Nhận định thị trường ngày 20/8: Hiệu ứng xấu nhất đã qua

(ĐTCK) Hai phiên biến động mạnh và mốc 570 điểm vẫn được duy trì là một điểm nhấn tích cực. Nó chưa khẳng định chắc chắn rằng đây là vùng điểm an toàn nhưng rõ ràng hiệu ứng xấu nhất đã qua.
Nhận định thị trường ngày 20/8: Hiệu ứng xấu nhất đã qua

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 20/8.

Sẽ ổn định trở lại

(CTCK FPT - FPTS) 

Phiên biến động mạnh 19/8 mặc dù không cho tín hiệu củng cố đối với phiên tăng liền trước, nhưng vẫn mang ý nghĩa tích cực đối với xu hướng khi cho thấy lượng tiền lớn vẫn đang chờ đợi để gia nhập thị trường khi có thông tin hỗ trợ. Ngoài ra, việc chỉ số thu hẹp biên độ giảm cuối phiên cũng góp phần củng cố ngưỡng hỗ trợ mạnh ngắn hạn. Theo đó, xu hướng VN-Index có khả năng sẽ ổn định trở lại trong các phiên cuối tuần.

Về chiến lược giao dịch, do thị trường đang trong giai đoạn rất nhạy cảm với thông tin vĩ mô nên nhà đầu tư ngắn hạn nên hết sức thận trọng với các quyết định giải ngân mới nếu chỉ số chưa vượt ra ngoài kênh giảm giá bắt đầu từ cuối tháng 7/2015 đến nay. Việc duy trì tỷ trọng cổ phiếu thấp trong danh mục sẽ giúp nâng cao tính an toàn trong bối cảnh những thông tin tiêu cực vẫn có khả năng xuất hiện bất ngờ.

Hiệu ứng xấu nhất đã qua

(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)

Thị trường đảo chiều rất nhanh sau khi có thông tin về việc Thông tư hướng dẫn nghị định 60 được ban hành. Từ mức giảm hơn 10 điểm, chỉ số VN-Index tăng trở lại, thậm chí có thời điểm tăng nhẹ. Có thể thấy rõ tâm lý của nhà đầu tư vẫn luôn trong trạng thái đám đông hoặc cũng có thể do việc đánh xuống gây áp lực mua vào.

Nhà đầu tư có vẻ như đã tăng thái quá mọi vấn đề lên khi NHNN nới biên độ thêm 1% đồng thời phá giá VNĐ 1%. Với biên độ rộng ra thành 3% thì ngắn hạn mọi giao dịch sẽ diễn biến sát trần, nhưng trong thời gian tới khi có điều kiện thu hẹp biên độ trở lại sẽ dễ dàng. Chúng tôi cho rằng điều này nên được nhìn nhận ở khía cạnh tích cực hơn bởi động thái này sẽ giúp cho khu vực này trở nên ổn định và điều hành sẽ dễ thở hơn.

Hai phiên biến động mạnh và mốc 570 điểm vẫn được duy trì là một điểm nhấn tích cực. Nó chưa khẳng định chắc chắn rằng đây là vùng điểm an toàn nhưng rõ ràng hiệu ứng xấu nhất đã qua. Chỉ có điều đầu tư trở lại thì mua cổ phiếu nào mới là khó khi những biến động hiện nay sẽ có tác động rất lớn tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới.

VN-Index có thể tăng lên 580-585 điểm

(CTCK Maritime – MSI)

Các thông tin tích cực hơn xuất hiện trong phiên chiều như giá xăng giảm 700 đồng/lít cùng với việc Thông tư số 123 về nới room ngoại được ban hành đã giúp thị trường thu hẹp đà giảm. Kết phiên, VN-Index chỉ còn giảm 2,4 điểm. Dòng tiền đã quay lại, tập trung chủ yếu vào các nhóm cổ phiếu chứng khoán, Bluechips đã kín room và một số cổ phiếu thuộc nhóm Thủy sản, Dệt may.

Kết thúc phiên 19/8, VN-Index đã hình thành mẫu hình nến Doji, lực cầu cũng gia tăng trở lại trong cuối phiên chiều. Nhiều khả năng phiên 20/8 sẽ là phiên tăng điểm, VN-Index có thể tăng lên 580-585 điểm. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần thận trọng khi nhịp điều chỉnh vẫn có thể tiếp tục trong các phiên tới, đồng thời theo dõi sát diễn biến của thị trường trước khi tiến hành giải ngân.

Giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Thị trường phản ứng khá tiêu cực với thông tin NHNN đã không duy trì được biên độ tỷ giá không quá 2% như đã cam kết do chính sách phá giá bất ngờ của Trung Quốc. Tỷ giá VNĐ/USD liên tục duy trì trong trạng thái khá căng thẳng mặc dù NHNN đã nới hết biên độ 2% trong tuần trước. Điều này cho thấy biên độ tăng/giảm tối đa 2% của tỷ giá vẫn chưa phản ánh được tác động của việc tăng giá đồng CNY trong thời gian qua. Chính vì vậy, việc nới biên độ thêm 1% sẽ tạo tính linh hoạt trước các biến động bất lợi trên thị trường tài chính quốc tế, đảm bảo tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam đồng thời cũng là bước chuẩn bị cho khả năng FED sẽ tiến hành tăng lãi suất trong cuộc họp của FOMC vào tháng 9 tới đây.

Tuy vậy, động thái nới lỏng biên độ của NHNN cũng sẽ có tác động tiêu cực lên tình hình kinh tế vĩ mô. Trước hết sẽ tác động tiêu cực lên diễn biến nợ công của Việt Nam trong bối cảnh 80% nợ nước ngoài của Việt Nam là bằng đồng USD (tổng lượng nợ nước ngoài của Việt Nam theo thống kê của World Bank tính tới thời điểm hiện tại ở mức 55,2 tỷ USD, chiếm 27,3% tổng GDP). Việc nới 1% tỷ giá sẽ khiến dư nợ nước ngoài tăng thêm khoảng 10 nghìn tỷ đồng. Điều này khiến áp lực trả nợ nước ngoài tiếp tục tăng cao trong khi nguồn thu sụt giảm vì giá dầu thế giới giảm mạnh.

Thứ hai, việc giảm giá VND sẽ tác động mạnh tới tâm lý đầu cơ ngoại tệ và vàng của người dân, nhất là trong bối cảnh lãi suất huy động đang giữ ở mức thấp, qua đó khiến nguồn cầu ngoại tệ tăng cao tạo áp lực ngược trở lại lên diễn biến tỷ giá. Ngoài ra, diễn biến điều chỉnh tăng tỷ giá cũng khiến một số mặt hàng trong nước điều chỉnh tăng trong thời gian tới, gây áp lực lên CPI trong các tháng còn lại của năm.

Như vậy sau phiên bật tăng kỹ thuật tích cực ngày 18/8, trạng thái điều chỉnh giảm tiếp tục quay trở lại với những diễn biến bất lợi từ tỷ giá. Áp lực bán ròng của khối ngoại bắt đầu mạnh dần lên cũng là dấu hiệu đáng lưu ý trong thời điểm hiện tại. Theo đó, nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức thấp. Hành động bắt đáy chỉ nên diễn ra tại các cổ phiếu mà nhà đầu tư nắm rõ có thông tin tích cực và tiến hành với tỷ trọng thấp.

Nhịp điều chỉnh vẫn chưa cho dấu hiệu kết thúc

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Sau nhịp điều chỉnh tương đối mạnh trong 1 tháng gần đây, chúng tôi đang kỳ vọng vào khả năng thị trường sẽ sớm xuất hiện nhịp hồi phục trở lại. Đây được coi là cơ hội thu về lợi nhuận cho các nhà đầu tư ưa thích hoạt động trading ngắn hạn bên cạnh việc dần xây dựng lại các vị thế trung hạn.

Mặc dù vậy, nhịp điều chỉnh từ cuối tháng 7 đến nay vẫn chưa cho dấu hiệu kết thúc, các quyết định mua nên được khống chế tỷ trọng ở mức trung bình và trải lệnh từng phần ở các vùng giá thấp. Trong thời gian tới, các thông tin liên quan đến kỳ họp TPP trong tháng 9 hay văn bản hướng dẫn tỷ lệ nới room cụ thể tại từng nhóm ngành sẽ là các thông tin có tác động mạnh đến diễn biến thị trường chung.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục