Nhận định thị trường ngày 16/7: Điều chỉnh sẽ không diễn ra lâu

(ĐTCK) Sự điều chỉnh 15/7 là cần thiết và hợp lý do ngưỡng 640 điểm sẽ không dễ dàng bị phá vỡ. Tuy vậy, nhịp điều chỉnh này có thể sẽ không diễn ra lâu và cường độ không mạnh
Nhận định thị trường ngày 16/7: Điều chỉnh sẽ không diễn ra lâu

Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán cho phiên 16/7.

Nên tạm dừng giải ngân mới

CTCK FPT (FPTS)

Với diễn biến điều chỉnh trên diễn rộng toàn thị trường trong phiên 15/07 là một tín hiệu cảnh báo đầu tiên đối với các hoạt động giải ngân mới. Hoạt động chốt lời đang bắt đầu diễn ra nhưng với cường độ thấp và chưa ồ ạt. Những kỳ vọng vào sự hồi phục của các nhóm cổ phiếu dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm khi đang rơi vào thế điều chỉnh là nguyên nhân chính tạo ra các nhịp giằng co liên tục gần đây. Tuy nhiên, những đánh giá về xung lực và tâm lý thị trường cho thấy dòng tiền đã gặp nhiều hạn chế và sự thận trọng đang gia tăng trở lại.

Như vậy, nếu trong các phiên tới sự xuất hiện các nhịp hồi phục không đi kèm với thanh khoản cải thiện tích cực thì hành động giảm tỷ trọng sẽ tiếp tục được thực hiện, đặc biệt là đối nhóm cổ phiếu có sử dụng margin. Các hoạt động giải ngân mới nên tạm dừng khi tín hiệu tại các khu vực có hỗ trợ mạnh chưa được xác lập.

Nên tiếp tục chốt lãi từng phần

CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS)

Thị trường suy yếu rõ rệt khiến VN-Index tiếp tục chinh phục không thành công vùng đỉnh được thiết lập từ tháng 9 năm ngoái. Áp lực chốt lời tại nhóm các mã trụ dẫn dắt đã tăng nóng thời gian qua nhanh chóng tạo hiệu ứng khiến đà điều chỉnh diễn ra trên diện rộng. Độ rộng thị trường cũng vì vậy bị thu hẹp khá mạnh đi kèm thanh khoản tiếp tục có xu hướng suy giảm do trạng thái thận trong dâng cao.

Diễn biến tâm lý này khá dễ hiểu khi chỉ số áp sát đỉnh cũ nhưng lượng tiền không còn duy trì lực vào mạnh khiến lượng hàng thoát ra nhanh chóng tại vùng giá thấp để bảo toàn lợi nhuận. Sự phân hóa của dòng tiền cũng diễn ra khá mạnh.

Dòng tiền không còn luân chuyển theo nhóm ngành mà chuyển hướng sang một số mã vừa và nhỏ mang tính cá biệt.

Thị trường đang bắt đầu trải qua trạng thái giằng co mạnh để kiểm định kỳ vọng cũng như sức mạnh của dòng tiền khi VN-Index tiệm cận đỉnh 5 năm sau thời quãng thời gian dài tăng điểm. Quan điểm thận trọng tiếp tục nên duy trì trong thời điểm hiện tại. Nhà đầu tư nên tiếp tục chốt lãi từng phần đối với các mã đã tăng nóng, nhưng không nên bán bằng mọi giá nếu trạng thái dòng tiền chưa có dấu hiệu suy yếu mạnh.

Rủi ro điều chỉnh ngắn hạn đang dần hiện hữu

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Thị trường quay đầu giảm điểm sau 3 phiên tăng liên tiếp trước đó. Áp lực bán gia tăng ngay từ đầu phiên, kể cả với nhóm cổ phiếu bảo hiểm vốn là nhóm dẫn dắt trong các phiên gần đây. Khi các cổ phiếu đầu tàu vốn hóa lớn như BVH, VCB, GAS... sụt giảm, thị trường mất đi trụ đỡ và đà giảm điểm đã lan tỏa sang hầu hết các cổ phiếu còn lại. Tuy vậy, một số cổ phiếu mang tính đầu cơ cao như OGC, JVC, SAM lại có diễn biến đi ngược thị trường, tăng điểm khá tích cực về cuối phiên. Nhà đầu tư nước ngoài có phiên mua bán khá cân bằng khi giá trị mua ròng của khối này trên sàn HSX là không đáng kể (chỉ khoảng 3 tỷ đồng).

Đà lao dốc mạnh của TTCK Trung Quốc thời gian gần đây đang khiến nhà đầu tư trong nước kỳ vọng vào việc Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ xu hướng rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài ra khỏi Trung Quốc.

Mới đây, nhà đầu tư nổi tiếng Marc Faber cũng chia sẽ ông sẽ không đầu tư vào cổ phiếu của công ty Trung Quốc bất chấp đợt giảm điểm mạnh vừa qua. Thay vào đó, nhà đầu tư này khuyến nghị Việt Nam có thể là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn.

Chúng tôi cho rằng, nhận định này là có cơ sở nếu so sánh về tính hấp dẫn tương đối giữa giá cổ phiếu tại TTCK Việt Nam và Trung Quốc (P/E của VN-Index hiện mới chỉ khoảng gần 14 lần, thấp hơn hẳn mức 19 lần của chỉ số Shanghai Composite). Tuy nhiên, ngoài tính hấp dẫn của chỉ số P/E thì muốn TTCK Việt Nam thu hút mạnh dòng vốn nước ngoài, các cơ quan quản lý sẽ phải nỗ lực hơn nữa trong việc cải thiện tính minh bạch của thị trường, tăng lượng hàng hóa có chất lượng và sớm thực thi việc nới “room” theo nghị định 60.

Về xu hướng thị trường, rủi ro điều chỉnh ngắn hạn đang dần hiện hữu đối với VnIndex. Nhà đầu tư được khuyến nghị sớm rút tỷ trọng cổ phiếu về mức an toàn (quanh 50%) và có thể tranh thủ đợt điều chỉnh này để tái cơ cấu danh mục. Chúng tôi cho rằng các ngành xuất khẩu, bất động sản hạng trung và chứng khoán vẫn còn nhiều cơ hội tăng trưởng sau đợt điều chỉnh.

Nhịp điều chỉnh sẽ không diễn ra lâu

CTCK BIDV (BSC)

Chúng tôi cho rằng, sự điều chỉnh 15/7 là cần thiết và hợp lý do ngưỡng 640 điểm sẽ không dễ dàng bị phá vỡ. Tuy vậy, nhịp điều chỉnh này có thể sẽ không diễn ra lâu và cường độ không mạnh do vận động chung của thị trường vẫn tốt, các nhóm cổ phiếu quan trọng vẫn đang thay nhau dẫn dắt thị trường.

Nhà đầu tư đã chốt lãi như tư vấn của chúng tôi nên quan sát thêm dấu hiệu tích lũy của thị trường trong một vài phiên tới trước khi tiến hành giải ngân lại.

Giảm dần tỷ trọng cổ phiếu

CTCK MB (MBS)

Thị trường đã giảm mạnh về cuối phiên và đóng cửa ở mức giá thấp nhất trong ngày khi các nhóm cổ phiếu bảo hiểm, ngân hàng đóng vai trò trụ đỡ ở các phiên trước không duy trì được đà tăng giá.

Các cổ phiếu như BVH, BIC giảm về giá sát sàn còn các cổ phiếu ngân hàng như BID, CTG, VCB đều giảm giá.

Ở chiều ngược lại, chỉ có 3 mã trong VN30 tăng giá trong đó có MSN, DPM tăng khá mạnh giúp cho VN-Index không giảm sâu. Trên sàn Hà Nội, HNX30 cũng giảm 2,04% kéo HNX giảm mạnh. Số mã giảm giá vẫn chiếm đa số trên cả hai sàn, tỷ lệ số mã tăng/giảm trên HOSE và HNX lần lượt là 78/152 và 72/105.

Những tín hiệu suy giảm cả về điểm số và thanh khoản đã xảy ra sau khi các chỉ số gặp vùng kháng cự mạnh, đây là các tín hiệu tạo đỉnh ngắn hạn sau giai đoạn liên tiếp tăng mạnh của các chỉ số. Do đó chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư giảm dần tỷ trọng cổ phiếu về mức thấp nhằm tránh rủi ro khi thị trường tiếp tục suy giảm trong các phiên tới.

Tạm dừng các hoạt động trading T+

CTCK MaritimeBank (MSBS)

Việc chốt lời mạnh trong phiên ATC diễn ra ở các cổ phiếu vốn hóa lớn là nguyên nhân chính làm thị trường giảm mạnh, chỉ số VN-Index giảm 7,8 điểm xuống 630,89 điểm. Dòng vốn ngoài vào thị trường đã giảm so với các phiên trước.

Các chỉ báo kỹ thuật như RSI và Momentum cũng đang có xu hướng đảo chiều giảm xuống, thị trường có thể điều chỉnh xuống mốc 610 – 615 điểm trong các phiên tiếp theo. Trong phiên mai, chúng tôi dự báo thị trường sẽ tiếp tục giảm điểm. Nhà đầu tư nên tạm dừng các hoạt động trading T+ trong giai đoạn hiện tại.

Xu hướng chủ đạo vẫn là tăng

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Duy trì sắc xanh nhẹ đến hết buổi sáng, áp lực bán đã mạnh lên rất đột ngột từ sau hai giờ chiều và đặc biệt mạnh hơn trong phiên ATC để hai chỉ số đóng cửa tại vùng thấp nhất trong ngày.

Thanh khoản giảm nhẹ lại so với phiên liền trước, mức giao dịch vẫn cho thấy sự sôi động khi duy trì cao hơn thanh khoản trung bình 50 ngày. HOSE có 136 triệu đơn vị khớp lệnh với giá trị đạt 2.485 tỷ đồng (-8,8%) trong khi HNX có 56 triệu cổ phiếu chuyển nhượng, ghi nhận giá trị 722 tỷ đồng (-18,9%).

Có nhiều biến động đáng chú ý hôm nay. Đáng kể nhất là nhóm bảo hiểm khi 2/3 cổ phiếu “trụ” của nhóm này đã giảm mạnh là BVH (-6,1%) và BIC (-6,4%), đây là bức tranh rất khác với tình trạng tăng kịch trần ở nhóm này trong hơn một tuần qua.

Các tâm điểm biến động khác là sự tăng giá mạnh ở MSN (+4,9%) khi cổ phiếu này nhận được lực mua rất tốt từ khối ngoại (hơn 55% lực mua MSN đến từ khối ngoại). Ở chiều ngược lại, sau một quá trình đi lên mạnh mẽ, CII đột ngột giảm sàn trong 15 phút cuối phiên 15/7.

Cổ phiếu ngân hàng có phiên giao dịch thất vọng khi hầu hết chìm trong sắc đỏ, điển hình: BID (-1,5%), CTG (-3,1%), VCB (-2,9%), MBB (-3,6%). Một nhóm khác, ngược lại có hoạt động tốt hơn thị trường chung là Ô tô với hầu hết các cổ phiếu đều tăng nhẹ như: HHS (+4,1%), TMT (+1,3%), HTL (+2,3%).

Điểm đáng lưu tâm phiên 15/7 là việc khối ngoại đột ngột không duy trì việc mua ròng. Tính riêng khớp lệnh tại HOSE, khối ngoại bán ròng gần 2 triệu cổ phiếu với giá trị hơn 4,5 tỷ đồng.

Rõ ràng vùng kháng cự 640 điểm đang phát huy hiệu quả và gia tăng mạnh áp lực chốt lời khi VN-Index tiến về khu vực này. Dù đang có “rung lắc” đáng kể khi VN-Index cố gắng thử kháng cự, chúng tôi lưu ý xu hướng chủ đạo hiện nay tiếp tục là tăng. Có thể sẽ mất một vài phiên trước khi VN-Index chinh phục mốc 640 điểm.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục