộ của bà Chủ tịch Fed về việc lãi suất có thể sẽ gia tăng chừng 6 tháng sau khi việc cắt giảm gói QE hoàn tất. Do đó, việc lãi suất sẽ gia tăng vào khoảng đầu năm 2015 thay vì cuối năm 2015 như từ trước tới giờ thị trường vẫn tin như vậy.

Việc lãi suất gia tăng sớm hơn dự tính có thể dẫn tới việc điều chỉnh chiến lược đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài tại các thị trường mới nổi, và có thể ảnh hưởng đến chiều hướng của thị trường cổ phiếu trong nước trong trung tới dài hạn.

Trên đồ thị, xu hướng của VN-Index vẫn là tăng giá. Chúng tôi sẽ duy trì đánh giá này kể cả khi thị trường điều chỉnh sâu hơn, miễn là mức 565 điểm vẫn còn được duy trì. Các nhà đầu tư được khuyến nghị nên giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục