Nhận định thị trường ngày 20/10: Áp lực chốt lời tăng dần

(ĐTCK) Xu hướng vận động của thị trường hiện vẫn tích cực, các chỉ số tiếp đà tích lũy. Tuy nhiên, càng tiến sát mốc 600 điểm, áp lực chốt lời sẽ lớn dần.
Nhận định thị trường ngày 20/10: Áp lực chốt lời tăng dần

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 20/10.

Kịch bản đi ngang lại có thể lập lại

(CTCK FPT - FPTS) 

Đối diện với khoảng điểm tâm lý 600 điểm phần nào làm thị trường có sự thận trọng nhất định. Mặc dù dòng tiền vẫn lưu chuyển và tìm kiếm các cơ hội tăng giá, tuy nhiên chưa bộc lộ sức bật rõ nét. Sau phiên 19/10, sự sụt giảm về thanh khoản cũng phản ánh tâm lý chờ bứt phá thay vì giải ngân sớm chấp nhận rủi ro. Đã lác đác xuất hiện các lựa chọn nổi bật như dòng bất động sản hay các nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ thông tin thoái vốn của SCIC, tuy nhiên tựu trung lại thì sự phân hóa đang quá hẹp. Nhóm cổ phiếu ngân hàng thậm chí có dấu hiệu hụt hơi khiến dòng tiền vào nhóm này chậm lại. Nếu sự cô đặc của dòng tiền vẫn tiếp tục duy trì như hiện nay thì khó kỳ vọng có một nhịp bứt phá đi xa hơn của chỉ số.

Thời điểm này các báo cáo kết quả kinh doanh quý III đang xuất hiện ngày một nhiều và số lượng doanh nghiệp có sự cải thiện trong quý III là khá tích cực, do đó vẫn có thể tạo được các nhịp tăng giá đơn lẻ và dòng tiền vẫn còn lý do để chưa rút ra. Theo đó, kịch bản đi ngang lại có thể lập lại trong tuần này. Nhóm nhà đầu tư ưa thích lướt sóng có thể duy trì tỷ trọng từ 20-30% tổng tài sản dưới dạng cổ phiếu vào nhóm được đánh giá tích cực trong mùa kinh doanh quý III/2015. 

Tâm lý thận trọng đang quay trở lại

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Dòng tiền có dấu hiệu suy yếu sau khi không vượt qua được ngưỡng cản 600 điểm của phiên cuối tuần 16/10. Nhiều cổ phiếu lớn cũng đang gặp phải các ngưỡng cản tâm lý khiến áp lực chốt lời tiếp tục dâng cao đã tác động tiêu cực lên diễn biến thị trường chung. Nếu trong các phiên sắp tới không xuất hiện dấu hiệu bứt phá mạnh của thị trường, trạng thái giao dịch chậm chạp tiếp tục diễn ra thì rủi ro điều chỉnh sẽ bắt đầu tăng mạnh.

Thông tin về kết quả kinh doanh trong quý III của các doanh nghiệp niêm yết đang tiếp tục dần được hé lộ. Đà tăng cũng vẫn tiếp tục được duy trì nhưng thanh khoản đang có dấu hiệu yếu đi cho thấy tâm lý thận trọng đang quay trở lại. Nhà đầu tư được khuyến nghị nên tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao, nhưng cũng không nên vội tiến hành tiếp tục tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục, chờ các diễn biến tiếp theo của dòng tiền.

Khó breakout

(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)

Thị trường lại suy giảm về cuối phiên cho dù mã VNM vẫn giữ mức giá cao nhất trong ngày. Phiên thứ 2 liên tiếp chỉ số VN-Index tiệm cận đến mốc 600 điểm rồi suy giảm trở lại là tín hiệu không tốt với thị trường. Để bứt phá qua mốc 600 điểm, thị trường cần một sự bứt phá mạnh đủ khiến dòng tiền đổ vào, nhưng việc suy giảm trở lại sẽ ngày càng khiến sự thận trọng tăng cao. Hơn nữa, thực sự khó để có cú breakout như kỳ vọng chỉ với những thông tin kiểu như hiện nay. Điều này có thể khiến cho mức độ chốt lời ở những cổ phiếu tăng mạnh sẽ tiếp tục gia tăng.

Đây là giai đoạn thị trường có thể phản ứng 2 chiều, tích cực và không tích cực nếu đón nhận những thông tin tương ứng. Và ở mốc 600 điểm nàyVN-Index cũng sẽ có 2 lựa chọn theo đúng thông tin mà thị trường xuất hiện. Một phiên tăng mạnh, cây nến tăng thể hiện sự vượt trội về sức cầu sẽ thực sự hút tiền, ngược lại cây nến giảm kéo dài sẽ khiến bên bán bán ra không nhỏ.

Áp lực điều chỉnh ngắn hạn đang tăng dần

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Thị trường đang tiệm cận ngưỡng kháng cự tâm lý tương đối mạnh tại mốc 600 điểm của VN-Index. Điều này khiến tâm lý nhà đầu tư chuyển biến theo chiều hướng thận trọng, thể hiện qua sự sụt giảm đáng kể của thanh khoản. Kỳ vọng các thông tin tích cực liên quan đến kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp cùng thông tin liên quan đến khả năng mở room của từng mã cụ thể sẽ là lực đẩy giúp 2 chỉ số vượt qua vùng giá hiện tại.

Triển vọng tích cực của thị trường trong trung hạn vẫn đang được bảo lưu, tuy nhiên áp lực điều chỉnh ngắn hạn đang tăng dần. Nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì tỷ trọng ở mức trung bình và chỉ nâng lên mức cao khi 2 chỉ số có các phiên tăng điểm thuyết phục hơn.

Rung lắc trong biên độ hẹp 590-595 điểm  

(CTCK Maritime – MSI)

Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, các chỉ báo MFI có xu hướng đi xuống ra khỏi vùng quá mua, RSI ở mức cao nhất kể từ tháng 6/2015, nhiều khả năng phiên 20/10 thị trường sẽ điều chỉnh giảm điểm, VN-Index có thể sẽ là rung lắc trong biên độ hẹp 590-595 điểm. Thị trường vẫn tiếp tục phân hóa, cơ hội đầu tư giá trị vẫn đang hiện hữu. Nhà đầu tư chỉ nên mua vào những cổ phiếu cơ bản tốt hoặc có thông tin cơ bản hỗ trợ. Một số cổ phiếu đáng chú ý: DLG, TIG, DCM...

Áp lực chốt lời sẽ lớn dần  

(CTCK BIDV - BSC)

Xu hướng vận động của thị trường hiện vẫn tích cực, các chỉ số tiếp đà tích lũy. Tuy nhiên, càng tiến sát mốc 600 điểm, áp lực chốt lời sẽ lớn dần. Nhà đầu tư tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu, cân nhắc tăng tỷ trọng cổ phiếu ở những phiên điều chỉnh, có thể lưu ý tới nhóm cổ phiếu kỳ vọng kết quả kinh doanh tốt.

Rung lắc sẽ thường xuyên hơn

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)  

VN-Index tiếp tục việc thử “kháng cự tâm lý” 600 điểm và áp lực chốt lời vẫn quyết liệt. Xu hướng tăng ngắn hạn được duy trì, nhưng lưu ý tình trạng “rung lắc” sẽ thường xuyên hơn khi lên các mức cao hơn 600 điểm. Nhà đầu tư có thể duy trì tỷ trọng cp cao hơn tiền mặt trong giai đoạn này và áp dụng chiến thuật “để lãi chạy”.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục